CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 20 tháng 9, 2021

KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY QUỐC TẾ HÒA BÌNH (21/9/1982 – 21/9/2021)

 Ngày Quốc tế hòa bình được Liên hợp quốc khởi xướng vào năm 1981 và lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 9/1982. Năm 2021, toàn thế giới kỷ niệm 40 năm ngày tiếng “chuông hòa bình” ngân vang báo hiệu. Ngày này được dành để tôn vinh nền Hòa bình thế giới và kêu gọi chấm dứt chiến tranh, bạo lực, là dịp để tổ chức các lệnh ngừng bắn tạm thời trong vùng chiến sự nhằm tạo điều kiện cho lực lượng cứu trợ nhân đạo thi hành sứ mệnh của mình; kêu gọi người dân trên toàn thế giới chung tay xây dựng thế giới hòa bình, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.

 “Hòa bình” luôn là mong ước, là khát vọng thường trực và hiện hữu của nhân loại, là đích đến trong mọi hành trình và là sợi dây để kết nối toàn cầu. Dịp 21/9 hằng năm là dịp để Liên hợp quốc và mọi quốc gia trên toàn thế giới thêm một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng, cũng như ý nghĩa cao đẹp của hòa bình đối với toàn nhân loại. Để khai mạc ngày này, “Chuông hòa bình” ở Trụ sở Liên Hợp Quốc (tại thành phố New York, Hoa Kỳ) bắt đầu ngân vang báo hiệu.

Ngày Quốc tế hòa bình năm nay là năm thứ hai cả thế giới đứng trước thách thức đại dịch COVID-19, đồng thời ở nhiều nơi, khu vực trên thế giới vẫn diễn ra xung đột, bất ổn về chính trị; người dân trong các cuộc xung đột đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trong các vùng chiến sự, đại dịch đang hoành hành và gây ra các loại bất công, đẩy các cộng đồng và các quốc gia tới sự đối đầu lẫn nhau. Do đó, thế giới cần có một lệnh ngừng bắn ngay lập tức để tập trung vào kẻ thù chung, đó là dịch bệnh.

Có thể thấy, đại dịch COVID-19 đang hoành hành một lần nữa cho thấy một điều rõ ràng rằng, chúng ta không phải là kẻ thù của nhau.Thay vào đó, kẻ thù chung của chúng ta hiện nay là một loại virus không ngừng đe dọa đến sức khỏe, an ninh và cuộc sống hằng ngày của chúng ta. COVID-19 đã khiến thế giới bị xáo trộn, 229 triệu người mắc bệnh, trên 4,7 triệu người tử vong, hệ thống y tế ở nhiều nước trở nên quá tải, cuộc sống của hàng triệu gia đình bị đảo lộn… COVID-19 đã nhắc nhở chúng ta về một thực tế rằng: những gì xảy ra ở một phần, một khu vực của một đất nước nào đó có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng tỷ người trên khắp hành tinh.

Việt Nam là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, đây cũng là nét truyền thống nổi bật của dân tộc Việt Nam. Có thể thấy, yêu chuộng hòa bình, chán ghét chiến tranh, mong muốn cuộc sống tự do, hạnh phúc, no mặc đủ đầy... là mong ước chung của nhân loại. Kế tục truyền thống yêu chuộng hòa bình, giữ vững ý chí độc lập, tự do; trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển đã thực hiện thành công chủ trương “Giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Việt Nam cũng tích cực tham gia, đóng góp chung vào nền hòa bình thế giới.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, Việt Nam đã luôn là đối tác mạnh mẽ của Liên hợp quốc kể từ khi gia nhập tổ chức vào năm 1977. Hiện nay, Việt Nam đang tham gia các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, và vai trò đầu tàu của các bạn trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ là nền tảng vững chắc giúp triển khai Chương trình Phát triển bền vững 2030. Với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững. Ngày 19/6/2021, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phát biểu: “Việt Nam có những đóng góp tích cực và có trách nhiệm tại Liên hợp quốc và trong các vấn đề toàn cầu, nhất là tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; Việt Nam là một nhân tố quan trọng đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực”.

Như vậy, năm 2021 nền hòa bình thế giới hiện nay đang phải đối mặt cùng lúc với nhiều thách thức. Bên cạnh xung đột, chiến tranh, bất đồng thì dịch bệnh đang là mối nguy hiểm hiện hữu đối với sức khỏe nhân loại, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của mọi quốc gia, dân tộc và ý thức của mọi người dân. Có như vậy, dịch bệnh mới được đẩy lùi và cuộc sống của con người mới sớm yên bình mới trở lại. Một thế giới hòa bình, không còn chiến tranh và dịch bệnh luôn là niềm khát khao, mong mỏi của mọi người dân./.

N.T.Q - H3

 

0 nhận xét: