Ở Việt Nam, các quyền cơ bản của
con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng;
được bảo đảm trên thực tế và được bảo vệ theo pháp luật; ngày càng phát triển,
lan tỏa sâu rộng trong cuộc sống và thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội
chủ nghĩa. Xuyên suốt tiến trình cách mạng, ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất,
Đảng, Nhà nước ta luôn nhận thức sâu sắc và nỗ lực chăm lo, bảo đảm cuộc sống mọi
mặt cho người dân và đó là sự khẳng định Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân,
do nhân dân, vì nhân dân. Từ thực tiễn bảo đảm, bảo vệ, thực thi quyền con người
đã hình thành hệ thống quan điểm nhất quán: Quyền con người là giá trị chung của
nhân loại; quyền con người gắn liền với quyền dân tộc và thuộc phạm vi chủ quyền
quốc gia; bảo đảm quyền con người là bản chất, mục tiêu, động lực của chế độ xã
hội chủ nghĩa; quyền tự do, dân chủ của mỗi cá nhân kết hợp hài hòa với quyền của
tập thể và không tách rời nghĩa vụ, trách nhiệm công dân; quyền con người, quyền
công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm bằng pháp luật; trách nhiệm
của Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương phải tích cực thực hiện, ngày
càng hoàn thiện và nâng cao các quyền con người; chủ động, tích cực hợp tác quốc
tế vì quyền con người. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm bảo đảm an sinh xã hội,
chăm lo cuộc sống của người nghèo, người yếu thế, các đối tượng chính sách, coi
đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, là nội hàm của phát triển bền vững, là
chương trình hành động quốc gia thể hiện tính nhân văn của chế độ xã hội chủ
nghĩa và truyền thống tương thân, tương ái tốt đẹp của dân tộc.
Thành tựu về bảo đảm, bảo vệ và thực
thi quyền con người ở Việt Nam trong hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng thể
hiện toàn diện trên mọi lĩnh vực, trước hết là những bước tiến vượt bậc về phát
triển kinh tế - xã hội. Sau 35 năm đổi mới, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc
hậu, quy mô 14 tỷ USD (năm 1985), đến năm 2020 là 343 tỷ USD (tăng 24,5 lần),
GDP bình quân đầu người 3.521 USD. Năm 2020, tạp chí The Economist đã xếp Việt
Nam trong danh sách 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, thực hiện
được “mục tiêu kép”: vừa duy trì kinh tế tăng trưởng dương ở mức khá, vừa đẩy mạnh
phòng, chống, kiểm soát thành công đại dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe và bảo đảm
cuộc sống của người dân. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm
2020 do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố là 0,704, xếp thứ
110/189 quốc gia, tăng 7 bậc (năm 2019 là 0,63, xếp thứ 117/189); tuổi thọ
trung bình tăng 4,8 năm; số năm đi học tăng 4,3 năm... nằm trong nhóm các nước
có tốc độ tăng chỉ số HDI cao nhất thế giới. Việt Nam đã quan tâm thúc đẩy và
thực hiện đồng bộ các chính sách phát triển kinh tế gắn với bảo đảm tiến bộ,
công bằng, an toàn, an sinh xã hội. Tỷ lệ người nghèo giảm từ 9,88% (năm 2015)
xuống còn 2,75% (năm 2020), bình quân giảm 1,42% mỗi năm. Năm 2020, cả nước có
gần 3 triệu người nghèo, người yếu thế được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí...
Đảng, Nhà nước xác định mục tiêu
xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh” với hàm ý luôn nỗ lực cao nhất để bảo đảm và gắn kết quyền
sung sướng (dân giàu) với quyền tự do (dân chủ) cho nhân dân và đây là cam kết
chính trị của Việt Nam cùng các quốc gia, cộng đồng quốc tế thực hiện có hiệu
quả những giá trị phổ quát về quyền con người. Quốc hiệu và tiêu ngữ mở đầu văn
bản từ khi thành lập chính quyền cách mạng đến nay luôn nhất quán “Độc lập - Tự
do - Hạnh phúc” đồng nghĩa với mục tiêu trước sau như một, Đảng và Nhà nước
kiên trì bảo đảm dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Từ một xứ
thuộc địa lạc hậu, không có tên trên bản đồ thế giới, đến nay Việt Nam đã trở thành
một quốc gia độc lập có chủ quyền, một nước đang phát triển có thu nhập trung
bình; được cộng đồng quốc tế ghi nhận là quốc gia tiên phong trong bảo đảm quyền
con người, là điểm sáng khi thực hiện thành công trước thời hạn nhiều mục tiêu
phát triển thiên niên kỷ và mục tiêu phát triển bao trùm, bền vững, không ai bị
ở lại phía sau của Liên hợp quốc. Dưới góc độ từng người dân, quyền con người
không gì quan trọng hơn, cao hơn đó là quyền được sống trong hòa bình, có việc
làm, được học hành, được chăm sóc sức khỏe, được bảo đảm an toàn. Trong bối cảnh
thế giới đang phải vật lộn trong đại dịch COVID-19 thì ở Việt Nam, mặc dù dịch
bệnh diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng cao, nhưng người dân vẫn được Chính
phủ quan tâm, chăm lo bảo đảm cuộc sống. Đây là lý do để Chương trình Phát triển
của Liên hợp quốc (UNDP) đánh giá Việt Nam nằm trong tốp 10 “quốc gia đáng sống”
nhất thế giới. Điều đó chứng tỏ chúng ta đã có những bước tiến bộ vượt bậc
trong thực hiện chính sách chăm lo phát triển con người toàn diện. Đồng thời,
đây là những minh chứng cao nhất về quyền con người được bảo đảm và bảo đảm tốt
ở Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng đã tiếp cận quyền con người trên phương diện
chính trị - xã hội; gắn quyền con người với an ninh quốc gia, an ninh con người
và quyền của quốc gia - dân tộc; lấy con người giữ vị trí trung tâm gắn với
phát triển con người toàn diện và đề cao vai trò chủ thể của con người trong
chiến lược phát triển đất nước; coi trọng công tác bảo hộ công dân và công tác
người Việt Nam ở nước ngoài; đẩy mạnh đối thoại, đấu tranh trên lĩnh vực quyền
con người nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân./.
VTM-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét