Với những tính
năng đa dạng, thông tin phong phú, không bị rào cản về không gian và thời gian,
mạng xã hội đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều người. Tuy
nhiên, do quá lạm dụng mạng xã hội, không ít người trong giới trẻ do bị cuốn
sâu vào mạng xã hội mà quên đi cuộc sống thật của mình. Đặc biệt là ở một môi
trường được giáo dục và quản lý chính quy như quân đội, tuy nhiên, quân nhân
cũng khó tránh khỏi sức hấp dẫn từ mạng xã hội.
Mạng xã hội là
dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên Internet lại
với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian.
Những người tham gia vào dịch vụ mạng xã hội còn được gọi là cư dân mạng.
Khi xã hội phát
triển, công nghệ thông
tin trở thành một trong những nhu cầu cần thiết đối với giới trẻ, đặc biệt là sự
phát triển của các trang mạng xã hội. Có thể nói, ở
Việt Nam mạng xã hội được biết đến và sử dụng phổ biến nhất hiện nay là
facebook, với khoảng 18 triệu người sử dụng, bên cạnh hàng trăm mạng, diễn đàn
xã hội khác như zalo, instagram, facebook ...
Không khó để bắt
gặp hình ảnh những
nhóm bạn đi chơi, uống cà phê với nhau trong cùng một không gian, mỗi người cầm
trên tay một chiếc smart phone và làm những việc như “check in”, up ảnh, lướt
facebook…. Thay vì chuyện trò hỏi thăm nhau, tâm sự, chia sẻ cùng nhau thì giới
trẻ lại tập trung vào thế giới ảo đó. Ngay cả trong mỗi gia đình, mọi thành
viên nhà cả ngày đi làm, đi học tối về vội vàng ăn cùng nhau bữa cơm tối, rồi lại
mỗi người lại ngồi ôm khư chiếc điện thoại lên
facebook với những mối quan tâm riêng bên ngoài, mà ít khi có cuộc trò chuyện với
nhau.
Trong thời đại
công nghệ thông tin phát triển nhanh như hiện nay, việc quân nhân sắm cho mình
một chiếc điện thoại di động hoặc các loại máy móc hiện đại hơn như máy tính
xách tay, ipad… là điều không quá khó khăn. Và chỉ cần một chiếc điện thoại di
động, mỗi quân nhân đã có thể dễ dàng truy cập internet, tham gia các trang mạng
xã hội.... Nói điều này để thấy sự khó khăn, phức tạp trong quản lý quân nhân sử
dụng internet nói chung, mạng xã hội nói riêng ở các đơn vị trong điều kiện hiện
nay. Ở nhiều đơn vị đã có quy định cấm chiến sĩ dùng điện thoại di động; ban
hành quy định sử dụng mạng internet chặt chẽ…. Đây là việc làm cần thiết nhằm mục
đích quản lý việc sử dụng internet và mạng xã hội ở đơn vị. Tuy nhiên, thực tế
cho thấy, các quy định cấm này vẫn chưa đủ và chỉ giải quyết được phần ngọn, bởi
như đã nói, với các loại máy móc, thiết bị điện tử hiện đại, tinh vi đang rất
phổ biến hiện nay, những quân nhân thiếu ý thức có thể dễ dàng “qua mặt” sự quản
lý của cán bộ để “online”, tham gia các trang mạng xã hội, đặc biệt là vào những
giờ nghỉ, ngày nghỉ, hoặc ở bên ngoài doanh trại, trong thời gian nghỉ phép…
Chuyện sẽ cũng
chỉ dừng lại ở mức độ cá nhân của mỗi quân nhân nhưng sẽ như thế nào nếu các
quân nhân cũng ghiền sống ảo, cũng thích câu like, đếm like và quá đà với hành
vi của chính mình. Còn có những chiến sĩ không hiểu vì quá kích động hay vì lý
do gì mà còn có những câu nói thiếu suy nghĩ trên mạng xã hội rất phản cảm.
Trên tin tức
Baomoi.com từng đưa nguồn thông tin, một độc giả đã gọi điện đến đường dây nóng
Báo Quân đội nhân dân phản ánh thấy bức ảnh của một quân nhân rất phản cảm.
Theo như bức ảnh được đưa lên là hình ảnh một quân nhân mặc quân phục xộc xệch,
ngực áo phanh ra, đang uốn éo người để “làm dáng”. Đáng trách hơn là ở dưới đất,
quân nhân này để một chiếc mũ kê-pi lật ngược trông rất phản cảm. Nhưng đó chỉ
là cảm nhận của người đọc, còn các chiến sĩ thì sao? Họ chưa nhận thức vấn đề mình
vui quá đà và sai ở đâu. Đây thực ra chỉ là một trong những hành động câu like
quen thuộc của những người nghiện mạng xã hội. Họ thoải mái post những bức ảnh
dị hợm chỉ để nhận được nhiều like nhất và sau đó đơn giản là ngồi đếm like và
tự hào với thành quả của chính mình. Những hành động phát tán các hình ảnh về
quân sự còn bị các thế lực âm mưu thù địch lợi dụng làm các “ Tít” giật gân làm
phai mờ bản chất hình ảnh anh Bộ đội cụ Hồ. Chỉ cần một hành động được cắt ghép
bản chất về người lính sẽ bị thế lực thù địch lợi dụng.
Khi nhắc tới quân
nhân chúng ta đều liên tưởng ngay tới hình ảnh bộ đội Cụ Hồ luôn luôn tự giác học
tập và rèn luyện xây dựng bản lĩnh người quân nhân cách mạng. Nhưng vẫn còn có
những cá nhân vì tác động của mạng xã hội trong thời gian ngày nghỉ, giờ nghỉ,
thời gian nghỉ phép hè, tết… Để chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch
đang lợi dụng sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, kích động; phao tin, đặt điều
vu cáo các lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta (moi móc đời tư, đưa thông tin giả)
nhằm bôi nhọ, làm mất uy tín của Đảng, bóp méo hình ảnh các quân nhân, gây nghi
hoặc trong nhân dân. Nặng hơn là có những hành động lôi kéo, dụ dỗ khiến các quân
nhân hướng theo những hành vi xấu, chống đối cách mạng. Bên cạnh đó, hệ thống
các mạng xã hội là nguồn tin công khai vô cùng to lớn, phong phú, đa dạng, nhiều
chiều, không bị kiểm duyệt, trong đó có nhiều thông tin bí mật bị lộ. Nhận thức
không đúng khi tung lên mạng những hình ảnh mang tính chất quân sự như các hình
ảnh hành trú quân, diễn tập,…. là những hành động cần được kiên quyết giáo dục
và ngăn chặn.
Để quản lý có
hiệu quả việc quân nhân sử dụng các trang mạng xã hội, việc đầu tiên là lãnh đạo,
chỉ huy các đơn vị cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho quân nhân nhận
thấy “mặt trái” của internet cũng như những hậu quả có thể xảy ra từ việc tham
gia các trang mạng xã hội. Internet nói chung, các trang mạng xã hội nói riêng
là “kho tàng” tri thức phong phú, là phương tiện để giải trí, để kết nối, giao
lưu bạn bè… nhưng nó chỉ thực sự đem lại hiệu quả tích cực khi mỗi quân nhân biết
sử dụng đúng cách. Ngược lại, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín hình ảnh người
quân nhân cách mạng, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống phẩm chất của quân đội
nhân dân Việt Nam….
Quản lý, nắm chắc
hơn nữa tình hình, trong việc sử dụng, hoạt động trên intrernet nói chung cũng như
tham gia mạng xã hội của các cơ quan, đơn vị nói riêng; kịp thời chấn chỉnh, nhắc
nhở, xử lý, ngăn chặn những hành vi tán phát các thông tin, hình ảnh… có nội
dung tiêu cực, phản cảm và các biểu hiện lơ là, mất cảnh giác của học viên khi
tham gia trên mạng xã hội, tạo sự “miễn dịch” cho mọi người trước các tác động
của mặt trái, tiêu cực trên mạng xã hội. Chủ động tìm các biện pháp như: bóc gỡ
các thông tin, tài liệu có nội dung phản cảm, sai quy định bị tán phát trên mạng
xã hội; không để các đối tượng xấu lợi dụng chống phá, gây ảnh hưởng tới danh dự,
uy tín của quốc gia, địa phương và đơn vị.
Bên cạnh đó,
các đơn vị cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc tạo ra những “sân chơi” bổ ích,
lành mạnh ngay trong doanh trại để cán bộ, chiến sĩ tham gia. Các sân chơi lành
mạnh này sẽ tạo ra “lực hút” để kéo quân nhân ra khỏi ảnh hưởng từ những trang
mạng có nội dung xấu…. Để góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người quân nhân
cách mạng, mỗi quân nhân hãy tự “miễn dịch” với những trang mạng có nội dung xấu,
không đưa những hình ảnh, lời bình, … có nội dung không tốt lên mạng, cùng nhau
chung sức học tập phấn đấu xây dựng Nhà trường chính quy, tinh nhuệ, từng bước
hiện đại, xây dựng Quân đội vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình
mới./.
HXL-BC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét