CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 13 tháng 1, 2022

TIẾP TỤC GIỮA VỮNG VÀ PHÁT HUY BẢN CHẤT GIAI CẤP CÔNG NHÂN CỦA ĐẢNG

 

Giữ vững và phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng là một vấn đề rất lớn, liên quan đến năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng. Đây cũng là cốt lõi lý luận của vấn đề “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”

Trong điều kiện hiện nay, giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng là phải:

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong bất kỳ tình huống khó khăn nào cũng không dao động, xa rời mục tiêu đó.

 Kiên định và vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, xuất phát đầy đủ từ thực tiễn Việt Nam, trên cơ sở đó xây dựng đường lối, chủ trương và các chính sách đúng đắn.

 Giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thường xuyên tự phê bình và phê bình, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng lập trường, quan điểm, ý thức tổ chức của giai cấp công nhân; xây dựng đội ngũ cán bộ và đảng viên theo quan điểm của giai cấp công nhân.

 Củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Chăm lo đời sống, thực sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Trung thành với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”.

Đó là những định hướng đúng đắn và cần thiết cho việc giữ vững và phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện những nội dung đó, cần chú trọng hơn một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới phương thức phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng, để thực sự xứng đáng là người đại diện cho lợi ích, lý tưởng của giai cấp công nhân và lợi ích của quốc gia - dân tộc. Bản chất, lý tưởng, lối sống của giai cấp công nhân cần được lan tỏa rộng rãi, không chỉ trong lĩnh vực chính trị mà còn cần được thể hiện ở các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội..., như những yếu tố cơ bản để thể hiện rõ định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển hiện nay.  

Thứ hai, tác phong lãnh đạo gắn bó với giai cấp công nhân và nhân dân cũng cần được tăng cường, phát huy. Những biểu hiện quan liêu, hành chính mệnh lệnh hoặc biểu hiện chủ quan, duy ý chí khi ra quyết định..., đều xa lạ với bản chất và tác phong của một đảng của giai cấp công nhân. Cùng với đó, lập trường về lợi ích của quốc gia - dân tộc là trên hết, trước hết cũng cần được thấm nhuần sâu sắc trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị nói chung, trong các cơ quan đảng và cơ quan nhà nước nói riêng.    

Thứ ba, hiện nay “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị”(16). Những biểu hiện suy thoái đó cần được Đảng xử lý nghiêm khắc cả về kỷ luật của Đảng cũng như bằng pháp luật và phê phán rộng rãi trong xã hội.

Trong đó, một biểu hiện và cũng có thể xem là một nguyên nhân của sự suy thoái đã gây ảnh hưởng xấu đến bản chất giai cấp công nhân và uy tín chính trị của Đảng là: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Vì thế, cần nâng cao một cách thực chất việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; coi thái độ và kết quả học tập những nội dung trên như là căn cứ quan trọng để đánh giá, xếp loại và bổ nhiệm cán bộ, đảng viên.

Như vậy, việc giữ vững và phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng và đối với mỗi đảng viên cần được nhìn nhận như một biện pháp để xây dựng Đảng từ bên trong và là cách để bảo vệ Đảng từ gốc, từ xa. Đó cũng là một biện pháp rất cơ bản để tăng cường năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng, để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

NVN-H1

 

0 nhận xét: