Là đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo cách mạng
Việt Nam - Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và
hành động; lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, đòi hỏi phải có
kỷ luật nghiêm minh. Kỷ luật của Đảng có tầm quan trọng đặc biệt trong việc giữ
vững và nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng. Là người sáng lập và rèn
luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng
tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về kiểm tra và kỷ luật đảng, phù hợp với
đặc điểm, thực tiễn của Đảng ta và của cách mạng Việt Nam.
Theo Hồ Chí Minh, kỷ luật bao giờ cũng là một vấn
đề gắn liền với công tác kiểm tra; là một nội dung quan trọng của công tác xây
dựng, chỉnh đốn Đảng, và là một trong những vấn đề có tính quy luật trong hoạt
động lãnh đạo của Đảng.
Thông qua thực
tiễn hoạt động lãnh đạo của Đảng, tầm quan trọng của tỉnh tổ chức, kỷ luật đảng
được Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Từ trước tới nay, Đảng ta gặp nhiều khó khăn,
nhưng Đảng ta vẫn phát triển được là nhờ có tính tổ chức, tính kỷ luật”; “Kinh
qua bao nhiêu cơn sóng gió, bao nhiêu bước khó khăn, càng nhiều gian nan, Đảng
ta càng nhiều rèn luyện, càng thêm vững chắc và rộng lớn. Nhờ chính sách đúng,
lãnh đạo chắc, kỷ luật nghiêm, nhờ tư tưởng thống nhất, mà Đảng ta và dân tộc
ta được những thắng lợi vẻ vang ngày nay”.
Quan điểm sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh
thần tự giác, ý thức tổ chức kỷ luật cao của cán bộ, đảng viên được Hồ Chí Minh
nhắc đi nhắc lại nhiều lần qua các thời kỳ cách mạng. Sức mạnh của Đảng còn được
thể hiện ở sức mạnh của kỷ luật chặt chẽ, của việc thường xuyên siết chặt kỷ luật.
Kỷ luật đảng vừa thể hiện tính nghiêm minh, vừa thể hiện tính dân chủ, nhân văn
sâu sắc. Mục đích của kỷ luật đảng là để sửa chữa, uốn nắn, ngăn ngừa thiếu sót
và sai lầm của cán bộ, đảng viên và của tổ chức đảng trong thực tiễn hoạt động
lãnh đạo.
Đảng Cộng sản Việt Nam gồm những người con ưu
tú của dân tộc. Đường lối, chính sách của Đảng sẽ không thể biến thành hiện thực
sinh động trong cuộc sống nếu đội ngũ cán bộ, đảng viên kém ý thức tổ chức kỷ
luật. Muốn chủ trương, đường lối của Đảng đi vào thực tiễn đời sống rất cần phải
có kỷ luật tự giác. Kỷ luật của người cán bộ, đảng viên hoàn toàn xuất phát từ
bản chất khoa học và cách mạng của Đảng ta-nơi hội tụ những người hăng hái, ưu
tú, trung thành, tự nguyện tự giác đứng vào hàng ngũ tiên phong, chiến đấu hy
sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Chính vì vậy, nhiều lần, Hồ
Chí Minh khuyên nhủ, nếu ngại gian khổ, khó khăn, nếu sợ mình không toàn tâm
toàn ý phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, sợ khép mình vào tổ chức, sợ kỷ luật
sắt của Đảng thì đừng vào Đảng hoặc hãy khoan vào Đảng.
Kỷ luật của Đảng trước hết buộc mọi cán bộ, đảng
viên và tổ chức đảng phải tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin; chấp
hành vô điều kiện cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng. Chính
vì vậy, nếu không có sự thống nhất về tư tưởng, lý luận thì hành động của người
cán bộ, đảng viên sẽ không thống nhất, ý thức tổ chức kỷ luật sẽ lỏng lẻo. Sự
nhất trí về tư tưởng và hành động là yêu cầu đầu tiên của vấn đề tăng cường kỷ
luật sắt, kỷ luật nghiêm minh, kỷ luật tự giác của Đảng. “Đảng phải giữ kỷ luật
rất nghiêm từ trên xuống dưới. Kỷ luật này là tư tưởng phải nhất trí, hành động
phải nhất trí. Kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ
đối với Đảng...”. Với Hồ Chí Minh, thực hiện tốt kỷ luật đảng cũng có nghĩa là
thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; tức là cá nhân tuyệt đối phục tùng
tổ chức, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa
phương phải phục tùng Trung ương. Đây cũng là một nguyên tắc cơ bản trong hoạt
động lãnh đạo của Đảng.
Muốn bảo đảm được sự thống nhất về phương diện
lý luận thì phải hết sức chú trọng vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa
Mác-Lênin cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải
làm cho toàn Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên hành động đúng và tôn trọng quy luật
khách quan, cũng có nghĩa là tuân thủ kỷ luật của Đảng một cách tự nguyện, tự
giác. Sức mạnh kỷ luật tự giác của cán bộ, đảng viên là chấp hành vô điều kiện
nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng. Như thế cũng có nghĩa là đường lối,
chủ trương của Đảng phải bảo đảm được tính đúng đắn của nó. Khi đường lối, chủ
trương càng đúng đắn thì sự thống nhất, kỷ luật của toàn Đảng càng được chặt chẽ
và nâng cao hơn; nghị quyết của Đảng vì thế nhanh chóng biến thành hành động
cách mạng của cán bộ, đảng viên và quần chúng, đi vào thực tiễn đời sống. Do vậy
mà kỷ luật trong Đảng, kỷ cương phép nước được tăng cường.
Hồ Chí Minh luôn khẳng định sức mạnh của tinh
thần tự giác và tính tổ chức, kỷ luật cao trong Đảng. Điều đó đòi hỏi đảng viên
phải tuyệt đối tránh độc đoán, chuyển quyền, cá nhân chủ nghĩa. Mục đích của việc
thi hành kỷ luật nghiêm ngặt trong Đảng là để đảm bảo cho tư tưởng nhất trí và
hành động thống nhất trong toàn Đảng. Việc chấp hành nghiêm kỷ luật, gắn mọi hoạt
động của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên với tính tổ chức, kỷ luật cao chính là
một bảo đảm chấn chắc cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, cho việc
hoàn thành nhiệm vụ chính trị: “Tất cả cán bộ, đảng viên phải giữ tính kỷ luật,
tính tổ chức. Nhớ rằng không có việc gì làm ngoài tổ chức, ngoài kỷ luật mà
thành công”.
Qua thực tiễn hoạt động lãnh đạo của Đảng, Hồ
Chí Minh chỉ rõ chi bộ, tổ chức cơ sở đảng là nơi quản lý, giáo dục đội ngũ cán
bộ, đảng viên một cách trực tiếp và cụ thể nhất. Do vậy, một vấn đề quan trọng
được đặt ra trong bảo đảm kỷ luật của Đảng là phải tăng cường chất lượng của
chi bộ, chất lượng của tổ chức cơ sở đảng. Đã xác định kỷ luật của Đảng là kỷ
luật sắt thì mỗi tổ chức cơ sở đảng phải là một tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ;
phải thực hiện tốt các nguyên tắc sinh hoạt đảng, tránh tình trạng phân tán tổ
chức, tư tưởng và hành động; hoặc hiện tượng thiếu thống nhất, “trống đánh
xuôi, kèn thổi ngược”,...
Theo Hồ Chí Minh, cũng như công tác kiểm tra, kỷ
luật đảng đòi hỏi đề cao tính tích cực, chủ động và đều nhằm mục đích ngăn ngừa
những sai phạm, nhằm nâng cao đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên. Kỷ
luật không phải là trừng phạt, truy xét, mà cao hơn thế là giúp cho người mắc
khuyết điểm, sai lầm nhận rõ lỗi lầm, vị phạm của mình và có hướng sửa chữa, khắc
phục.
Đảng ta là đảng
cầm quyền, do đó Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến những thứ bệnh có thể dẫn đến
nguy cơ của đảng cầm quyền, làm suy yếu cơ thể Đảng và bộ máy chính quyền, các
tổ chức trong hệ thống chính trị, như bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu, cá nhân
chủ nghĩa, bệnh vô kỷ luật, “đi không xin phép, về không báo cáo”; trong đấu
tranh tự phê bình và phê bình thì e dè, nể nang, theo kiểu “bắn súng chỉ
thiên”; “tưởng là đảng viên thì muốn làm trời làm đất gì thì làm”, Hồ Chí Minh
phê phán nghiêm khắc hiện tượng “khinh rẻ ý kiến cấp dưới. Xem thường chỉ thị của
cấp trên”: “Vừa qua có hiện tượng: Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã ra lệnh, nhưng cấp
dưới không thi hành mà cũng không có kỷ luật. Có cán bộ, đảng viên lợi dụng quyền
thế của Đảng và Nhà nước làm những việc trái với chính sách và pháp luật, xâm
phạm đến lợi ích vật chất và quyền tự do dân chủ của nhân dân, nhưng cũng chưa
bị xử phạt kịp thời,... Như vậy là kỷ luật chưa nghiêm. Chúng ta cần phải chú ý
hơn nữa đến việc giáo dục ý thức tổ chức, kỷ luật trong Đảng và phải thực hiện
đúng chính sách khen thưởng và kỷ luật của Đảng và Nhà nước”. Chỉ dẫn này của
Người vẫn giữ nguyên tính thời sự trong thực tiễn đời sống chính trị đất nước
hôm nay.
Người yêu cầu phải đưa những kẻ sâu mọt, hủ bại
ra khỏi Đảng và thường xuyên bổ sung cho Đảng những thành phần ưu tú. Đây là một
vấn đề có tính quy luật đào thải nghiêm khắc của Đảng Cộng sản; làm được như vậy
tức là bảo đảm tính nghiêm minh cua ky luật đảng.
Trong tư tưởng
Hồ Chí Minh, vấn đề kỷ luật đảng luôn thể hiện rõ tính dân chủ, lòng bao dung,
độ lượng sâu sắc. Hồ Chí Minh quan niệm, đời người ai cũng có khuyết điểm; tuy
nhiên chúng ta không sợ sai lầm, khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa
và cũng chỉ sợ người lãnh đạo không biết tìm đúng cách để giúp cán bộ, đảng
viên sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm. Hồ Chí Minh cho rằng kỷ luật trong Đảng
phải là sự thống nhất biện chứng giữa “xây” và “chống”, trong đó lấy giáo dục
là chính, nhưng đồng thời cũng phải rất nghiêm khắc trước những vi phạm kỷ luật
đảng.
Mọi vi phạm kỷ luật đảng đều phải được xem xét,
nếu đến mức phải thi hành kỷ luật đảng thì xử lý thích đáng, không có vùng cấm,
không có đảng viên nào có thể đứng trên Đảng, tự cho mình là hơn Đảng. Người
còn chỉ rõ, sửa chữa sai lầm, cố nhiên cần dùng cách giải thích, thuyết phục, cảm
hoá, dạy bảo, song cũng cần phải kết hợp với biện pháp xử lý kỷ luật. Trong xem
xét, thi hành kỷ luật đảng không những phải đảm bảo tính khách quan, thận trọng,
mà còn hết sức tránh hình thức, qua loa, chiếu lệ. Đứng trước mỗi khuyết điểm,
sai lâm của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, trực tiếp là cấp uỷ các cấp phải
đi sâu tìm hiểu, phân tích thấu đáo, cặn kẽ đến tận gốc rễ” nguyên nhân gây ra
khuyết điểm, sai lầm (cả chủ quan và khách quan, do cố ý hay do trình độ hạn chế
mà mắc phải) để có quyết định và áp dụng hình thức, mức độ xử lý kỷ luật phù hợp.
Hồ Chí Minh yêu cầu chủ thể kiểm tra cần phải phân tích rõ nguyên nhân dẫn tới
sai lầm, phải xét kỹ lưỡng vi phạm nặng hay nhẹ, phải dùng mức xử phạt cho
đúng.
Trong chấp hành kỷ luật đảng, Hồ Chí Minh chỉ
rõ một hiện tượng nguy hại: “có những người cậy mình là “công thần cách mạng” rồi
đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng và
của Chính phủ. Thế là họ kiêu ngạo, họ phá kỷ luật của Đảng, của Chính phủ”. Với
những sai phạm của các đối tượng này, “Cần phải mời các ông đó xuống công tác hạ
tầng, khép họ vào kỷ luật, để chữa tính kiêu ngạo, thói quan liêu cho họ và để
giữ vững kỷ luật của Đảng và của Chính phủ”. Chính điều đó làm cho kỷ luật đảng
được thi hành từ trên xuống dưới, mọi người đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng,
qua đó bảo đảm tính công minh, nghiêm minh của kỷ luật đảng, tạo tính thuyết phục,
tác dụng giáo dục, cảm hoá, làm cho người có lỗi lầm thực sự “tâm phục khẩu phục”,
làm chuyển biến tư tưởng và nhận thức theo hướng tích cực của cá nhân cán bộ, đảng
viên mắc khuyết điểm, sai lầm.
Trong thi hành kỷ luật đảng, Người rất chú ý đến
tính tự giác nhận khuyết điểm, lỗi lầm và đưa ra hướng sửa chữa, khắc phục,
trên tinh thần đó mà “khoan hồng đại độ”; nhưng đồng thời cũng hết sức nghiêm
khắc đối với thói thiếu trung thực và những hành động, thủ đoạn bao che trước
những vi phạm của cán bộ, đảng viên. Vấn đề quan trọng trong xây dựng đội ngũ
cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh là phải luôn chú ý tới
những biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa những sai phạm của tổ chức đảng và của
cán bộ, đảng viên ngay từ khi mới manh nha, có dấu hiệu vi phạm, chứ không để
những vi phạm đó trở thành nghiêm trọng mới xem xét, xử lý kỷ luật, theo phương
châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Người nói: “Nếu để sai lầm khuyết điểm trở nên
to tát rồi mới đem ra “chỉnh” một lần, thế là “đập” cán bộ. Cán bộ bị “đập”, mất
cả lòng tự tin, người hùng hái cũng hoá thành nản chí, từ nản chí đi đến vô dụng”.
Trong thi hành kỷ luật đảng, Hồ Chí Minh nhìn
nhận những lỗi lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên rất biện chứng, để từ đó
đưa ra những chỉ dẫn đúng đắn cho việc thi hành kỷ luật: “Người đời ai cũng có
khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm. Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết
điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những
người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết
điểm...Vì vậy, đối với cán bộ bị sai lầm, ta quyết không nên nhận rằng họ muốn
như thế, mà công kích họ. Trái lại, ta phải dùng thái độ thân thiết, giúp họ
tìm ra cái cớ vì sao mà sai lầm? Sai lầm như thế sẽ có hại đến công việc thế
nào? Làm thế nào mà sửa chữa? Tóm lại, phải phê bình cho đúng?
Với Hồ Chí
Minh, dù quy định, kỷ luật của Đảng có được bổ sung, hoàn thiện như thế nào
chăng nữa, thì điều quan trọng trước hết vẫn là tính tự giác trong tu dưỡng,
rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Kỷ luật là ý thức tự giác
trong nhận thức và hành động về cái tất yếu. Mỗi đảng viên, dù là đảng viên giữ
trọng trách trong bộ máy Đảng và Nhà nước, thì trước hết phải là một công dân
gương mẫu. Ngoài việc chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật đảng, các nghị quyết, chỉ
thị, cương lĩnh, Điều lệ Đảng, phải thực hiện nghiêm chỉnh Hiến pháp, pháp luật.
Bất kỳ trong hoàn cảnh nào, đảng viên và cán bộ cần phải luôn luôn ra sức phấn
đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hoá, tri thức và
nâng cao bản lĩnh chính trị, luôn luôn giữ gìn kỷ luật; xứng đáng là người cán
bộ, đảng viên của Đảng.
Không chỉ định hướng cách thức, phương pháp xử
lý kỷ luật "phù hợp, đúng đắn trước những sai phạm của cán bộ, đảng viên,
Hồ Chí Minh còn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong việc thi hành kỷ luật đảng,
như: xử lý kỷ luật, xét thư khiếu nại còn chậm chạp; kiểm tra đảng viên phạm
sai lầm còn chưa chủ động; hướng dẫn vận dụng phương châm kỷ luật chưa chặt chẽ,
để cho kỷ luật đảng có chỗ bị buông lỏng, vì vậy mà thiếu tác dụng giáo dục và
ngăn ngừa đảng viên khỏi phạm kỷ luật; hoặc hiện tượng: “Nhiều nơi các đồng chí
phạm lỗi, nhưng không bị trừng phạt xứng đáng, có đồng chí bị hạ tầng công tác
nơi này, đi nơi khác lại ở nguyên cấp cũ hay chỉ bị hạ tầng công tác theo hình
thức, nhưng vẫn ở cấp bộ cũ làm việc. Có đồng chí đáng phải trừng phạt, nhưng
vì cảm tình nể nang chỉ phê bình, cảnh cáo qua loa cho xong chuyện, thậm chí có
nơi che đậy cho nhau, tha thứ lẫn nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm Đoàn thể Đảng-NV).
Thi hành kỷ luật như vậy làm cho các đồng chí không những không biết sửa lỗi
mình mà còn khinh thường kỷ luật”.
Như vậy, bất
kỳ một tổ chức xã hội, một tổ chức chính trị nào cũng cần tính tổ chức kỷ luật.
Kỷ luật càng cao, càng nghiêm minh, chặt chẽ thì sức mạnh của tổ chức vì thế
càng được củng cố, tăng cường. Vấn đề kiểm tra và kỷ luật đảng luôn là vấn đề
có tầm quan trọng đặc biệt đối với một tổ chức chính trị, nhất là đối với Đảng
Cộng sản cầm quyền. Đảng điều chỉnh hành vi của tổ chức đảng, đảng viên bằng Điều
lệ, kỷ luật đảng. Buông lỏng kỷ luật, sớm hay muộn Đảng sẽ bị suy yếu, tan rã.
Thực tiễn phong trào cộng sản thế giới cho thấy, nếu xa rời những nguyên lý
Mác-Lênin về xây dựng Đảng, trong đó có vấn đề thực hiện kỷ luật đảng nghiên
minh và tự giác, tất yếu sẽ dẫn đến sự sai lầm về đường lối, đánh mất niềm tin
vào lý tưởng, tất sẽ dẫn đến tình trạng vô tổ chức, vô kỷ luật trong Đảng. Kết
quả sẽ làm cho xã hội rối loạn, mất ổn định chính trị, kỷ cương phép nước bị
xem thường và điều đó tác động tiêu cực trở lại bản thân Đảng, làm suy thoái Đảng
và đội ngũ cán bộ, đảng viên; dẫn đến nguy cơ mất còn của Đảng, của chế độ.
Đúng như V.I. Lênin đã chỉ rõ: “... những người Bonsvích sẽ không giữ được
chính quyền, tôi không nói được đến hai năm rưỡi, mà ngay cả đến hai tháng rưỡi
cũng không được nữa, nếu Đảng ta không có kỷ luật hết sức nghiêm minh, kỷ luật
sắt thực sự”.
Sức mạnh của
Đảng Cộng sản Việt Nam bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó có vai trò hết sức
quan trọng của việc xây dựng tổ chức chặt chẽ và kỷ luật tự giác. Vấn đề kỷ luật
trong Đảng vì vậy trở thành một trong những nhân tố quyết định sức chiến đấu của
Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tư tưởng Hồ
Chí Minh về vấn đề kỷ luật đảng tiếp tục soi sáng cho công tác kiểm tra và kỷ luật
đảng hiện nay. Vấn đề đặt ra là chúng ta nhận thức được tầng sâu bản chất các
quan điểm, tư tưởng đó như thế nào và hành động ra sao trong cuộc vận động xây
dựng, chỉnh đốn Đảng. Sự nghiệp đổi mới đất nước càng đi vào chiều sâu thì càng
đòi hỏi phải nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng và của đội ngũ cán bộ, đảng
viên. Vì vậy, vấn đề nâng cao chất lượng tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên
trong đó nêu cao kỷ luật đảng, giữ nghiêm kỷ luật đảng vẫn là đòi hỏi cấp thiết
của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng Cộng sản Việt Nam mãi mãi “là đạo
đức, là văn minh”; tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm và phẩm giá của dân tộc./.
ĐTT-KBS
0 nhận xét:
Đăng nhận xét