Song
hành với những giá trị phẩm chất đạo đức cao đẹp mà bao thế hệ cán bộ, đảng
viên dày công xây dựng thì hiện nay, ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trong hệ
thống chính trị còn giữ thói đạo đức giả hết sức nguy hại. Đó là những hành vi
dùng vỏ bọc đạo đức bề ngoài để che đậy bản chất cơ hội bên trong, lạm quyền,
đánh lừa cá nhân, tập thể, lộng quyền, tiếp tay cho các việc làm sai trái nhằm
mưu lợi riêng. Chống thói đạo đức giả đã trở thành vấn đề bức thiết trong xây dựng,
chỉnh đốn Đảng.
Đạo
đức của cán bộ, đảng viên là một thành tố quan trọng làm nên sự vững mạnh của
cơ quan, đơn vị và hệ thống chính trị; thể hiện sự văn minh, văn hóa của Đảng cầm
quyền. Điều này được biểu hiện rất rõ qua tinh thần cống hiến, kiến tạo, hoạch
định và thực thi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước
và trong mối quan hệ với nhân dân. Thực tế cho thấy, ở thời nào cũng vậy, nếu
cán bộ, đảng viên luôn nêu gương, tận tâm, tận lực thực thi công vụ, nói cho
dân nghe, làm cho dân hiểu, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân
thì sẽ để lại tiếng thơm muôn đời và ngược lại.
Trong
thời kỳ đổi mới, thói đạo đức giả trong một số cán bộ, đảng viên có xu hướng
tăng nhanh nhưng chưa được đánh giá đúng mức. Riêng nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng,
cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức Đảng và
87.000 đảng viên; xử lý kỷ luật hơn 3.200 cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan đến
tham nhũng; trong đó, có hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý. Trong 12 kỳ họp
của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (khóa XIII), nhiều cán bộ thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh
sát biển, Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, Học viện Quân y... đã bị xử lý kỷ
luật rất nặng, bị khởi tố vì tiếp tay cho buôn lậu, gian lận.
Đáng
chú ý nhất là trường hợp Thượng tá Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y
dược học quân sự (Học viện Quân y) bị cơ quan Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng)
khởi tố, bắt tạm giam. Khi vụ việc thổi giá bộ xét nghiệm Covid-19 do Công ty cổ
phần Công nghệ Việt Á chưa bị phát hiện, Hồ Anh Sơn nổi như cồn, được nhiều cơ
quan truyền thông tung hô. Sau khi vụ việc bị phát giác, Hồ Anh Sơn trả lời phỏng
vấn và khẳng định trong sạch, không liên quan gì đến việc làm sai trái của Việt
Á. Tương tự, giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật của một số địa phương cũng
khẳng định không tơ hào "dù chỉ một ly cà phê" của Việt Á nhưng vẫn bị
cơ quan chức năng bắt tạm giam để điều tra…
Thực
tế, khi còn chưa bị bắt, các cán bộ này là những người “nói có người nghe, đe
có kẻ sợ”. Ở các vị trí công tác khác nhau, họ được tổ chức Đảng các cấp tin tưởng,
quyết định hoặc đề nghị quyết định cho giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Quá
trình làm việc, họ đứng trên bục, thay mặt tổ chức Đảng để rao giảng đạo đức
cách mạng, sự gương mẫu cho cấp dưới, cho nhân dân. Nhưng chỉ một thời gian ngắn
“cái kim trong bọc" lòi ra, khiến thanh danh, uy tín đổ sông đổ biển hết cả.
Dư luận đang mong chờ được trả lời, trong bộ máy công quyền hiện nay có bao
nhiêu cán bộ, đảng viên mang trong mình căn bệnh đạo đức giả mà chưa được phát
hiện, xử lý?
Trong
mấy nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta liên tục đưa ra các nghị quyết, chỉ thị, quy định
để ngăn ngừa, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về
“Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
trong nội bộ” đánh giá: “Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập
trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Kết luận số 21-KL/TƯ
ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng,
chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý
nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu
hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" cũng chỉ rõ: “Một bộ
phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý... sa vào chủ
nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật”.
Nhưng như thế vẫn là chưa đủ để ngăn chặn thói đạo đức giả của cán bộ, đảng viên
tồn tại trong nội bộ. Muốn biến quyết tâm làm trong sạch bộ máy trở thành hiện
thực, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng thì vấn đề cốt yếu là cần thay đổi
tư duy trong công tác cán bộ, cần có các quy định chặt chẽ đối với những người
giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý để sớm phát hiện, ngăn chặn hiện tượng đạo đức giả.
Đặc biệt, phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kịp thời phát hiện các
sai phạm của cán bộ, đảng viên; sớm điều chuyển, thay thế những đối tượng khoác
áo Đảng nhưng mang nặng chủ nghĩa cá nhân vụ lợi.
Trước
khi xem xét, đề bạt, bổ nhiệm, trao quyền cho cán bộ, đảng viên đảm nhận các vị
trí công tác cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về phẩm chất, năng lực và
trình độ tư duy của họ nhằm bảo đảm công bằng, khách quan, tránh để tổ chức Đảng
bị mất uy tín. Cần phát huy mạnh mẽ vai trò của tổ chức chính trị - xã hội, đặc
biệt là của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát, nhận xét, đánh giá cán bộ,
đảng viên một cách trung thực; có cơ chế chịu trách nhiệm với các tổ chức này
trong giám sát, nhận xét, đánh giá về công tác cán bộ trên cơ sở mở rộng dân chủ,
đề cao tự phê bình và phê bình.
Giữ
vững kỷ cương, nguyên tắc lãnh đạo và tổ chức duy trì kỷ luật Đảng trong điều
kiện Đảng cầm quyền là vấn đề cốt lõi trong xây dựng đội ngũ cán bộ và hướng tới
xây dựng bộ máy lãnh đạo, quản lý “tinh, gọn, mạnh” để phát triển đất nước. Do
vậy, tổ chức Đảng phải luôn đi trước một bước, kịp thời, kiên quyết thanh lọc,
loại bỏ cán bộ, đảng viên đạo đức giả, bảo vệ vững chắc cho sự tồn vong của Đảng,
của chế độ./.
PVP-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét