Sau cuộc tổng
tấn công chiến dịch Xuân Hè 1972, quân ta chiếm đóng được thành cổ Quảng Trị -
một khu vực chiến lược quân sự giữa ta và địch. Thắng lợi của chiến dịch Xuân
Hè năm 1972 đã làm thay đổi cơ bản cục diện chiến trường, đẩy chiến lược “Việt
Nam hoá chiến tranh” của Mỹ đến bờ vực phá sản, tạo đà và thế cho việc giải
phóng hoàn toàn miền Nam.
Để mất Quảng
Trị, Mỹ – nguỵ đã điên cuồng mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị với mật danh
“Lam Sơn 72”. Trong đó mục tiêu số 1 là phải chiếm được Thành Cổ Quảng Trị
trong tháng 7 và toàn tỉnh Quảng Trị trong tháng 9. Vì vậy, chúng điên cuồng tập
trung vào đây một lực lượng quân đội khổng lồ với nhiều binh chủng, nhiều sư
đoàn mạnh nhất, trong đó có cả những sư đoàn thuộc lực lượng tổng dự bị Quốc
gia.
Thị xã Quảng
Trị trong 81 ngày đêm từ 28/6 đến 16/9 được ví như một túi bom. Trung bình mỗi
ngày địch huy động 150 - 170 lần máy bay phản lực, 70 - 90 lần chiếc B52 để ném
bom huỷ diệt thị xã và Thành Cổ Quảng Trị. Với diện tích chưa đầy 3 cây số
vuông, trong 81 ngày đêm thị xã và Thành Cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn
bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn
pháo. Báo chí phương Tây thời đó bình luận tương đương sức công phá của 7 quả
bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima Nhật Bản năm 1945. Có ngày số bom Mỹ ném
ở Quảng Trị vượt xa số bom Mỹ ném trên toàn miền Nam trong các năm 1968-1969. Dữ
dội nhất là ngày 25/7, thị xã phải chịu 35.000 quả đạn pháo của Mỹ, chưa kể bom
từ máy bay. Với việc huy động một số lượng bom đạn khổng lồ, quân Mỹ hoàn toàn
có ưu thế áp đảo về hỏa lực.
Dưới mưa bom,
bão đạn khốc liệt của kẻ thù, các đơn vị bộ đội của ta đã chiến đấu vô cùng
dũng cảm, kiên cường bám trụ, chốt giữ, giành giật với địch từng mét chiến hào,
từng đống đổ nát; mưu trí, linh hoạt, phát hiện và tiêu diệt nhiều sinh lực địch,
thậm chí tiêu diệt cả những bộ phận nhỏ, lẻ, bí mật lẻn vào bằng đường hầm hòng
cắm cờ trên Thành Cổ. Qua gần 3 tháng chiến đấu anh dũng, kiên cường, các lực
lượng đã hoàn thành nhiệm vụ chiến lược được giao, làm thất bại ý đồ nhanh
chóng “tái chiếm Thành Cổ” của Mỹ - ngụy, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ đấu
tranh chính trị, ngoại giao.
Và dù trên
mình mang đầy thương tích nhưng những chiến sĩ, những anh hùng cách mạng vẫn
chiến đấu ngoan cường, quyết không rời trận địa, quyết bảo vệ trận địa đến hơi
thở cuối cùng. Báo Quân đội nhân dân ra ngày 9/8/1972 đã viết: “Mỗi mét vuông đất
mà các chiến sĩ ta giành được ở Thành Cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông
máu”. Trong 81 ngày đêm ấy, hàng ngàn chiến sĩ hy sinh tại đây chưa lấy được
hài cốt vì khói lửa bom đạn quá nhiều, xương máu các anh đã hòa quyện vào gạch
đá đổ nát, hàng vạn các chiến sĩ bất chấp hiểm nguy, vượt con sông Thạch Hãn,
vượt qua mưa bom bão đạn, chỉ một mục tiêu tiến đến giữ được Thành cổ Quảng Trị
để rồi hết lớp người này đến lớp người khác ngã xuống, thân thể hòa vào lòng sông
Thạch Hãn, mãi mãi hy sinh ở tuổi đôi mươi. Sau này, cựu chiến binh Lê Bá Dương
ngày hòa bình trở về chất đầy một thuyền hoa huệ trắng thả xuống sông viếng bạn
bè và từ tim anh, những câu thơ yêu thương ứa máu dành cho đồng đội:
“Đò
xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy
sông còn đó bạn tôi nằm
Có
tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ
yên bờ bãi mãi ngàn năm...”.
Cuộc chiến đấu
bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị kéo dài 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972), gắn với
dòng sông Thạch Hãn đầy bi tráng đã đi vào lịch sử như bản hùng ca bất tử, lay
động lương tri loài người, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh
hùng cách mạng, mãi mãi khắc ghi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc
Việt Nam. Trong cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch ấy, dưới sự lãnh đạo sáng
suốt, tài tình của Đảng và sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Chiến
dịch cùng với tinh thần chiến đấu hy sinh dũng cảm, quên mình và cách đánh sáng
tạo của cán bộ, chiến sĩ, Thành Cổ không những đã đứng vững dưới mưa bom, bão đạn
của kẻ thù, mà còn đẩy Mỹ mắc sai lầm tiếp theo là mở Cuộc tập kích đường không
bằng máy bay chiến lược B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng; kết cục là phải chuốc lấy
thất bại thảm hại./.
CĐT-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét