CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

ĐỔI MỚI, TẠO BƯỚC CHUYỂN BIẾN QUAN TRỌNG VỀ CÔNG TÁC ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT XIII CỦA ĐẢNG

                                                                                     

Đánh giá cán bộ là khâu có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong công tác cán bộ, làm cơ sở cho việc phân loại, quản lý, sử dụng cán bộ. Tuy nhiên, đây là việc làm khó, bị nhiều yếu tố khách quan và chủ quan chi phối, tác động đến các đối tượng liên quan. Bởi vì, khó đánh giá chính xác cán bộ trong sự thống nhất giữa tư duy, lời nói và việc làm; giữa nội dung, bản chất, tư tưởng, động cơ bên trong với hình thức, hiện tượng, hành vi thể hiện ra bên ngoài. Nhiều cán bộ thể hiện kết quả công tác tích cực trên thực tế, nhưng ẩn chứa động cơ chính trị và cách thức làm ra kết quả đó cũng khó kiểm chứng chính xác. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, mặc dù đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn không ít trường hợp chưa phản ánh đúng thực chất”[1]. Đánh giá không đúng về cán bộ thì khó quy hoạch, quản lý, sử dụng đúng và hiệu quả, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng trong công tác tổ chức, cán bộ, chính sách, xây dựng đội ngũ CBCC; triệt tiêu nhân tố tích cực, thúc đẩy chủ nghĩa cơ hội, tiêu cực, làm “biến dạng”, “méo mó”, suy thoái đội ngũ CBCC. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ cần có bước chuyển biến căn bản, quan trọng, có tính đột phá trong công tác cán bộ, đồng bộ từ tư duy, quan điểm, đến lời nói, việc làm của cá nhân và tổ chức, trước tiên từ người đứng đầu, cấp ủy, chỉ huy, quản lý cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan tham mưu trực tiếp chuyên trách về công tác tổ chức, cán bộ. 

Cần có sự đổi mới về tư tưởng, tư duy, phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa cơ hội; xóa bỏ quan niệm chủ quan duy ý chí, độc đoán chuyên quyền. Đổi mới tư duy đánh giá cán bộ để xây dựng đội ngũ CBCC đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, trên cơ sở quán triệt nguyên tắc khách quan, công tâm, dân chủ gắn với hoàn cảnh lịch sử cụ thể và triển vọng phát triển, vì sự tiến bộ, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và dân tộc. Trong đó: “Coi trọng đánh giá chất lượng, hiệu quả, sản phẩm thực tế theo chức trách, nhiệm vụ được giao và đề cao trách nhiệm người đứng đầu”[2]

Đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát được quy trình, mức độ tin cậy, chính xác của sản phẩm, kết quả công tác của cán bộ gắn với đánh giá được thực chất thái độ, động cơ chính trị, nghề nghiệp của mỗi CBCC. Việc đánh giá cán bộ trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa đạo đức, nhân văn, khoa học và pháp lý. Cần tiếp tục “hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ”[3]. Coi trọng xây dựng môi trường văn hóa dân chủ, phản biện, tự phê bình và phê bình, bình đẳng, khách quan, công bằng, công khai trong đánh giá cán bộ và công tác cán bộ; tiếp thu nguồn thông tin phản ánh về cán bộ từ nhiều lực lượng, cá nhân và tổ chức, cộng đồng; được tổng hợp giữa sản phẩm, chất lượng, hiệu quả, kết quả công tác với “uy tín thật” về phẩm chất, năng lực, đạo đức, lối sống của cán bộ, từ đồng nghiệp, tập thể, những nơi cán bộ làm việc, công tác và nơi cư trú, cùng các mối quan hệ gia đình, xã hội khác có liên quan. Công tác đánh giá cán bộ được gắn bó chặt chẽ, tác động biện chứng với các khâu, nội dung, công việc của công tác cán bộ để quản lý, sử dụng, xây dựng đội ngũ CBCC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới. 

Sự nghiệp Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo sau 35 năm qua đã mang lại nhiều thành quả có ý nghĩa quan trọng đối với mọi mặt của đời sống xã hội. Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng xác định rõ ba nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong nhiệm kỳ 2021-2026 là: “Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”[4]. Đây là đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn cách mạng Việt Nam; yêu cầu nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cán bộ là “gốc” của mọi công việc, đội ngũ cán bộ các cấp là lực lượng rường cột quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội; quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong hoàn cảnh quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, vừa tạo cơ hội, thời cơ, vừa nảy sinh khó khăn, thách thức, nhất là an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC), nhất là cán bộ cấp chiến lược theo yêu cầu phát triển của thực tiễn cách mạng, đã giành được những kết quả rất quan trọng, với những bước chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức, cán bộ từ Trung ương đến địa phương. 

Tuy nhiên, trước đòi hỏi của thực tiễn trong bối cảnh quốc tế hóa được tăng cường, sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ CBCC, nhất là cán bộ cấp chiến lược vẫn còn một số bất cập, hạn chế, cần phải khắc phục. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Công tác cán bộ còn có mặt hạn chế, việc thực hiện một số nội dung trong các khâu của công tác cán bộ ở một số nơi còn hình thức. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”[5]

 Phát huy thành tựu to lớn đó nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá yếu tố có ý nghĩa quan trọng hàng đầu là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn và đạo đức công vụ.             

Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới bên cạnh những thành tựu quan trọng mà chúng ta đã đạt được, có những mặt, những lĩnh vực còn hạn chế, yếu kém,  Tình trạng vi phạm đạo đức công vụ vẫn xảy ra, tệ nạn tham nhũng lãng phí không giảm, sách nhiễu, suy giảm lòng tin của Nhân dân đối với chế độ; Làm ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả việc đầu tư; Là cơ hội để cho các thế lực kinh tế chi phối các thế lực chính trị; Làm sai lệch việc hoạch định các chính sách, thực hiện chính sách của Chính phủ. Mặt dù còn tồn tại những hạn chế đó nhưng vai trò và vị trí của đội ngủ cán bộ là hết sức quang trọng

Do đó, trong thời gian tới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, một trong những nội dung tập trung vào là làm tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức: “Đảng tập trung lãnh đạo về đường lối, chủ trương, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, cơ chế, chính sách cụ thể. Đẩy mạnh dân chủ hóa công tác cán bộ, qui định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi tổ chức, mỗi cấp trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ năng lực chuyên môn phù hợp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới"

Do vậy, để có đội ngũ cán bộ công chức nhà nước theo đúng mục tiêu đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới, theo tôi trong thời gian tới Đảng cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện mấy giải pháp sau chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ phù hợp với tình hình mới. Phải lấy đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm trọng tâm. Trong đào tạo, bồi dưỡng không chỉ chú ý đến bồi dưỡng về chính trị mà phải đặc biệt chú ý đến chất lượng chuyên môn, phải có kế hoạch xây dựng một đội ngũ cán bộ chuyên gia giỏi trên nhiều lĩnh vực, đồng thời có ý thức chính trị cao, có phẩm chất đạo đức tốt; cần rà soát thực tế đội ngũ cán bộ công chức một cách cụ thể về năng lực, trình độ, phẩm chất, từ đó có sự phân loại để thanh lọc đội ngũ. Đảng chỉ đạo việc nhanh chóng xây dựng đầy đủ, hệ thống các chuẩn của từng loại chức danh cán bộ, công chức trên cơ sở Luật cán bộ, công chức mới ban hành và các quy chế, quy định khác. Đảng lãnh đạo việc xây dựng và có kế hoạch trong việc tuyển chọn cần sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống các chuẩn đối với từng loại chức danh công chức nhà nước. Các chuẩn này được xây dựng phải rõ ràng, công khai, minh bạch, cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực thi. Cụ thể hoá được nội hàm của công chức chuyên nghiệp nêu trên.Quy định chuẩn đối với công chức Nhà nước thuộc cả 4 cấp: trung ương, tỉnh, huyện, xã. Tiến hành công việc này đồng bộ, triệt để, quyết liệt, làm từ trên xuống, từ trong ra; làm đồng bộ từ tiêu chuẩn cán bộ, đảng viên của Đảng ra ngoài; làm từ công chức cao cấp tới cơ sở. Đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn xã hội mà đòi hỏi trước tiên ở đội ngũ cán bộ công chức nhà nước.

Thứ hai, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ công chức đáp ứng sự đòi hỏi của yêu cầu cách mạng mới. Trong việc đào tạo, bồi dưỡng có nhiều nội dung, phù hợp với sự đòi hỏi của đặc thù lĩnh vực, tuy nhiên “Bộ ba” thẩm quyền - quy trình - thủ tục nhằm cụ thể hoá quyền, nghĩa vụ của công chức là vô cùng quan trọng. Với bất kỳ nghiệp vụ nào của bất kỳ chức danh công chức nào cũng cần coi trọng và được đào tạo kỹ bộ ba này. Thực tiễn cho thấy, cán bộ công chức sai lầm về thẩm quyền trong bộ máy nhà nước là loại nguy hại nhất, sau đó đến việc dù có phẩm chất tốt, động cơ phục vụ nhân dân trong sáng nhưng không nắm vững quy trình và thủ tục sẽ tạo ra mất lòng tin từ dân, hiệu quả làm việc thấp. Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng các loại kỹ năng nghề nghiệp là vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay cần trang bị cho công chức của ta (không riêng gì lĩnh vực ngoại giao) những hiểu biết và kỹ năng tối thiểu về lễ tân, đối ngoại nhân dân... trong giao tiếp quốc tế, quản lý các doanh nghiệp FDI...

Thứ ba, tạo động lực mạnh mẽ để thu hút đội ngũ công chức có chất lượng cao, đạo đức công vụ trong sáng. Đảng cần phải lãnh đạo việc sớm thực thi “Tam trọng” đối với đội ngũ công chức chuyên nghiệp, gồm: Trọng thị: có cách nhìn mới đối với công chức của ta, đặt họ đúng vị thế cần có; Trọng đãi: khi họ đạt chuẩn, họ được hưởng đúng giá trị tinh thần và đãi ngộ vật chất; Trọng dụng: họ được đặt đúng chỗ để có thể cống hiến tối đa.Nếu thực hiện được điều này sẽ tạo sức hút hiền tài từ các doanh nghiệp, từ xã hội vào bộ máy nhà nước. Do đó, Đảng phải chỉ đạo việc xây dựng được chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Đây là một trong những giải pháp quan trọng. Đãi ngộ tốt thì không chỉ hấp dẫn được những cán bộ có trình độ, chuyên môn giỏi mà còn gìn giữ được phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ cách mạng, ngăn ngừa được tình trạng tham ô, tham nhũng, cửa quyền, gây khó dễ cho người dân trong thực thi công vụ của mỗi cán bộ. Đãi ngộ theo hiệu quả công việc sẽ khuyến khích sự sáng tạo, đề cao trách nhiệm cá nhân.

Nền hành chính hiện đại không thể không có những cán bộ chuyên nghiệp, tinh thông, mẫn cán với đạo đức công vụ trên tinh thần tận tâm phục vụ nhân dân. Để có được điều đó không phải một sớm, một chiều làm được ngay mà đòi hỏi sự bắt tay vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nội dung, biện pháp trong công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đẩy mạnh đổi mới công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng; hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng, kiểm soát quyền lực, phòng chống tiêu cực... là một trong những nội dung trọng tâm được Đại hội XIII của Đảng đề ra./.

NTP-H8



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.196.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.242.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.187.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.256-257.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.94-95.

0 nhận xét: