Một trong những căn bệnh trong đội
ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) tồn tại lâu nay là bệnh né tránh trách
nhiệm, sợ trách nhiệm. Mặc dù đã được nhận diện và chỉ rõ là một trong những biểu
hiện suy thoái về tư tưởng chính trị theo Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII của Đảng,
thế nhưng cho đến nay, căn bệnh này vẫn chưa được điều trị hiệu quả. Tác hại của
căn bệnh này là rất lớn, đòi hỏi phải có phương thuốc đặc trị.
Trong xã hội, bất kỳ ai cũng có
trách nhiệm, bởi mỗi người đều có một vị trí nhất định trong các mối quan hệ xã
hội, như gia đình, dòng họ, địa phương, tập thể, tổ chức chính trị - xã hội,
công dân của một nước, thành viên của cộng đồng dân tộc và rộng nhất là của
nhân loại… Trong đó, trách nhiệm công vụ có thể coi là hạt nhân tiêu biểu trong
tập hợp các trách nhiệm. Đó là vì, suy cho cùng, trách nhiệm ấy là nhiệm vụ mà
đất nước giao cho cá nhân cán bộ, CCVC theo chức trách được phân công. Trách
nhiệm công vụ đòi hỏi cán bộ, CCVC phải thực hiện nhiệm vụ được giao đến cùng,
không thể thoái thác hoặc trao lại cho ai khác, buộc người cán bộ, CCVC phải gắn
mình với thực hiện công vụ cho đến khi có kết quả. Vì thế, khi đánh giá cán bộ,
CCVC, cụm từ “làm tròn nhiệm vụ”, “hoàn thành nhiệm vụ”, “hoàn thành tốt nhiệm
vụ” thường được dùng để nói về việc đã thực hiện đúng, đủ, tốt nhiệm vụ theo chức
trách được phân công.
Trong Bộ luật Hình sự có quy định
tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Vừa qua, có rất nhiều vụ án lớn,
khiến Nhà nước bị thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, mà trong đó rất nhiều người giữ
các trọng trách đã bị kết án vì tội này. Ví dụ như, vụ án Phạm Công Danh và đồng
phạm gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng khiến ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống
đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng 4 cán bộ dưới quyền bị truy tố về tội “Thiếu
trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tương tự, bản án dành cho hai vị từng giữ
chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an là Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân cũng vì “Thiếu trách
nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng“… Tội “thiếu trách nhiệm” ở những trường hợp này
được hiểu là làm không hết trách nhiệm, quản lý kém, thiếu kiểm tra, không phát
hiện để cấp dưới sai phạm pháp luật gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tất
nhiên là nguyên nhân sâu xa của việc thiếu trách nhiệm trong từng trường hợp cụ
thể là rất khác nhau. Nhưng có thể thấy trong khi nền kinh tế đang mở rộng quy
mô, vốn và tài sản ngày càng nhiều thì những cán bộ ở vị trí quản lý càng cao
mà thiếu trách nhiệm thì hậu quả rất khủng khiếp.
Thế nhưng, bệnh né tránh trách
nhiệm, lẩn tránh nhiệm vụ cũng gây ra hậu quả, thiệt hại không kém. Đến mức tại
Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để đánh giá tình hình 6 tháng
đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 vừa được tổ chức thì căn bệnh
né tránh trách nhiệm được chỉ đích danh là một trong những trở lực của phát triển,
gây lãng phí lớn, thậm chí gây mất niềm tin.
Biểu hiện “né” trách nhiệm cao độ
là trong thời gian qua, rất nhiều việc đáng lẽ phải được giải quyết ở cấp dưới,
ở cấp cơ sở, nhưng vì cấp dưới, cấp cơ sở không giải quyết, mà cứ dồn dần lên cấp
trên, nên cuối cùng rất nhiều nhiệm vụ lên đến tận cấp quản lý hành chính cao
nhất là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Điều này rõ ràng làm giảm hiệu quả quản
trị của cả hệ thống, gây dồn ứ nhiệm vụ. Nhiều cấp có thể ra quyết định quản lý
theo đúng thẩm quyền thì lại có xu hướng trở thành cấp trung gian, trung chuyển
trách nhiệm, và cả hệ thống phải chờ cấp cao nhất ra quyết định quản lý thì mới
thực thi được. Nhiều việc vì thế chậm được giải quyết. Xu hướng “dồn việc lên
trên” này xuất hiện cả trên bình diện quốc gia và trong mỗi cơ quan, bộ, ngành,
địa phương. Đẩy lên cấp trên hoặc đẩy cho bộ phận khác là phương án rất dễ, nhiệm
vụ coi như không liên quan gì nữa tới mình, nhưng việc thì vẫn còn nguyên.
Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng,
mọi thứ ở xung quanh chúng ta luôn luôn vận động, có những điều luật hôm nay là
đúng nhưng ngày mai không còn phù hợp, có những quy trình trong quá khứ là được
nhưng hiện tại cần phải thay đổi. Quá trình cải cách thể chế, cải cách hành
chính quyết liệt của nước ta hiện nay cũng là để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ
trong tình hình mới. Vì thế, người cán bộ, CCVC luôn phải lắng nghe cuộc sống,
nắm bắt cuộc sống, trên tinh thần phục vụ nhân dân tốt nhất, chứ không phải cứ
việc mình mình làm, “nhắm mắt, bịt tai”, tuân thủ đúng quy trình, đúng nhiệm vụ
được giao, không cần quan tâm đến hiệu quả và hậu quả của việc ấy. Nếu cứ làm
đúng quy trình, quy định, bất chấp kết quả thì đúng là người cán bộ, đảng viên,
CCVC sẽ tránh được những rắc rối cho bản thân, để được yên thân, mặc dù kết quả
chung có thể không tốt. Nhưng nếu như thế, hệ thống của chúng ta rất dễ rơi vào
trạng thái vô cảm. Một người bác sĩ cần phải cảm nhận được nỗi đau của bệnh
nhân và gia đình bệnh nhân, từ đó mới đưa ra được phương án điều trị đúng nhất.
Chúng ta cần khuyến khích mỗi người trong đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phải
luôn luôn mở rộng giác quan để vui khi nhiệm vụ, chức trách của mình được hoàn
thành tốt, và phải đau khi nhiệm vụ giao cho mình không được làm tốt, hoặc những
việc không hẳn được giao cho mình nhưng mình nhìn thấy chưa được giải quyết tốt.
Nỗi đau này còn phải vượt lên sự lo lắng cho tồn tại của bản thân trong hệ thống,
vì nó xuất phát từ lương tâm, là danh dự với công việc, là lý tưởng, là lẽ sống
của mỗi cán bộ, đảng viên.
Cùng với đó, để khuyến khích
tinh thần tự giác, dám đương đầu với khó khăn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu
trách nhiệm thì cách đánh giá cán bộ cũng cần được nghiên cứu phù hợp; xóa tư
tưởng “an phận thủ thường” vì “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm
không sai” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, CCVC hiện nay. Cách đánh giá cần
phải giúp cho cán bộ, đảng viên vững tâm rằng nếu mình hành động vì lợi ích
chung, vì cái chung thì sẽ được nhìn nhận đúng, sẽ không gặp rắc rối. Còn nếu
“làm ít” hoặc “không làm” cũng chẳng khác nào đang làm sai, bởi vì gây ra hậu
quả rất tiêu cực, rất nghiêm trọng./.
NCB-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét