Bộ đội Cụ Hồ là
hình ảnh cao đẹp, trở thành một biểu tượng của văn hóa quân sự Việt Nam. Vẻ đẹp
của người quân nhân cách mạng được hình thành và xây đắp từ nhiều yếu tố, trong
đó có phương pháp, tác phong công tác khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm cao. Đó
cũng là một trong những nét đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được
nêu ra trong Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương. Một yếu tố quan trọng
làm nên vẻ đẹp phong cách Bộ đội Cụ Hồ
Hoạt động quân sự
mang tính đặc thù cao, đòi hỏi bộ đội phải có những phẩm chất, năng lực cần thiết
để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phẩm chất, năng lực đó được biểu hiện thông qua
phương pháp, tác phong công tác của quân nhân. Phương pháp, tác phong công tác
giữ vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Phương pháp, tác
phong khoa học, đúng đắn sẽ giúp quân nhân thích ứng linh hoạt trong mọi điều
kiện, hoàn cảnh để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Ngược lại,
quân nhân dù có trình độ cao nhưng thiếu phương pháp, tác phong khoa học,
nghiêm túc thì cũng khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cán bộ, chiến sĩ
trong quân đội được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chăm lo giáo dục, rèn
luyện để mỗi quân nhân không chỉ có tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo
đức tốt mà còn có phương pháp, tác phong công tác dân chủ, khoa học, sâu sát, tỉ
mỉ, gần gũi với quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Bộ đội cách mạng, có
truyền thống anh dũng, khắc khổ, kiên nhẫn, cần kiệm, chất phác, việc khó khăn
nguy hiểm mấy cũng không sợ, nhất định làm cho kỳ được. Đó là truyền thống, đạo
đức, tác phong tốt, phải luôn luôn giữ vững và phát triển.
Trong chiến đấu
cũng như thời bình, phương pháp, tác phong công tác khoa học, nghiêm túc, sâu
sát giúp bộ đội vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ứng xử linh hoạt, hiệu quả trước
mọi tình huống, nhất là những vấn đề nhạy cảm, mới xuất hiện. Hình ảnh Bộ đội Cụ
Hồ đẹp trong mắt nhân dân là bởi có tác phong chính quy, tư thế nghiêm túc, ý
thức tổ chức kỷ luật chặt chẽ, tinh thần trách nhiệm cao trong mọi nhiệm vụ. Điển
hình trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, bộ đội không ngại hiểm nguy gian khó, tận
tình cứu chữa bệnh nhân, đến từng nhà trao quà an sinh cho bà con. Nhân dân nhìn
thấy bộ đội là thấy an lòng, tự nguyện, tự giác chung tay phòng, chống dịch.
Qua thực tiễn hoạt
động, nhiều cán bộ, chiến sĩ ngày càng trưởng thành nhờ trau dồi, rèn luyện
phương pháp, tác phong công tác khoa học, nghiêm túc. Tuy nhiên, quá trình thực
hiện nhiệm vụ cũng có một số quân nhân ứng xử, giải quyết những vấn đề nảy sinh
có lúc còn lúng túng, hạn chế, chưa đúng điều lệnh, điều lệ quân đội. Nghị quyết
847 đã thẳng thắn chỉ ra nhiều biểu hiện tiêu cực liên quan đến phương pháp,
tác phong công tác của quân nhân như: “Đùn đẩy trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ”,
“sợ trách nhiệm, tranh công đổ lỗi, giấu giếm, bao che và không trung thực về
những khuyết điểm, sai phạm”, “độc đoán, gia trưởng, quân phiệt”... Những biểu
hiện sai trái, tiêu cực đó hoàn toàn đối lập với phương pháp, tác phong công
tác khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm cao của người quân nhân cách mạng.
Xuất phát từ tính
chất nhiệm vụ quân sự, yêu cầu về chức trách được giao đòi hỏi quân nhân phải
hình thành, xây dựng phương pháp, tác phong công tác phù hợp với chức trách,
cương vị. Phương pháp, tác phong công tác của quân nhân là tổng hợp những lề lối,
cách thức, biện pháp sắp xếp, xử lý công việc, ứng xử xã hội của quân nhân
trong công tác, học tập, sinh hoạt theo những quy chuẩn nhất định, nhằm thực hiện
tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Xây dựng phương pháp, tác phong công tác
cho quân nhân nhằm tạo ra sự chính quy, thống nhất, đem lại hiệu quả cao trong
công việc, hình thành nét đẹp văn hóa công vụ trong quân đội.
Để có phương pháp,
tác phong công tác khoa học, nghiêm túc, trước hết, trong mọi hoạt động, quân
nhân phải đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, phát huy dân chủ, tôn
trọng tập thể, nêu cao tự phê bình và phê bình. Mọi quân nhân, nhất là cán bộ
các cấp cần quán triệt quan điểm lý luận gắn liền với thực tiễn, nói đi đôi với
làm, làm việc có kế hoạch, khoa học, cụ thể, tỉ mỉ, chu đáo, cẩn trọng, sâu sát
thực tiễn; đồng thời xây dựng và thực hiện nếp sống, làm việc chính quy, văn
minh, giản dị, khiêm tốn, gắn bó với đồng đội, tôn trọng cấp dưới và yêu quý
nhân dân.
Năng lực, trình độ
của quân nhân thực sự được phát huy khi có phương pháp, tác phong công tác khoa
học, nghiêm túc, trách nhiệm cao, tôn trọng và tuân theo quy luật khách quan.
Điều đó hoàn toàn đối lập với phương pháp, tác phong chủ quan duy ý chí, rập
khuôn máy móc, thiếu tính khoa học.
Phương pháp, tác
phong của quân nhân không phải tự nhiên có được mà phải trải qua quá trình rèn
luyện thường xuyên, liên tục, bền bỉ. Khi mới nhập ngũ, quân nhân chưa được học
tập, rèn luyện tinh thông các nghiệp vụ quân sự, lề lối, cách thức làm việc,
sinh hoạt thì cán bộ chỉ huy phải đưa chiến sĩ vào môi trường thích hợp để rèn
luyện, thử thách, từng bước hình thành phương pháp, tác phong công tác tốt. Rèn
luyện phương pháp, tác phong công tác của quân nhân phải toàn diện, đồng bộ, tỉ
mỉ, khoa học, bảo đảm yêu cầu nắm vững và thuần thục chức trách, sẵn sàng nhận
và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Phương pháp, tác
phong công tác của quân nhân được hình thành trong hoạt động thực tiễn, đặc biệt
là quá trình tự học tập, rèn luyện của mỗi người. Do đó, phát huy tính tích cực,
tự giác của quân nhân trong tự học tập, rèn luyện phương pháp, tác phong công
tác có ý nghĩa rất quan trọng. Đó vừa là nhu cầu tự thân vừa là đòi hỏi để mỗi
quân nhân hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Muốn vậy, mỗi quân
nhân phải tự lập kế hoạch, xác định nội dung yêu cầu và phương pháp tự học tập,
rèn luyện phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của bản thân và điều kiện thực tiễn
đơn vị. Quá trình rèn luyện cần có sự kết hợp học đi đôi với hành, gắn lý luận
với thực tiễn trên cơ sở giữ vững nguyên tắc. Trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ
thể, quân nhân cần vận dụng phù hợp, sáng tạo phương pháp, tác phong công tác bảo
đảm khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm cao để góp phần vào việc hoàn thành nhiệm
vụ của cơ quan, đơn vị./.
TVĐ-BS
0 nhận xét:
Đăng nhận xét