Trong quá trình tổ chức, giáo dục
và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải
ra sức đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng. Trong tác
phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người đã phân tích sâu sắc tác hại của chủ nghĩa
cá nhân và coi đó như một thứ vi trùng độc hại, là nguyên nhân sinh ra đủ thứ
bệnh: tham lam, lười biếng, kiêu ngạo cộng sản, óc hẹp hòi, hiếu danh vô thực,
óc lãnh đạo, địa phương, cục bộ, kéo bè, kéo cánh... Những căn bệnh đó đang
hàng ngày, hàng giờ hoành hành làm suy yếu sức mạnh của Đảng, của Chính phủ,
làm giảm lòng tin của quần chúng đối với Đảng.
Theo Hồ Chí Minh chủ nghĩa cá nhân
là kẻ thù của những người cách mạng, trái với đạo đức cách mạng. Người cho rằng
kẻ địch gồm 3 loại: chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc xâm lược; thói quen, truyền
thống lạc hậu; chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng tư sản ẩn nấp trong mỗi người chúng
ta. Người xếp chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm nhất, là giặc nội xâm, là
bạn đồng hành của 2 loại kẻ thù kia, nó tồn tại dai dẳng trong mỗi người cán
bộ, đảng viên, luôn chờ cơ hội để ngóc đầu dậy. Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi cán
bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở phải luôn tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách
mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Người vạch rõ chủ nghĩa cá nhân là bất
cứ việc gì cũng chăm lo, vun vén cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm tới
lợi ích của tập thể; đặt lợi ích của cá nhân, của gia đình mình lên trên lợi
ích chung của giai cấp, của dân tộc; chủ nghĩa cá nhân là lợi mình, hại người,
là công thần, kiêu ngạo, vô tổ chức, vô kỷ luật, coi thường tập thể, xem khinh
quần chúng, tham lam, vụ lợi, háo danh. Hồ Chí Minh cho rằng, trong công tác
xây dựng Đảng phải đặc biệt coi trọng đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân vì,
Đảng ta đội tiên phong của giai cấp công nhân, đảng viên là những người tự
nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên
trên lợi ích cá nhân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải vừa là người lãnh đạo, vừa là
người đầy tớ trung thành của nhân dân. “Chủ nghĩa cá nhân trái với đạo đức cách
mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát
triển, để che nấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng, một dạ đấu tranh
cho sự nghiệp cách mạng”1.
Trên thực tế vẫn còn một bộ phận
cán bộ, đảng viên suy thoái phẩm chất, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá
nhân. Điều đó làm ảnh hưởng xấu đến công tác xây dựng đảng, đến chất lượng cán
bộ, đảng viên, làm suy giảm năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng.
Vì vậy, mỗi cán bộ, dảng viên cần phải nhận thức sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch
Hồ Chí Minh về chủ nghĩa cá nhân, thấy được sự nguy hiểm của nó; vận dụng linh
hoạt, sáng tạo trong thực tiễn; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của
tổ chức Đảng; tích cực tham gia phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất
và tinh thần; đặc biệt, đẩy mạnh cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, lãng phí,
tiêu cực./.
NTC-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét