Có
thể nói rằng, lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử được viết bằng máu và nước
mắt của những người yêu nước, yêu độc lập tự do, quyết không cam chịu thân phận
làm nô lệ!
Viết
tiếp những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc sáng ngời những chiến thắng
Bạch Đằng, Chi Lăng, Xương Giang, Đống Đa… ; trong thời đại Hồ Chí Minh, nhân
dân ta đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vượt qua muôn vàn thử
thách, giành được những thắng lợi vĩ đại. Đó là thắng lợi của Cách
mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở
ra kỷ nguyên của độc lập, tự do. Đó là thắng lợi của các cuộc kháng
chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng
Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; Đại thắng mùa
Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đó
là thắng lợi của các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía
Bắc, gìn giữ toàn vẹn non sông.
Trong
những chiến thắng đó có người ra đi và mãi không về. Có người trở về nhưng thân
thể không còn nguyên vẹn. Cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng tháng
7 về là tháng của tri ân, tháng của đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Xin
hãy một lần đến các nghĩa trang liệt sĩ ở khắp nơi trên khắp đất nước ta, trong
đó có những nghĩa trang với hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ như Nghĩa trang liệt sĩ quốc
gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9… để cảm nhận được sự khốc
liệt của chiến tranh, sự mất mát, đau thương vô hạn của nhân dân và những hy
sinh lớn lao mà các thế hệ cha anh đã hiến dâng cho Tổ quốc. Vì độc lập, tự do,
thống nhất đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và làm nghĩa vụ quốc tế
cao cả, hàng triệu người trong đó phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi
thanh xuân và cả cuộc sống của mình, anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường
và trong khi làm nhiệm vụ, trong đó nhiều người đến nay vẫn chưa tìm được phần
mộ hoặc chưa xác định được danh tính, trên bia mộ chỉ vẻn vẹn dòng chữ “Liệt sĩ
không có tên”.
Hiện
cả nước có hàng triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng
tháng; qua rà soát, cơ bản người có công đã được hưởng đầy đủ các chế độ,
chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ðạo
lý "Uống nước nhớ nguồn" đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc
ta. Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh ban hành chế độ hưu bổng
thương tật và tiền tuất tử sĩ, đồng thời quyết định chọn ngày 27-7 hằng năm là
Ngày Thương binh toàn quốc, sau đổi là Ngày Thương binh-Liệt sĩ, để ghi nhớ,
tôn vinh công ơn các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công
với nước. Kể từ đó ngày 27-7 hằng năm đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử,
chính trị, xã hội sâu sắc, mang đậm truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam.
Trong
nhiều thập kỷ qua, Ðảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng việc chăm lo đời sống
vật chất, tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia
đình người có công với nước. Hệ thống pháp luật về công tác thương binh, liệt
sĩ và người có công ngày càng được hoàn thiện. Nhiều chủ trương, quan điểm ưu
đãi đã được thể chế hóa trong Hiến pháp, luật pháp, Pháp lệnh Ưu đãi người có
công với cách mạng, Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ
Việt Nam Anh hùng".
Chúng
ta cũng hết sức trân trọng và khâm phục những cố gắng to lớn của những thương
binh, bệnh binh, gia đình người có công đã chia sẻ với những khó khăn chung của
đất nước, vượt qua những đau thương, mất mát to lớn, chiến thắng thương tật, bệnh
tật, với tinh thần "tàn nhưng không phế" hòa mình vào cuộc sống và tiếp
tục mang sức lực, trí tuệ của mình để xây dựng gia đình, quê hương, đất nước
giàu đẹp. Nhiều người đã trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học giỏi, những
doanh nhân thành đạt, nhiều người đã được Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao
quý như Anh hùng lao động, Chiến sĩ thi đua, Thầy thuốc nhân dân, Nhà giáo nhân
dân, Nghệ sĩ nhân dân.
Thực
hiện tốt công tác “đền ơn, đáp nghĩa”, không chỉ phát huy truyền thống, đạo lý
của dân tộc ta là uống nước nhớ nguồn, mà còn củng cố niềm tin vững chắc vào Đảng,
Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; góp phần quan trọng vào việc tăng cường củng
cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự
an toàn xã hội, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội bền vững./.
HGL-H8
0 nhận xét:
Đăng nhận xét