Thật
ra thành ngữ “dĩ hòa vi quý” khởi thủy của nó là thiện ý tốt. Có nghĩa là lấy
hòa thuận làm vui. Chịu khó nhẫn nhịn một chút, hòa là quý, nhẫn là cao. Đừng vội
nổi xung lên, phỉ báng, nhiếc móc nhau, bé xé ra to, mà nên “biến đại sự thành
tiểu sự, tiểu sự thành vô sự”. Đúng như cái nghĩa ngọn nguồn này thì quá hay.
Thế nhưng, theo thời gian, theo những diễn biến phức tạp trong đời sống hiện đại
mà dần dần cái nghĩa của thành ngữ này bị hiểu chệch, hiểu sai, lắm khi chỉ còn
được hiểu theo nghĩa đó là tính cách khôn lỏi, chả bao giờ nêu chính kiến,
“tránh voi chả xấu mặt nào”, tránh mất lòng người khác, nhất là mất lòng cấp
trên.
Nghị
quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến",
"tự chuyển hóa". Trong đó có một biểu hiện suy thoái về tư tưởng
chính trị là: "Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy
đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”. Thực tế thấy rằng những thiếu
sót, khuyết điểm này đã được gọi đúng tên, cái nọ liên quan đến cái kia, thậm
chí là nơi trú ẩn, là chỗ để ngụy biện cho những điều sai trái. Vì vậy, phải đồng
thời phân tích, chỉ rõ biểu hiện, nguyên nhân và cách khắc phục nó thế nào cho
hiệu quả, để hướng tới xây dựng một bầu không khí trong lành, tin cậy, chân
thành, vô tư trong mỗi cơ quan, đơn vị.
Vì
sao căn bệnh này tồn tại dai dẳng thế? Vì sao mà không ít cán bộ, trong đó có
cán bộ cấp cao cũng mắc thói tai lành tai điếc. Thậm chí có vị chủ trì cuộc họp
sắp diễn ra cũng “khó” nói sự thật, bèn nghĩ ra cách gọi điện cho cấp dưới:
"Mai chú đề xuất nhé. Anh nêu 3 phương án, chú theo phương án này. Việc
này là anh vì chú!". Nó khiến cho người trong cuộc trằn trọc, mất ngủ
không đáng có. Nó là mảnh đất cho cái “cây” suy diễn nảy mầm, suy bụng ta ra bụng
người, chủ quan và phiến diện.Vì cái chủ nghĩa cá nhân trong mỗi con người, cái
tôi lớn quá. Có khi là vì quá đam mê quyền lực, quá ham muốn về vật chất nên
đánh mất mình. Quyền lực và danh vọng thường làm hư hỏng con người. Vụ Việt Á gần
đây nhất, cái vô lương hoành hành trên nỗi đau khổ của đồng loại là một minh chứng
rõ nhất. Có người rao giảng về đạo đức nhưng đã “im lặng” cho thuộc cấp, cho những
đơn vị liên quan nhân danh khoa học vi phạm pháp luật.
Một
câu hỏi đã có nhiều dịp được trả lời, rằng làm sao đây để chống được căn bệnh “dĩ
hòa vi quý”. Vì thực tiễn luôn vận động, và sự diễn biến phức tạp của tình trạng
này. Thẳng thắn và trung thực, nói như vậy nhưng làm lại rất khó khăn! Nhưng nhất
định phải làm. Trước hết là phải xây dựng được khối đoàn kết, thật sự dân chủ
trong sinh hoạt đảng và các cơ quan, tổ chức. Người đứng đầu đơn vị phải thật sự
gương mẫu, đề cao trách nhiệm cá nhân, phải có con mắt tinh đời để nhận ra ai
chân, ai giả, ai tạm thời im lặng vì cái chung, ai “ngậm miệng ăn tiền”? Khi
anh không nói ra, không hẳn mọi người không biết, vì còn có một nhân chứng nữa,
đó chính là lương tâm anh. Và điều không bao giờ cũ: Nghiêm túc tự phê bình và
phê bình để nội bộ thật sự đoàn kết, hiểu nhau, tin nhau, hướng đến những giá
trị tốt đẹp, nhân văn, vì sự phát triển, vững mạnh của cơ quan, đơn vị; đồng thời
cũng vì sự tiến bộ, trưởng thành của mỗi cán bộ, đảng viên./.
TTH-TT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét