Trong
cuộc sống của mỗi con người có thể có các loại lý tưởng khác nhau. Có lý tưởng
sống được con người nuôi dưỡng suốt cả cuộc đời; cũng có lý tưởng thuộc về một
mặt nhất định nào đó, chẳng hạn như lý tưởng chính trị, lý tưởng học vấn, lý tưởng
nghề nghiệp, lý tưởng đạo đức, v.v.. Dù là loại nào thì lý tưởng cũng đều đóng
vai trò định hướng, có tác dụng điều chỉnh hoạt động và đặc biệt là có sức mạnh
kích thích con người hành động. Con người sống trong xã hội mà nếu không có lý
tưởng thì thật là vô vị, là “sống hoài, sống phí”. Sống trong một chế độ xã hội
nhất định nào đó thì lý tưởng cách mạng của con người thuộc vào loại lý tưởng
chính trị. Bởi vậy, lý tưởng cách mạng không phải là cái gì đó quá viển vông,
xa vời hoặc quá trừu tượng mà con người không bao giờ có thể đạt tới.
Lý
tưởng chính trị của người cách mạng trong thời kỳ mà giai cấp tư sản vừa lúc mới
manh nha, còn non trẻ là lật đổ sự thống trị của giai cấp phong kiến già cỗi, bảo
thủ, cản trở sự phát triển để thiết lập chế độ chính trị tư sản, xác lập quyền
thống trị của giai cấp tư sản đang lên. Lý tưởng cách mạng của những người công
nhân giác ngộ sống trong xã hội tư bản đầy rẫy bất công là lật đổ, xóa bỏ chế độ
người bóc lột người, mong ước xây dựng một xã hội tự do, công bằng, nhân văn,
bình đẳng. Lý tưởng cách mạng chung của những người yêu nước chân chính ở các
nước đã từng là thuộc địa của chủ nghĩa thực dân không có gì khác hơn là đấu
tranh giành lại độc lập cho đất nước và dân tộc mình.
Dưới
ách thống trị gần 100 năm của chủ nghĩa thực dân, những người yêu nước và các đảng
viên cộng sản Việt Nam đã không sợ gông cùm, không chịu khuất phục trước sự tra
tấn, đàn áp vô cùng dã man và b.ắn g.iết. không cần xét xử của những kẻ xâm lược.
Họ nung nấu lý tưởng giải phóng Tổ quốc khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực
dân, giành lại tự do thật sự cho dân tộc, độc lập hoàn toàn cho đất nước, tiến
tới xây dựng một xã hội mà con người được sống trong tự do, công bằng, bình đẳng,
không còn tình trạng người áp bức, bóc lột người. Đó cũng chính là lý tưởng
cách mạng xuyên suốt của Đảng và của các đảng viên chân chính tự nguyện đứng
trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong tất cả các giai đoạn cách mạng
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính lý tưởng cách mạng “không có
gì quý hơn độc lập, tự do” đã thúc đẩy mọi cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần
chịu đựng gian khổ, vượt qua mọi hiểm nguy, dấn thân, xông pha vào những nơi
khó khăn nhất, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh thân mình vì độc lập, tự do của Tổ
quốc. Nhờ vậy mà cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thành công, hai cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã thắng lợi trọn vẹn, giang sơn bị chia cắt
nhiều năm đã được thu về một mối.
Tiếp
nối truyền thống cách mạng của cha ông thuở trước, giờ đây, đội ngũ cán bộ, đảng
viên ngày càng nhận thức rõ lý tưởng như Bác Hồ từng khẳng định, đó là: “Mang lại
tự do, hạnh phúc cho dân tộc”; “phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc
của quốc dân”; “không có gì quý hơn độc lập, tự do”; “độc lập dân tộc gắn liền
với chủ nghĩa xã hội”. Những người theo lý tưởng cách mạng của Đảng cũng ra sức
thực hiện Cương lĩnh năm 2011: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam
đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng
sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến,
đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều
kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn
kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có
quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới".
LQT-H8
0 nhận xét:
Đăng nhận xét