CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2022

CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC

  

Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ rõ: Mỗi ph­ương thức sản xuất chỉ có thể được xác lập một cách vững chắc trên một cơ sở vật chất, kỹ thuật (CSVC, KT) tương ứng. Để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội (CNXH), bảo đảm cho CNXH chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa tư bản (CNTB) nhất thiết phải tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước.

Trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một tất yếu khách quan, là nhiệm vụ kinh tế cơ bản trung tâm xuyên suốt của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời là con đường duy nhất để xây dựng thành công cơ sở vật chất, kỹ thuật cho CNXH ở Việt Nam. Vậy CNH, HĐH là gì? Cơ sở lý luận nào khẳng định CNH, HĐH là tất yếu khách quan ?

CNH có lịch sử phát triển khoảng 300 năm nay, bắt đầu từ nước Anh vào giữa thế kỷ XVIII, tiếp theo là Pháp vào đầu thế kỷ XIX. Làn sóng công nghiệp thứ hai bắt đầu ở Đức và Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ XIX, tiếp theo là Nhật Bản vào thập niên 70 thế kỷ XIX, Nga và nhiều nước châu Âu khác vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX... Trong quá trình CNH ở các quốc gia dân tộc đã xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau về phạm trù CNH, HĐH. Tổ chức Phát triển công nghiệp của LHQ (UNIDO) đã tổng kết hiện có 128 khái niệm về CNH. Ở Việt Nam cũng có nhiều cuộc hội thảo và một số công trình khoa học bàn đến khái niệm này.

Trước Hội nghị đại biểu Đảng toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994) có quan điểm cho rằng trong bối cảnh tình hình mới của thế giới sau chiến tranh lạnh, vị trí của Việt Nam trong sự hợp tác kinh tế toàn cầu và khu vực cho phép chúng ta đi ngay vào HĐH và do vậy không nên bàn lại khái niệm công nghiệp hóa (đây là quan điểm nôn nóng, muốn đốt cháy giai đoạn, phủ nhận quy luật phát triển tuần tự của LLSX. Thực ra quan điểm này còn mang tính phiến diện ở chỗ nhiều lĩnh vực mà HĐH bao quát hoàn toàn không mang bản tính công nghiệp như công nghệ trí tuệ, công nghệ sinh học, giáo dục - đào tạo... cần phải đấu tranh phê phán).

Trong các hội thảo chuẩn bị văn kiện cho cho Hội nghị giữa nhiệm kỳ (khoá VII), Hội nghị Trung ương 7 (khoá VII -1994) và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, Đảng ta đã nhận định: Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học - công nghệ, sự phân công và hợp tác kinh tế quốc tế, chúng ta không thể công nghiệp hóa đất nước theo lối cũ, làm xong công nghiệp hóa mới đi vào hiện đại hóa. Mặc dù công nghiệp hóa và hiện đại hóa là hai quá trình, hai khái niệm khác nhau, song trong điều kiện hiện nay sự xâm nhập, đan kết của công nghiệp hóa với hiện đại hóa là không thể tránh khỏi và đó cũng là cơ hội để Việt Nam bứt lên kịp các nước tiên tiến trên thế giới, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Tiến hành đồng thời công nghiệp hóa và hiện đại hóa cũng là thực hiện tính quy luật của sự phát triển tuần tự và nhảy vọt của lực lượng sản xuất. Do vậy, cần phải gắn kết công nghiệp hóa và hiện đại hóa trong một khái niệm chung “công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Công nghiệp hóa là quá trình chuyển một nước có nền kinh tế lạc hậu, nông nghiệp là chủ yếu thành một nước có nền kinh tế công nghiệp.

Ngày nay các nước có lợi thế đi sau có thể rút ngắn thời gian tiến hành CNH bằng cách gắn CNH với HĐH.

Hiện đại hóa là, quá trình áp dụng những phát minh, thành tựu mới nhất của khoa học, kỹ thuật - công nghệ vào nền kinh tế.

Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc và phát triển những tri thức văn minh nhân loại về CNH đồng thời vận dụng, phát triển sáng tạo vào thực tiễn đất nước, Đảng ta đã đưa ra quan niệm về CNH, HĐH.

Nghị quyết Hội nghị TW 7 khóa VII đã đưa ra khái niệm về CNH, HĐH đất nước: CNH, HĐH là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động SX, KD, DV và QLKT -XH từ lao động SX thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến LĐ cùng với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến hiện đại dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ KHCN tạo ra năng suất lao động XH cao.

Theo quan điểm C.Mác: Phương thức sản xuất XHCN muốn chiến thắng thì tất yếu phải phát triển dựa trên cơ sở vật chất, kỹ thuật ở trình độ cao hơn CNTB.

V.I Lênin chỉ ra rằng: “Cơ sở duy nhất và thực sự để tăng của cải của chúng ta để xây dựng CNXH chỉ có thể là đại công nghiệp, không có một nền đại công nghiệp tổ chức cao thì không thể nói đến CNXH nói chung được, lại càng không thể nói tới CNXH đối với một nước nông nghiệp lạc hậu được.”[1]

Ta thấy: CNTB ra đời tồn tại và phát triển đến bây giờ là do nó được xác lập trên cơ sở vật chất, kỹ thuật của chính nó, đó là một nền đại công nghiệp cơ khí, có LLSX phát triển, tạo ra năng xuất lao động cao. Chính vì vậy mà nó chiến thắng hoàn toàn chế độ phong kiến.

Còn chủ nghĩa xã hội ra đời sau CNTB chiến thắng hoàn toàn CNTB khi và chỉ khi CNXH được xác lập trên cơ sở kỹ thuật hiện đại hơn CSVC, KT của CNTB.

Nghĩa là, CNXH chỉ có thể được xác lập và tồn tại trên nền tảng CSVC,  KT của chính nó. Ở Việt Nam CSVC, KT của CNXH chỉ có thể có được thông qua con đường CNH, HĐH. CNH, HĐH đây chính là con đường duy nhất để xây CSVC, KT cho CNXH, bảo đảm CNXH thắng lợi hoàn toàn CNTB.

Chủ tịch HCM khẳng định: Muốn có nhiều nhà máy phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, gang, thép, than, dầu...đó là con đường đi của chúng ta, con đường CNH của nước nhà.

“Ta xây dựng CNXH từ hai bàn tay trắng thì còn khó khăn còn nhiều và lâu dài.”

Vận dụng, phát triển quan điểm của CNMLN, Tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam, qua các kỳ đại hội, nhận thức, tư duy về CNH, HĐH của Đảng ta có nhiều bước phát triển:

Đại hội lần thứ III năm 1960 của Đảng ta xác định: CNH, XHCN là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ.

Đại hội VIII khẳng định: Mục tiêu CNH, HĐH là xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp có cơ sở VCKT hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của LLSX, đời sống, vật chất và tinh thần cao , quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (2001) của Đảng đã đề ra đường lối gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa với phát triển kinh tế tri thức. Đường lối này luôn được bổ sung và phát triển.

Đại hội lần thứ XI của Đảng trong chiến lược phát triển kinh tế - XH 2011-2020 xác định: Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011 xác định: Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân phải phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN. Đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường, coi đây là một trong tám phương hướng cơ bản. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xác định một trong ba đặc trưng của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là: “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”.

Đại hội XII của Đảng xác định: Đẩy mạnh CNH, HĐH, chú trọng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 là: tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,Tập 1, tr. 234-235, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 xác định: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ  của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

ĐHQ-H2



[1]. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2006, t.32, tr.532.

0 nhận xét: