CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2022

HỢP TÁC XÂY DỰNG THẾ GIỚI AN TOÀN VÀ PHÁT TRIỂN

 

Với chủ đề "Thời đại bất định, cuộc sống bất an: Xây dựng tương lai trong một thế giới đang chuyển đổi", Báo cáo Phát triển con người toàn cầu 2021/2022 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố đã cho thấy bước thụt lùi của thế giới. Đây là tiếng chuông báo động về những thách thức lớn khi thế giới bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng với mức độ ngày càng trầm trọng.

Chủ đề bản báo cáo phản ánh nhiều cuộc khủng hoảng mà thế giới đang phải đối mặt và những nỗ lực chung nhằm giảm tác động đối với sự phát triển của con người. Báo cáo đã vẽ một bức tranh về xã hội toàn cầu luẩn quẩn từ cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác. Cuộc khủng hoảng được đặc biệt nhấn mạnh là đại dịch Covid-19, vốn đã làm chao đảo cả thế giới, để lại những vết thương sâu trong xã hội và những hệ lụy kéo dài.

Ngoài nỗi đau do thiệt hại về con người, Covid-19 còn gây ra tình trạng mất việc làm và thu nhập nghiêm trọng, làm gián đoạn các trường học, dẫn đến mất động lực trong giáo dục và đào tạo mà sẽ phải mất nhiều năm mới có thể khôi phục. Các dịch vụ y tế và cộng đồng bị quá tải, chất lượng dịch vụ y tế giảm sút nhiều.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã tác động lớn khiến Chỉ số Phát triển con người (HDI), thước đo sức khỏe, giáo dục và mức sống của một quốc gia, giảm trên toàn cầu trong hai năm liên tiếp và là lần đầu tiên trong lịch sử 32 năm sử dụng chỉ số này. HDI đã giảm trở lại mức năm 2016, làm đảo ngược phần lớn tiến trình hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững vốn tạo nên Chương trình nghị sự năm 2030 của Liên hợp quốc hướng tới một tương lai công bằng hơn cho con người và hành tinh.

Hơn 90% số các quốc gia đã ghi nhận mức giảm HDI vào năm 2020 hoặc 2021, cho thấy các cuộc khủng hoảng đang tác động nặng nề đến con người. Trong khi một số quốc gia đang dần đứng vững trở lại, thì nhiều khu vực, nhất là Mỹ Latin và Caribe, vùng cận Sahara của châu Phi và khu vực Nam Á, tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, xung đột.

Trong khi đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang, giá năng lượng và lương thực tăng mạnh, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và bất ổn chính trị đã khiến nỗ lực khôi phục đà phát triển trở nên khó khăn hơn. Đáng chú ý, các tác giả báo cáo cho rằng, sự biến động toàn cầu do đại dịch không là gì so với những gì thế giới sẽ trải qua nếu sự sụp đổ về đa dạng sinh học xảy ra.

Lần đầu tiên, báo cáo của UNDP tuyên bố, các mối đe dọa hiện hữu do con người gây ra còn lớn hơn các mối đe dọa từ thiên nhiên. Đây là lời cảnh tỉnh về các hành động của con người dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu, một trong những vấn đề cấp bách nhất mà thế giới phải đối phó hiện nay.

Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner (A.Xtên-nơ) thừa nhận một thực tế rằng, thế giới đang tranh giành để ứng phó các cuộc khủng hoảng liên tiếp và chồng chéo. Sự bất an và phân cực chính trị đang cản trở nỗ lực đoàn kết cần thiết để vượt qua những thách thức toàn cầu. Cho rằng cộng đồng quốc tế "dường như đang tê liệt" trong nỗ lực thay đổi, ông Steiner kêu gọi thế giới khơi dậy ý thức mới về tình đoàn kết toàn cầu để giải quyết những thách thức chung.

Trong một thế giới đầy biến động với các cuộc khủng hoảng liên tiếp đe dọa nhấn chìm mọi thành tựu và kéo lùi sự phát triển, báo cáo của UNDP đã đưa ra lộ trình thoát khỏi sự bất định, bất an và hướng tới sự phát triển mới, bền vững và công bằng. Báo cáo khuyến nghị ưu tiên các chính sách đầu tư vào năng lượng tái tạo, an sinh xã hội, xây dựng năng lực cần thiết để ứng phó những thách thức mới. Theo các chuyên gia, thế giới đang đứng trước cơ hội, dù là cánh cửa hẹp, để khởi động lại hệ thống toàn cầu và bảo đảm một tương lai an toàn, phát triển và bền vững. Đó chính là cơ hội để thế giới đoàn kết, hợp tác, đổi mới và sáng tạo nhằm ứng phó tốt hơn với những thách thức trong tương lai.

THA-H2

 

0 nhận xét: