Tướng Võ Nguyên Giáp, người anh hùng của nền độc lập Việt
Nam đã lưu lại trong lịch sử là một trong những tướng lĩnh vĩ đại của thế kỷ
20, người duy nhất liên tiếp đánh bại cả hai cường quốc quân sự Pháp và Mỹ.
Tướng Giáp, huyền thoại sống của Việt Nam thực sự là nhà
chiến lược lỗi lạc đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm 1954, đánh
dấu sự thất bại của thực dân Pháp. Sau đó, cũng chính ông đã buộc người Mỹ phải
rút khỏi Việt Nam vào năm 1973 và năm 1975 đánh đổ chính quyền bù nhìn Sài Gòn,
thống nhất đất nước.
Kể từ đó, Võ Nguyên Giáp được thừa nhận như một trong những
trong những tướng lĩnh tài ba nhất, một nhà chiến lược của chiến tranh nhân
dân. Nhưng trước hết, với người Việt Nam, ông là đại diện trung thành của tư tưởng
Hồ Chí Minh, người cha của nước Việt Nam độc lập ngày nay.
Phong thái quyết đoán của nhà lãnh đạo
Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại một ngôi làng nhỏ ở
miền Trung Việt Nam. Là con một gia đình nông dân, ông lần lượt trở thành thầy
giáo, nhà báo, tướng lĩnh quân đội, lãnh đạo chính trị. Tướng Giáp là một trong
những cựu cận vệ cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông cực kỳ thông minh và đằng sau sự bình thản là sức mạnh
tiềm ẩn. Trung thành với lý tưởng của mình, nhưng ông cũng rất cởi mở với thế
giới và những sự thay đổi. Ông luôn gần gũi với người dân, chia sẻ những khó
khăn với họ. Năm 1986, tướng Giáp tích cực ủng hộ luồng gió mang tên Đổi Mới,
đưa Việt Nam bước vào con đường phát triển.
Đó là một con người nhã nhặn, thích nói tiếng Pháp, cái
nhìn thẳng và tay nắm lại toát lên phong thái quyết đoán của nhà lãnh đạo. Tôi
đã gặp tướng Giáp hàng chục lần trong vòng 30 năm qua. Không bao giờ có những
chủ đề cấm kỵ trong các cuộc trao đổi, tuy nhiên giọng ông trở nên đanh lại khi
vấp phải với những vấn đề khiến ông khó chịu.
Tướng Giáp được người ta mô tả là ‘một ngọn núi lửa phủ
tuyết’. Vào năm ông thọ trăm tuổi, vị tướng già vẫn lên tiếng bảo vệ chủ quyền
hai quần đảo của Việt Nam ở Biển Đông. Ông sống thanh bình nhiều năm trong ngôi
nhà chỉ cách quảng trường Ba Đình ở Hà Nội vài bước chân, nơi Hồ Chủ tịch đọc
Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945.
Ngay từ thời còn trẻ, Võ Nguyên Giáp đã sớm bước vào con
đường tranh đấu ở Huế. Ông hồi tưởng lại: “Chúng tôi đã bãi thị để phản đối sự
độc đoán của viên hiệu trưởng và việc cấm đọc báo chí có tư tưởng tiến bộ”. Sống
trong nhà một thầy giáo người Việt có tư tưởng chống đế quốc và thực dân, ông
giác ngộ chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa cộng sản trong chính những cuốn sách Pháp.
Kết thúc việc học hành tại Hà Nội, Võ Nguyên Giáp trở thành giáo viên và nhà
báo rồi sớm tham gia phong trào cách mạng.
Chưa từng qua trường lớp quân sự
Các sĩ quan Pháp đã sai lầm lớn khi chế nhạo con người
chưa từng trải qua bất cứ một trường quân sự nào. “Người Pháp cũng như người Mỹ
luôn luôn đánh giá thấp đối thủ của họ, coi thường khả năng sáng tạo và ý chí của
quân đội nhân dân chúng tôi, cả một dân tộc quyết đứng lên giành độc lập tự do.
Castries và Navarre đều là những tướng tài nhưng họ phục vụ một sự nghiệp sai lầm.
Nhân dân Pháp ủng hộ chúng tôi” – Ông nói.
Tướng Giáp tâm sự: “Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi cũng
đã phải ra nhiều quyết định quan trọng và khó khăn. Nhưng kinh nghiệm quý giá ở
trận Điện Biên Phủ đã giúp tôi rất nhiều”. Năm 1959 Việt Nam bắt đầu xây dựng
đường Trường Sơn, nổi tiếng với tên gọi đường mòn Hồ Chí Minh, một hệ thống
giao thông dài 20.000 km chạy từ miền Bắc và miền Nam, sang Lào và Campuchia.
Con đường huyết mạch này suốt gần 6.000 ngày đã giúp tiếp tế nhu yếu phẩm, vũ
khí đạn dược cho cuộc kháng chiến ở miền Nam cho đến ngày chiến thắng tháng
4/1975.
Những người lính quả cảm của Tướng Giáp từng vây khốn
quân Mỹ tại căn cứ Khe Sanh. Quân giải phóng Việt Nam cũng đã giáng cho quân Mỹ
và chính quyền Sài Gòn một đòn choáng váng vào dịp Tết năm 1968. Tháng 12/1972,
trong suốt 12 ngày đêm, Mỹ đã huy động 1.200 máy bay các loại trong đó có 200
chiếc pháo đài bay B-52 ném bom Hà Nội và Hải Phòng nhằm giành lợi thế trong
các cuộc đàm phán ở Paris.
Tướng Giáp hào hứng nhớ lại: “Các lực lượng vũ trang của
chúng tôi đã bắn rơi 77 máy bay Mỹ, trong đó có 33 chiếc B-52, bắt hàng trăm
phi công Mỹ làm tù binh. Tôi nhớ lúc đó báo Nhân Dân đã viết bài chạy hàng tít
“Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không”. Một tháng sau đó, Hiệp định Paris được
ký kết”.
Năm 1975, tướng Giáp tiếp tục đóng góp tâm sức vào chiến
dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông ra mệnh lệnh cho những người lính “Thần tốc, táo
bạo và quyết thắng”.
Một triệu lính VNCH hạ vũ khí, Sài Gòn được giải phóng
ngày 30/4/1975, đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất đã minh chứng hùng hồn rằng
một dân tộc đấu tranh vì độc lập tự do sẽ không bao giờ chịu khuất phục./.
NXĐ_H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét