CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

BÔNG HỒNG XANH TRÊN ĐẤT SUDAN

             "Bentiu là một trong những khu vực khó khăn nhất của Nam Sudan. Nếu ví cuộc sống nơi đây như một bức tranh thì sắc màu chủ đạo của nó là đỏ và vàng của đất đai bỏ hoang, trắng của những căn lều mà người dân mất nhà cửa đang tá túc, cùng những mảng màu loang lổ của một cuộc sống bị giằng xé bởi thiên tai, xung đột và nghèo đói. Tuy nhiên, những sắc màu của hy vọng và sự sống đã xuất hiện ở đây. Một phần trong đó tới từ những hoạt động đầy ý nghĩa do Bệnh viện Dã chiến cấp 2 Việt Nam thực hiện. Và tôi thấy vô cùng vinh dự khi mình là một trong 12 nữ quân nhân đang làm việc tại Bệnh viện dã chiến 2.4 của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phái bộ UNMISS - Bentiu - Nam Sudan".- Thiếu tá bác sỹ Bùi Thị Thu Trang (Khoa Phụ sản, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) đã tâm sự với tôi như thế khi chia sẻ về năm 2022 đầy dấu ấn và một cái Tết không thể nào quên của một người con Ninh Bình đang làm nhiệm vụ của người lính quân y mũ nồi xanh. Chúng tôi, những người bạn học đồng niên gọi cô là bông hồng xanh Ninh Bình trên đất Sudan.

Hòa bình gọi

Sinh ra và lớn lên tại xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, là học sinh chuyên Hóa Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy khóa 1997-2000, từ khi ngồi trên ghế nhà trường, Trang đã có ước mơ trở thành bác sỹ chuyên khoa phụ sản và nhi. "Tôi thích trẻ con, thích được nhìn thấy những em bé ra đời, rồi khi chứng kiến niềm vui vỡ òa của những người cha, người mẹ chào đón thành viên mới, niềm hạnh phúc của họ khiến tôi xúc động vô cùng. Vì thế, ngay từ khi học cấp 3 tôi đã định hướng cho bản thân theo nghề y, quyết tâm sau này phải làm bác sỹ", Trang nói về cơ duyên đến với nghề cứu người như thế. Được tuyển thẳng vào Đại học Y Hà Nội, sau khi tốt nghiệp, Trang trở thành bác sỹ quân y khi quyết định nộp hồ sơ xin việc vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Nói về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, người mẹ 3 con giãi bày: "Tôi đã 40 tuổi, so với các đồng nghiệp cũng không phải trẻ, các con tôi đang tuổi ăn, tuổi lớn nhưng khi Đảng, Nhà nước, Quân đội giao nhiệm vụ, tôi sẵn sàng lên đường. Tôi nghĩ, đến Sudan là đến nơi hòa bình gọi, nơi tôi có thể thắp lên trong người dân ở đây, đặc biệt là những em nhỏ, những người yếu thế trong xã hội những ngôi sao xa xôi để họ hy vọng, tin tưởng vào một cuộc sống hòa bình, tốt đẹp hơn ở tương lai.

Đến Sudan cũng chính là tôi góp một phần nhỏ bé của mình để tạo hiệu ứng tích cực về Quân đội Việt Nam với bạn bè quốc tế, làm cho cả thế giới thấy sự chính nghĩa của lực lượng gìn giữ hòa bình mà Việt Nam đã tham gia năm nay là năm thứ 9". Là người nhận quyết định tham gia bệnh viện dã chiến 2.4 cuối cùng trong số 70 sỹ quan, Trang cũng là nữ bác sĩ đầu tiên của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. "Thân gái dặm trường" đến một đất nước xa lạ, khác biệt về văn hóa, môi trường làm việc, chưa kể chiến tranh, đói nghèo, những khó khăn ấy đều đang chờ đợi những nữ quân nhân Việt Nam như Trang.

Nhưng như bao phụ nữ Việt Nam kiên cường khác, Trang sẵn sàng tạm gác hạnh phúc cá nhân, vững vàng đảm đương sứ mệnh đặc biệt của những chiến sỹ mũ nồi xanh ở một địa bàn mà ngay cả với nam giới cũng không phải dễ dàng gì. "Tôi nhận quyết định vào ngày 15/7/2021, như vậy trong khi những đồng nghiệp huấn luyện từ 1 năm đến 1,5 năm, tôi chỉ có vài tháng để học hết những kỹ năng, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của Liên Hợp Quốc", Trang kể.

Để sẵn sàng nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan, những y bác sỹ phải trải qua khóa huấn luyện khắc nghiệt từ các chuyên gia nước ngoài, không có sự phân biệt nam nữ. Từ những kiến thức, quy định của Liên Hợp Quốc về quyền con người, cấp cứu bệnh nhân trong thảm họa, Luật Giao tranh, Luật Quốc tế, kỹ năng sinh tồn, tìm hiểu về văn hóa chính trị nước sở tại… Ngoài chuyên môn, các y bác sỹ còn phải vượt qua những bài kiểm tra tiếng Anh gắt gao. Mục tiêu của họ là có thể sử dụng ngôn ngữ này thành thạo để trực tiếp trao đổi với bệnh nhân, chuyên gia nước ngoài. Đây cũng là trở ngại lớn nhất với Thiếu tá Bùi Thị Thu Trang. Nữ bác sĩ 40 tuổi trước kia chỉ được học tiếng Pháp, nay học thêm tiếng Anh chị gần như bắt đầu từ con số 0. Tuy nhiên nhờ sự cố gắng "học ngày học đêm, trong suốt 4 tháng" và sự giúp đỡ từ đồng nghiệp, Trang đã hoàn thành được mục tiêu. Không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, các nữ quân nhân của Bệnh viện dã chiến còn mang đến sự mến mộ, cảm phục bởi các chị còn có những năng khiếu, tài lẻ khác nhau. Trước khi lên đường, các chị được học một khóa với những tiết mục văn nghệ truyền thống của dân tộc đủ 3 miền Bắc-Trung-Nam... Hành trang mang theo trước lúc lên đường không thể thiếu là những tà áo dài, áo tứ thân, áo bà ba, những điệu múa, các tiết mục văn nghệ đậm nét văn hóa Việt Nam để giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

Trang cho biết: "Vào những ngày lễ của Liên Hợp Quốc, của các đơn vị bạn hay những ngày truyền thống của dân tộc Việt Nam, chúng tôi biểu diễn, múa để giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế". Những tiết mục như trống đồng, nhảy sạp của đồng bào dân tộc phía Bắc, vũ khúc gà rừng của đồng bào Tây Nguyên hay những tà áo dài Việt Nam... sẽ tung bay trên đất nước chỉ có nắng nóng, bệnh tật và chiến tranh.

Trong hành trang của mình tôi có mang theo chiếc áo dài in hình cờ đỏ sao vàng và Cố đô Hoa Lư. “Tôi muốn giới thiệu cho bạn bè quốc tế về quê hương Ninh Bình để nếu có cơ hội họ sẽ ghé thăm". Mục đích của các hoạt động dã ngoại này là giúp các nữ quân nhân tự tin tham gia biểu diễn các tiết mục văn hóa, văn nghệ trong hoạt động giao lưu với sĩ quan quân đội các quốc gia khác, có các kỹ năng mềm thể hiện những nét đặc trưng, cốt cách của người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, nhiều tài năng.

Năm nay, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 còn có điểm mới hơn so với những bệnh viện triển khai trước, khi các y bác sĩ được học thêm những khóa ngắn hạn về làm các sản phẩm bưu thiếp giấy, tranh lụa vụn… Mục đích để tặng bạn bè quốc tế, ngoài ra còn có thể hướng nghiệp cho phụ nữ sở tại, người nhận có thể không nhớ mặt, nhớ tên các chị nhưng họ biết đó là món quà từ người Việt Nam. Tôi vẫn lưu trong điện thoại nhiều tấm hình mà Trang chụp trước khi lên đường, trong đó ấn tượng nhất là lúc ở cửa máy bay để lên đường làm nhiệm vụ. Giữ chặt bên mình lá cờ Tổ quốc, Trang giơ tay theo quân lệnh để chào tạm biệt mọi người. Đó là một khoảnh khắc trang nghiêm nhưng vô cùng xúc động.

Sau này, khi đã sang đến Nam Sudan, Trang chia sẻ rằng, cảm xúc giây phút đó là niềm vinh dự, tự hào xen lẫn cả nỗi thương nhớ quê hương, gia đình khi lên đường làm nhiệm vụ ở một nơi rất xa Tổ quốc. Trang dặn lòng mình phải nỗ lực để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tạm cất đi những cảm xúc cá nhân để vững bước lên đường làm nhiệm vụ.

Ươm những mầm xanh hy vọng

Đặt chân đến đất nước Nam Sudan, cảm nhận đầu tiên của Thiếu tá, bác sĩ Thu Trang là xúc động nghẹn ngào trước những đứa trẻ chỉ bằng tuổi con mình mà không có đủ những nhu cầu tối thiểu như quần áo, giày dép... Đồ chơi của các em là những chai nhựa đổ đầy đất đá, là những bánh xe cũ lăn trên những con đường đầy bùn đất… nhưng trên môi các em vẫn giữ những nụ cười hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ.

Những hình ảnh bình dị đó đã chạm tới trái tim của nữ bác sĩ lần đầu làm nhiệm vụ ở xa Tổ quốc. "Và tôi đã vô cùng xúc động khi ở đây, dù ngôn ngữ còn bất đồng nhưng khi thấy bộ đội Việt Nam, các em đã hô lên: Việt Nam-Hồ Chí Minh. Có em còn tặng tôi món quà là những hạt vòng xâu lại thành chuỗi kèm theo lá cờ Việt Nam. Cuộc sống giản đơn, nghèo khó nhưng ấm áp tình cảm của những người dân bản địa đã thôi thúc tôi và các đồng đội cần làm tốt công việc của mình để góp phần mang lại cuộc sống yên bình, hạnh phúc hơn cho người dân ở quốc gia vẫn còn nhiều bất ổn như Nam Sudan. Đó cũng là suy nghĩ chung của nhiều quân nhân Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. Được đứng trong hàng ngũ của Phái bộ Liên Hợp Quốc vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm lớn lao" - Trang khẳng định.

Tổng kết năm 2022 của mình, Trang bảo đó là năm của rất nhiều "lần đầu": lần đầu đi công tác được Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra tiễn lên đường; lần đầu đáp sân bay đường băng toàn đất; lần đầu ngoài làm chuyên môn còn phải đi gác, cuốc đất, trồng cây, làm bếp cùng anh em đồng đội; lần đầu gặp nhiều con người cùng tần số phát sóng làm cho cuộc sống quanh quẩn hàng rào thép gai mỗi ngày trôi qua nhanh chóng và có ý nghĩa; lần đầu được giao lưu với nhiều nền văn hóa, bạn bè ở nhiều nơi trên thế giới; lần đầu ăn Tết xa nhà một cách triệt để, nhớ gia đình nhưng lại hưởng niềm vui trọn vẹn bên đồng nghiệp phải có duyên lắm mới được ở cùng nhau. Và đặc biệt lần đầu được sống trong cảm giác tự hào khi là một người lính mũ nồi xanh.

Trang tâm sự: Từ lần đầu tiên khi tôi đặt chân xuống Nam Sudan - quốc gia trẻ nhất thế giới (Nam Sudan tách ra thành quốc gia độc lập vào năm 2011), tôi đã bị ấn tượng bởi những ngôi nhà đơn sơ của người dân, đặc biệt là ở khu vực Bentiu - nơi Bệnh viện dã chiến 2.4 đóng quân.

Vì vậy, tôi cảm thấy công việc của chúng tôi ở nơi đây thật ý nghĩa. Chúng tôi được góp phần công sức nhỏ bé duy trì hòa bình tại đất nước này. Nam Sudan là đất nước đang có nội chiến, người dân Nam Sudan, đặc biệt là ở Bentiu vẫn còn đói nghèo. Tuy nhiên, người dân nơi đây rất thân thiện, đặc biệt là đối với bộ đội Việt Nam. Mỗi lần thấy bộ đội Việt Nam đi qua, người dân bản địa đều dành cho chúng tôi những lời chào thân thiện, những cái vẫy tay nồng hậu, chào đón. Đó vừa là niềm vui, vừa là động lực để chúng tôi làm việc mỗi ngày.

Trong những năm qua, sự có mặt của bộ đội Việt Nam trong đội hình Bệnh viện dã chiến số 1, số 2 và số 3 đã để lại những ấn tượng tốt đẹp và tình cảm yêu mến của người dân địa phương. Có người dân chia sẻ rằng, họ rất biết ơn bộ đội Việt Nam vì đã giúp đỡ, hỗ trợ họ nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Trang cho biết: Làm nhiệm vụ quốc tế xa Tổ quốc, các cán bộ, y, bác sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 tham gia Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan cùng nhau đón Tết Quý Mão-2023 trong không khí ấm áp tình đồng chí, đồng đội... Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 Việt Nam tại Nam Sudan những ngày Tết được trang hoàng rực rỡ cờ hoa trong không khí đón Tết vui tươi, phấn khởi. Kế hoạch đón Tết được chuẩn bị trước cả tháng nên mọi công việc chuẩn bị đều chu đáo, bảo đảm tốt. Cho dù không được đủ đầy như đón Tết ở quê nhà, nhưng cũng đậm đà hương vị Tết Việt ở vùng đất nắng nóng Bentiu.

Trang nói chuyện với tôi qua điện thoại, giọng nghèn nghẹn: Nói chuyện với Thu mà bỗng nhiên thấy nhớ quê, nhớ gia đình vô cùng, vẫn chưa thực sự đủ mạnh mẽ dù ở mảnh đất này bom đạn nhiều hơn cơm. Lần đầu tiên có một cái Tết xa quê hoàn toàn, không có người thân bên cạnh thực sự cũng là một trải nghiệm mới.

Là bác sỹ thường xuyên đi trực vào những ngày Tết nhưng cũng chỉ một ngày rồi lại về với những công việc tất bật hàng ngày của người mẹ, người vợ nên không có cảm giác nhớ nhà, nhớ gia đình. Năm nay lần đầu rời xa nửa vòng trái đất để ăn Tết với đồng đội, bạn bè quốc tế. Đây cũng là trải nghiệm mới mẻ. Ở đất nước hồi giáo, không ăn thịt lợn, nhưng để cho anh em có một cái Tết cổ truyền đúng nghĩa, Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã chuyển đầy đủ nguyên liệu để có thể gói được bánh chưng, làm giò, các món truyền thống của Việt Nam qua đường hàng không. Tất cả tạo một không khí vui vẻ, hòa đồng để các anh chị em trong Bệnh viện bớt nhớ quê hương. Những món ăn truyền thống ngày Tết của Việt Nam làm ra được mời đến các bạn bè trong Phái bộ thưởng thức, mọi người cảm thấy rất ấn tượng, ngon, giới thiệu văn hóa ẩm thực, con người Việt Nam hiếu khách với bạn bè quốc tế, đó thực sự là một niềm tự hào lớn lao mà các nhân viên Bệnh viện dã chiến đem lại.

Những ngày Tết, không khí vui vẻ bên đồng chí, đồng đội cũng làm cho mọi người vơi bớt nỗi nhớ gia đình của mình. Ở bên đất nước không có mùa đông, nóng bức có lúc lên đến 50 độ C nhưng anh em vẫn trang trí nơi ở, khu làm việc giống như ở Việt Nam với tất cả nguyên liệu tự tạo hoặc mang từ Việt Nam sang, tạo môi trường như mình đang sống tại quê hương. Một loạt hoạt động vui đón Tết cũng được tổ chức nhân dịp này thu hút đông đảo các thành viên bệnh viện tham gia như kéo co, bóng đá cùng các hoạt động tập thể, mang lại bầu không khí vui tươi, phấn khởi, tạo sự gắn kết và đoàn kết ở đơn vị, giúp vơi bớt nỗi nhớ nhà ngày Tết.

Trang cho biết: Đón Tết cổ truyền tại Sudan cảm giác như mình đang lan tỏa văn hóa Việt, gieo lên những mầm xanh hy vọng cho những người dân nơi đây khi họ cảm nhận được sự ấm áp, ý nghĩa sum vầy của Tết Việt. Nhiều bạn bè quốc tế và những người bản xứ đã góp vui cùng Tết nguyên đán của chúng tôi, họ hy vọng vào một tương lai tươi sáng phía trước, hy vọng hòa bình sẽ trở lại như sức Xuân ở vùng đất Việt Nam. Có người đã ví chúng tôi là những sứ giả hòa bình gieo mầm xanh hy vọng trên vùng đất cằn cỗi này. Và những người lính tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế như chúng tôi cảm thấy vô cùng tự hào về điều đó./.

VHL - H3

0 nhận xét: