Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm và luôn dành những tình cảm yêu thương, ân cần, quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ, cán bộ, đảng viên trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Bởi lẽ, theo Người, đạo đức là cái căn bản nhất của người cán bộ cách mạng: “mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không”. Trên cơ sở tiếp thu sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, các giá trị tinh hoa văn hóa phương Đông và truyền thống văn hóa Việt Nam, Hồ Chí Minh đã nêu lên chuẩn mực đạo đức cách mạng, trong đó Người đặc biệt nhấn mạnh đến “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Bằng cả cuộc đời mình, Hồ Chí
Minh đã nêu tấm gương sáng về đạo đức cách mạng cho mọi cán bộ, đảng viên và quần
chúng noi theo. Thực hiện lời dạy của Bác, bên cạnh việc trau dồi chuyên môn,
các đảng viên trẻ hôm nay đang ra sức rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất “cần, kiệm,
liêm, chính, chí công vô tư” để trở thành những người đảng viên chân chính, mẫu
mực, góp sức mình cho sự phát triển của đất nước.
50 năm qua, khắc sâu lời dạy của
Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ
Chí Minh luôn phấn đấu không ngừng. Việc tích cực học tập đạo đức cách mạng
theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào nếp nghĩ, thói quen, phong
cách, lối sống của cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên, trở thành nhu cầu tự
thân, là việc làm quan trọng quyết định sự trưởng thành của các thế hệ thanh
niên Việt Nam.
Việc
thực hiện lời dạy của Bác là một nội dung đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng
lớp thanh niên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng,
giàu lòng yêu nước; có đạo đức, lối sống văn hóa, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật,
chủ động hội nhập, yêu chuộng hòa bình; có tri thức, sức khỏe, hoài bão, khát vọng
vươn lên; xung kích, tình nguyện, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Mỗi người khi đứng vào hàng ngũ
của Đảng đều mang trong mình những hoài bão, lý tưởng tốt đẹp, mong muốn được
đóng góp công sức của mình cho sự phát triển của Đảng, của quê hương. Chính lý
tưởng đó đã và đang thôi thúc biết bao người trẻ phấn đấu trở thành đảng viên.
Đảng viên trẻ là lực lượng xung kích, tiên phong trong công cuộc xây dựng, bảo
vệ đất nước. Mỗi đảng viên trẻ đều được kỳ vọng trở thành những tấm gương sáng,
có uy tín, ảnh hưởng tích cực trong thanh thiếu nhi và xã hội.
Trong Di chúc của Người, những
điều viết về “cần, kiệm, liêm, chính” hàm chứa yêu cầu và mong mỏi về sự cần
thiết phải rèn luyện đạo đức cách mạng nói chung, xây dựng và rèn “tứ đức” nói
riêng đối với mỗi người cán bộ, đảng viên. “Cần, kiệm, liêm, chính” không chỉ
là yêu cầu cấp thiết trong tu dưỡng đạo đức của mỗi người cách mạng, mà còn là
biện pháp quan trọng để xây dựng Đảng về đạo đức. Vì vậy, việc thực hành “tứ đức”
sẽ không chỉ giúp người cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự rèn mình, mà còn tạo
ra sức mạnh mềm của cả một dân tộc: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một
dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh và tiến bộ.”
Bên cạnh đó, đảng viên trẻ cần đề
cao chữ “liêm” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là đối với những
bộ phận công tác ở những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, bởi đã có rất nhiều bài học
về việc không giữ mình trước cám dỗ của vật chất mà nhiều cán bộ, công chức đã
sa vào tham nhũng và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trong công việc, người
đảng viên trẻ cần có ý thức đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, lãng phí,
nhất là tình trạng “tham nhũng vặt” hiện nay mà Đảng, Nhà nước và xã hội đang
lên án. Để thấm nhuần và thực hiện chữ “chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo
anh Hoàng Anh Biên, mỗi cán bộ, đảng viên trẻ phải có thái độ rõ ràng trước cái
thiện và cái ác, có dũng khí để bảo vệ cái tốt, lên án cái xấu. Trong công việc,
cần nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình để xây dựng tập thể; đấu tranh với
những biểu hiện tiêu cực trong xã hội…
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh
rằng: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan, phát tài. Nó phải làm tròn
nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.
Do đó, người đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ nói riêng phải
luôn nỗ lực phấn đấu, thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, “chí công vô
tư”. Thời kỳ đổi mới, hội nhập, toàn cầu hóa, quốc tế hóa đã mang lại nhiều lợi
ích to lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cho sự phát triển của đất nước.
Bên cạnh đó, sự tác động của nền kinh tế thị trường, sự du nhập của các loại
hình văn hóa, lối sống thực dụng… Mặt trái của những yếu tố đó đang từng ngày,
từng giờ len lỏi vào đời sống xã hội, tác động và làm băng hoại những chuẩn mực
giá trị đạo đức trong xã hội nói chung, làm suy thoái tư cách, phẩm chất đạo đức
của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là bộ phận đảng viên trẻ.
Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, phẩm chất “chí
công vô tư” đóng vai trò quan trọng, là nền tảng phát huy những phẩm chất đạo đức
cách mạng trong tư tưởng của Người.
“Chí công” là rất mực công bằng,
công tâm. “Vô tư” là không được có lòng riêng, thiên tư, thiên vị “tư ân, tư huệ,
hoặc tư thù, tư oán”, đem lòng chí công vô tư đối với người, với việc là đặt lợi
ích tập thể, của Đảng, của cách mạng, của Tổ quốc lên trên hết, “khi làm bất cứ
việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”. Muốn
“chí công vô tư” phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân.
Trong cuộc gặp mặt đảng viên trẻ
tiêu biểu toàn quốc học tập và làm theo lời Bác năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch
nước Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ mong muốn và giao nhiệm vụ, trong số đảng viên
trẻ tại cuộc gặp mặt, sau này sẽ có nhiều đồng chí đứng trong hàng ngũ của Ban
Chấp hành Trung ương Đảng. "Nhưng không phải vào Trung ương để cho oai,
hay là vào Trung ương để kiếm chác cái gì, mà vào Trung ương để hy sinh, phấn đấu,
để cống hiến, trưởng thành hơn nữa, làm cho Đảng ta mạnh lên, mỗi đồng chí là một
hạt nhân ở trong Trung ương", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng
nêu rõ, để tiên phong, gương mẫu trên từng lĩnh vực, đòi hỏi mỗi đảng viên cần
có đức, có tài. "Đức đi đôi với tài, nhưng đức phải là gốc, đức phải trước
tiên. Đức và tài đi song song với nhau. Có đức mới có thể làm được những việc
nhân nghĩa đúng đắn". Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước căn dặn đảng
viên trẻ: "Đức là sự trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, đặt
lợi ích quốc gia, dân tộc lên tối cao, làm việc gì cũng phải nghĩ vì đất nước,
vì Tổ quốc, đừng nghĩ đến mình."
50 năm kể từ ngày Bác đi xa, những
lời dạy của Người trong Di chúc vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, là động lực to lớn để thế hệ trẻ Việt Nam - thế hệ
mà Người đã dành nhiều tình cảm, niềm tin và sự kỳ vọng cho tương lai của nước
nhà, ra sức phấn đấu, góp phần cho đất nước ta “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp
hơn”. Đặc biệt, thanh niên là lực lượng dự bị tin cậy của Đảng, càng cần phấn đấu,
rèn luyện để trở thành những đảng viên trẻ xứng đáng với lời dạy và sự kỳ vọng
của Người, là thế hệ tương lai xây dựng Tổ quốc Việt Nam sánh vai với các cường
quốc năm châu./.
P.T.H.H2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét