Những năm gần đây, hiện tượng a dua, phụ họa, thờ ơ trước những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái núp dưới cái mũ “tiến bộ, đổi mới” đã và đang xuất hiện trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đây chính là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hết sức nguy hiểm đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ ra và cần được ngăn chặn và đẩy lùi.
Hiện tượng a dua,
phụ họa có thể do vô tình; thiếu hiểu biết hay nhận thức hạn chế nhưng lại có
thể dẫn đến những tác hại khôn lường. Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết Trung
ương 4 khóa XII của Đảng đã xác định trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng
chính trị có việc: “Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin
vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng
vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng;
không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ hoạ theo những nhận thức
lệch lạc, quan điểm sai trái…”. Và từ việc a dua, phụ họa này, không ít người sẽ
bị lợi dụng, dẫn đến những sai trái nghiêm trọng hơn, tiến tới một trong những
biểu hiện “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”, đó là: “Kích động tư tưởng
bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các
phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp
uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng
viên và nhân dân”.
Những hiện tượng
“a dua chính trị” đã và đang xảy ra với nhiều sự việc đáng cảnh báo. Đáng chú ý
như: Dư luận xã hội đã ít nhiều bị ảnh hưởng từ bức tâm thư của nhóm một số cựu
quan chức, trí thức, trong đó có cả những người từng là lãnh đạo bộ, ngành về dự
thảo Luật Anh ninh mạng hoặc việc người dân hiểu sai, bị kích động gây rối vì
những thông tin, phát biểu sơ hở, cảm tính, không đúng thực tế của một vài vị đại
biểu Quốc hội, người nổi tiếng về dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt
Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Thậm chí, có cả một giảng viên, phó giáo sư ở
một trường đại học cũng thường xuyên đăng tải thông tin xét lại, phản bác Chủ
nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, ca tụng dân chủ, nhân quyền kiểu phương
Tây. Đáng tiếc rằng những thông tin lệch lạc, sự việc sai trái trên vẫn được một
số người, trong đó có cả cán bộ, đảng viên cổ xúy, chia sẻ trên mạng xã hội. Bài
học từ những vụ biểu tình, gây rối có dáng dấp bạo loạn gần đây cho thấy một bộ
phận không nhỏ người dân, lớp trẻ chỉ vì tâm lý đám đông đã a dua, hùa theo và
dẫn đến vi phạm pháp luật. Còn với những người a dua trên mạng xã hội, thông
tin xấu mà họ tán phát có thể tạo ra dư luận xã hội tiêu cực, dẫn đường cho những
hành vi sai trái.
Để mỗi cán bộ, đảng
viên nói riêng, người dân nói chung không bị mắc bẫy, a dua phụ họa theo kẻ xấu
thì trước tiên chúng ta phải nhận diện rõ được các âm mưu, thủ đoạn tán phát
thông tin sai trái, phản động cũng như các đối tượng, cá nhân, tổ chức chống
phá Đảng, Nhà nước ta. Việc phát ngôn, tán phát thông tin trong xã hội bùng nổ
thông tin và môi trường không gian mạng được bảo đảm tự do, dân chủ nhưng phải
tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Đặc biệt, đối với mỗi cán bộ, đảng
viên, chỉ tuân thủ đúng pháp luật và đề cao trách nhiệm công dân là chưa đủ mà
phải thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, tính tiền phong gương mẫu của người đảng
viên; chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng… Hiện nay, các quy định như 19
điều đảng viên không được làm, Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ
Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm đều có những quy định rất chi tiết
về phát ngôn, quản lý thông tin, không cho phép a dua, hùa theo những quan điểm
lệch lạc, sai trái. Điều 7 của Quy định số 102-QĐ/TW nêu rõ sẽ xử lý kỷ luật từ
khiển trách trở lên đối với đảng viên “Phụ họa, a dua theo những quan điểm trái
với quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng,
mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thiếu trách nhiệm trong đấu tranh
chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện
"tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, chống
"diễn biến hòa bình”.
Những quy định này
cần được thi hành nghiêm túc; cần xử lý nghiêm minh những cá nhân vi phạm, nhất
là những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đương chức và đã nghỉ hưu; không để
tình trạng: "Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít;
nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác;
nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu” như Nghị
quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra.
Đối với mỗi cán bộ,
đảng viên, để không a dua, phụ họa cho những điều sai trái thì trước hết phải
luôn tu dưỡng, rèn luyện suốt đời như lời Bác Hồ căn dặn, mà trước tiên là tu
dưỡng, rèn luyện về chính trị tư tưởng, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, tin tưởng ở đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật
của Nhà nước. Kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng nghĩ trái, nói trái, làm
trái nền tảng tư tưởng, chủ trương, nghị quyết của Đảng. Cùng với đó, các cơ
quan pháp luật phải xử lý nghiêm minh những đối tượng tán phát thông tin xấu độc,
phản động để làm gương. Các tổ chức đảng phải kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm
minh theo pháp luật Nhà nước, kỷ luật của Đảng đối với đảng viên a dua, phụ họa
cho những thông tin sai trái, phản động và thường xuyên có giải pháp giáo dục,
quản lý, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội
bộ./.
P.T.H.H2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét