Dân chủ và nhân
quyền (quyền con người) là hai chế định gắn bó chặt chẽ với nhau. Nhân quyền vừa
là nền tảng, vừa là lý tưởng của dân chủ; ngược lại dân chủ là điều kiện để thực
thi nhân quyền, là thể chế chính trị bảo đảm và thực thi quyền con người. Mỗi
bước tiến của dân chủ phản ánh tiến bộ về quyền con người, dân chủ phát triển
càng cao thì quyền con người càng được khẳng định. Nhân quyền (quyền con người)
là một phạm trù chính trị, lịch sử, pháp lý, xã hội và là vấn đề nhạy cảm, phức
tạp, nên luôn có các cách hiểu khác nhau, từ khái niệm, nội dung đến cách thức
thực hiện. Với việc thông qua Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn thế giới
về nhân quyền, lần đầu tiên trong lịch sử, quyền con người được thừa nhận và bảo
vệ một cách rộng rãi. Theo Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người
thì: “Quyền con người là những bảo đảm pháp lý phổ quát có tác dụng bảo vệ các
cá nhân và nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân
phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người”. Luật Nhân quyền quốc tế
cũng chỉ ra nghĩa vụ của quốc gia và các chủ thể nghĩa vụ khác phải có trách
nhiệm thực thi việc bảo đảm và ngăn ngừa sự vi phạm. Như vậy, Liên hợp quốc chủ
yếu đề cập đến khía cạnh pháp lý của quyền con người, đó là những bảo đảm về
pháp lý trong bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người. Các quan điểm theo lập
trường tư sản nhấn mạnh thái quá khía cạnh quyền con người là quyền tự nhiên,
“bẩm sinh”, nghĩa là con người sinh ra đã có các quyền; quyền con người là những
nhu cầu cơ bản của con người, xuất phát từ phẩm giá vốn có của mỗi người; con
người sở dĩ có các quyền và tự do đơn giản chỉ vì họ có những phẩm chất tự
nhiên của con người. Như vậy, quan điểm tư sản cho rằng quyền con người là quyền
vốn có được trao cho mỗi cá nhân mà không dựa trên bất cứ sự phân biệt nào về
chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, dân tộc, xã hội,
tài sản, dòng dõi hoặc các điều kiện khác. Với quan điểm như vậy, các nước
phương Tây đã tuyệt đối hóa tính phổ biến của nhân quyền, coi nhân quyền là cao
nhất, là không có thời gian, không gian, biên giới. Cho nên, ở đâu họ cho là có
vi phạm nhân quyền thì ở đó họ sẽ tiến hành các hoạt động can thiệp.
Theo quan điểm
của học thuyết Mác - Lênin thì quyền con người là quyền của tất cả mọi người,
xuất phát từ nhân phẩm vốn có của con người được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.
Trong lĩnh vực pháp luật, quyền con người được phân thành 2 nhóm chính, đó là nhóm
các quyền dân sự, chính trị và nhóm các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhân
quyền được hình thành từ hai nguồn gốc tự nhiên và xã hội. Quyền con người mặc
dù bắt nguồn từ các quyền tự nhiên, nhưng không phải tự nhiên mà có, mà đó là
thành quả của các cuộc đấu tranh cách mạng, cải tạo xã hội, lịch sử phát triển
loài người. Nhân quyền có các đặc trưng: là sản phẩm của sự phát triển lịch sử;
là những giá trị gắn với con người với tư cách cá nhân, đồng thời với tư cách
là thành viên của cộng đồng, xã hội; được ghi nhận và bảo đảm thực hiện trong hệ
thống pháp luật quốc gia và quốc tế; là tổng thể các quyền mặc nhiên cơ bản của
con người, thể hiện nhu cầu, năng lực, tự do, nhân phẩm của con người.
Hiến pháp và
pháp luật Việt Nam thể hiện đầy đủ tất cả các quyền cơ bản, phổ biến của con
người được nêu ra trong Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới năm 1948 và các công ước
quốc tế khác của Liên hợp quốc về quyền con người. Nhà nước Việt Nam luôn xác định,
con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước, là
trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người
là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp
công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Đại hội XIII của Đảng nêu rõ quan điểm
của Đảng, Nhà nước Việt Nam: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền
và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa
vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội”.
Việt Nam quan
niệm quyền con người vừa mang tính phổ biến, thể hiện khát vọng chung của nhân
loại, được ghi trong Hiến chương của Liên hợp quốc, vừa có tính đặc thù đối với
từng xã hội và cộng đồng. Trong một thế giới ngày càng đa dạng, khi tiếp cận và
xử lý vấn đề quyền con người cần kết hợp hài hòa các chuẩn mực, nguyên tắc
chung của luật pháp quốc tế với những điều kiện đặc thù về lịch sử, chính trị,
kinh tế - xã hội, các giá trị văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập
quán của mỗi quốc gia và khu vực. Không một nước nào có quyền áp đặt mô hình
chính trị, kinh tế, văn hóa của mình cho một quốc gia khác. Các quyền và tự do
của mỗi cá nhân chỉ có thể được bảo đảm và phát huy trên cơ sở tôn trọng quyền
và lợi ích chung của dân tộc và cộng đồng; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ. Việc
chỉ ưu tiên hoặc tuyệt đối hóa các quyền dân sự, chính trị và một số quyền tự
do cá nhân, không quan tâm thích đáng đến quyền phát triển, các quyền kinh tế,
xã hội và văn hóa của cả cộng đồng là cách đề cập phiến diện. Do sự khác biệt về
hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển, giá trị truyền thống
văn hóa, nên mỗi quốc gia có cách tiếp cận khác nhau về quyền con người. Không
nước nào có quyền sử dụng, lợi dụng vấn đề quyền con người làm công cụ can thiệp
vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, gây đối đầu, gây sức ép chính trị,
thậm chí sử dụng vũ lực hoặc làm điều kiện trong quan hệ hợp tác kinh tế,
thương mại với nước khác.
Trong bối cảnh
tồn tại giai cấp đối kháng hiện nay, nhân quyền luôn bị các thế lực thù địch lợi
dụng, chính trị hóa để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, trong
đó có Việt Nam. Các thế lực thù địch sử dụng chính sách “ngoại giao nhân quyền”
để áp đặt tiêu chuẩn, “xuất khẩu” nhân quyền phương Tây trên phạm vi toàn cầu
thông qua luận điểm về “giá trị phổ quát” của nhân quyền. Họ thường áp đặt các
giá trị dân chủ, nhân quyền kiểu phương Tây cho các nước khác trên tất cả các
lĩnh vực, như xây dựng, thực thi pháp luật, hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát
triển “xã hội dân sự” nhằm tạo đối trọng với chính phủ.
Lợi dụng vấn đề
dân chủ, nhân quyền chống phá Việt Nam luôn là một trong những hoạt động nguy
hiểm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với chiêu
bài “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “an ninh con người cao hơn an ninh quốc
gia”, “nhân quyền không có biên giới quốc gia”, “tam quyền phân lập”, “xã hội
dân sự”. Dân chủ, nhân quyền đang là “cái cớ”, “vỏ bọc” cho các hành động can
thiệp, gây sức ép thúc đẩy sự thay đổi chính trị ở Việt Nam của các thế lực thù
địch, đồng thời là một khẩu hiệu, ngọn cờ để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động,
tạo ra các khuynh hướng dân chủ cực đoan, tập hợp lực lượng chống đối, biểu
tình, tiến tới các hoạt động khủng bố, bạo loạn, lật đổ. Thực tế diễn biến
chính trị ở một số nước trên thế giới trong những năm gần đây cho thấy, phần lớn
sự mất ổn định chính trị, xã hội đều xuất phát từ nhận thức lệch lạc về dân chủ,
nhân quyền và âm mưu, hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền. Vì vậy, hiểu đúng
về dân chủ, nhân quyền và bản chất của việc lợi dụng dân chủ, nhân quyền, giúp
nâng cao cảnh giác cách mạng, đồng thời có cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc để
đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch
trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét