Người thầy giáo
giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp giáo dục. Chủ tịch Hồ
Chí Minh luôn đề cao vai trò của các nhà giáo đối với xã hội. Người nhấn
mạnh: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần
xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy
giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng
trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những
anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ
cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề
thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”[1].
Trong văn hóa Việt Nam từ bao đời nay, người thầy là biểu tượng cao quí,
không chỉ tượng trưng cho trí tuệ, tài năng của xã hội mà còn là “khuôn vàng
thước ngọc” của đạo đức, nhân cách để các thế hệ học trò noi theo. Nhiệm vụ của
người thầy không chỉ dạy “chữ” mà còn dạy “người” vì vậy thầy cô giáo là những
“kĩ sư tâm hồn” uốn nắn học trò thành người có ích cho xã hội . Thầy cô chính
là người truyền lửa, khơi dậy những ước mơ, hoài bão để thổi bùng lên những khát vọng cao đẹp trong
tương lai cho các thế hệ học trò.
Đối với những thầy mang trên mình màu xanh áo
lính giảng dạy trong quân đội, do môi trường làm việc có tính chất “đặc thù”
hơn so với các đồng nghiệp bên ngoài nên môi trường sư phạm họ cũng “đặc biệt” hơn. Ngoài việc giảng dạy cho
học viên những tri thức chung của nhân loại thì nhiệm vụ chính của họ là trang bị cho học viên những kiến thức về khoa học - nghệ thuật quân sự và bồi dưỡng mục tiêu, lý tưởng cách mạng cho
thế hệ trẻ. Các thầy giáo khoa quân sự sẽ dạy cho học viên những kĩ năng của một người lính, các tư thế vận động trên chiến trường, kĩ thuật sử dụng các loại vũ khí, khí tài từ đơn giản đến hiện đại, cách
triển khai đội hình chiến thuật các cấp… Còn những thầy cô giáo dạy các khoa
khoa học xã hội - nhân văn có nhiệm vụ bồi dưỡng cho học viên thế giới quan
khoa học của chủnghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lòng yêu nước, tự hào dân tộc và lí tưởng cộng sản. Nhiệm vụ cao cả của những người thầy trong Quân
đội là đào tạo nên những
cán bộ quân đội “vừa hồng, vừa chuyên”, có đầy đủ
phẩm chất, năng lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Do giảng dạy trong môi trường đặc thù
nên họ không chỉ gắn bó với phấn trắng, bảng đen và
bục giảng mà còn phải dầm mình trong nắng gió ở thao trường, bãi tập nên đòi hỏi người giảng viên trong Quân đội phải có kiến thức chuyên môn vững, có sức
khoẻ tốt; có khả năng chịu đựng, thích ứng với những khắc nghiệt của thời tiết,
khí hậu. Những người thầy sẽ đảm nhận nhiều cương vị khác nhau: Lúc là người thầy trên bục giảng,
thao trường, bãi tập; lúc lại là người chỉ huy, quản lý, người anh, người bạn, người đồng đội cùng chung
chí hướng. Nếu như sứ mệnh của con tằm là phải nhả tơ thì sứ mệnh của những
người thầy, người cô là dạy chữ. Nhưng đối với những người thầy mang trên mình
màu xanh áo lính thì sứ mệnh của họ không chỉ đơn thuần là trang bị kiến thức cho học viên mà trên
vai là Tổ quốc, trong tim là nhân dân. Ngoài nhiệm vụ giảng dạy ra, những người thầy giáo lính còn
phải sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc và nhân dân cần.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét