Lễ hội truyền thống có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống văn hóa tinh thần, nhu cầu tín ngưỡng của các thế hệ người Việt. Nền văn minh lúa nước, văn hóa làng xã của người Việt tích tụ từ hàng nghìn năm đã sản sinh, nuôi dưỡng, bảo tồn, phát triển một hệ thống di sản phong phú, đồ sộ của lễ hội, trải đều khắp đất nước. Theo thống kê của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, hiện Việt Nam có gần 9.000 lễ hội truyền thống, là một trong những quốc gia có số lượng lễ hội truyền thống nhiều nhất khu vực và châu lục. Lễ hội truyền thống ở nước ta được tổ chức trên khắp các vùng, miền, tỉnh, thành phố và diễn ra sôi động nhất vào mùa xuân, sau Tết Nguyên đán. Nhiều lễ hội lớn đã trở thành thương hiệu văn hóa du lịch, thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách, đem về cho địa phương nguồn thu lớn từ các dịch vụ của ngành công nghiệp không khói...
Chính vì số lượng lễ hội nhiều,
hình thức lễ hội phong phú, đa dạng nên công tác tổ chức, quản lý, quảng bá... ở
các địa phương không thể tránh khỏi những yếu kém, bất cập. Hạn chế phổ biến nhất
là sự thương mại hóa trong nhiều phân khúc lễ hội, làm phai nhạt sắc thái phong
tục, lợi dụng tín ngưỡng để “buôn thần bán thánh” trục lợi cá nhân, lợi ích
nhóm... Những mặt trái, tiêu cực của đời sống xã hội trong nền kinh tế thị trường
đã len lỏi, phơi bày trong nhiều phân khúc, thời điểm của văn hóa lễ hội. Những
bất cập, tồn tại này đã được Đảng, Nhà nước ta nhận thức sâu sắc. Phát biểu chỉ
đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn
mạnh: Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu
cực... Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ, nhất
là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn
hóa... Đặc biệt, trong công tác lãnh đạo, quản lý, chúng ta chưa nhận thức thật
đầy đủ, sâu sắc và toàn diện về đường lối văn hóa của Đảng, nhất là trong thời
kỳ đổi mới hiện nay. Phương thức lãnh đạo và quản lý văn hóa chậm được đổi mới,
chưa thích ứng kịp thời với sự vận động và phát triển văn hóa trong thời kỳ đẩy
mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế...
Từ những đánh giá tổng quan ở tầm
vĩ mô, soi rọi trong môi trường văn hóa lễ hội, chúng ta thấy rõ sự thẳng thắn,
khách quan, không né tránh hạn chế, khuyết điểm của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo
công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc
dân tộc.
Chính vì vậy, việc bám vào những hạn
chế, bất cập trong môi trường tổ chức lễ hội và văn hóa lễ hội để kích động,
xuyên tạc, quy chụp... mà nhiều đối tượng có tư tưởng thù địch đã và đang thực
hiện là hành vi phản văn hóa. Trên không gian mạng, không ít thành phần bất mãn
trong nước và một số đối tượng lưu vong ở nước ngoài lớn tiếng chỉ trích, xuyên
tạc, cho rằng văn hóa Việt Nam đang đi “thụt lùi”, “suy đồi”, “mạt hạng”... Đơn
cử, Lễ hội tịch điền ở Duy Tiên (Hà Nam) là một lễ hội văn hóa truyền thống thể
hiện đặc trưng sắc thái văn hóa nông nghiệp của người Việt ở Đồng bằng Bắc Bộ.
Bám vào hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” mang tính biểu trưng của
lễ hội, các đối tượng cực đoan và truyền thông mang tư tưởng thù địch ở hải ngoại
lại xuyên tạc, cho rằng người Việt đang “kéo lùi lịch sử”. Họ lập luận rằng,
công nghiệp thế giới phát triển như vũ bão mà Việt Nam vẫn tôn vinh, chung thủy
với hình thức sản xuất thô sơ, lạc hậu thì bao giờ mới khá lên được?
Nêu một dẫn chứng như vậy để thấy
rõ hơn âm mưu đằng sau những luận điệu xuyên tạc về văn hóa dân tộc nói chung,
văn hóa lễ hội nói riêng mà các thế lực thù địch đã và đang ra sức thực hiện.
Muốn phản biện, phê phán một vấn đề về văn hóa, phải đứng trên phương diện văn
hóa. Lấy văn hóa làm cái cớ để xuyên tạc chính trị, bỉ bai đường lối, chủ
trương của Đảng, bôi đen bức tranh thượng tầng kiến trúc của đất nước... là
cách làm xấu xa, bắt nguồn từ thái độ ti tiện, phản văn hóa. Chúng ta cần nhận
diện thấu đáo để có phương pháp đấu tranh, phản bác kịp thời, hiệu quả, không để
những tư tưởng thù địch làm hoen ố môi trường văn hóa lễ hội truyền thống của
dân tộc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét