Xuất phát từ
đặc thù hoạt động quân sự nên mệnh lệnh của người chỉ huy có vai trò đặc biệt
quan trọng, trong chiến đấu sẽ quyết định đến sự sống còn của bộ đội, trong thời
bình sẽ ảnh hưởng đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Điều này đặt ra
yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ các cấp cần không ngừng nỗ lực học tập, luyện
rèn để nâng cao năng lực, trình độ, hình thành phương pháp, tác phong công tác
khoa học, nghiêm túc và trách nhiệm.
Để góp phần
làm cho mệnh lệnh, quyết định của người chỉ huy phù hợp, có tính khả thi cao,
các đơn vị cần duy trì nền nếp việc giao ban, hội ý nhằm đánh giá, rút kinh
nghiệm kết quả thực hiện nhiệm vụ và bàn biện pháp triển khai hiệu quả các nhiệm
vụ tiếp theo. Người cán bộ chủ trì đơn vị
cần chủ động hội ý, trao đổi với cấp ủy, ban chỉ huy để cùng nhau bàn bạc, thống
nhất, từ đó đưa ra quyết định cuối cùng trên cơ sở thiểu số phục tùng đa số.
Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc nên mỗi cán bộ phải luôn quán triệt và thực
hiện nghiêm túc. Điều này cũng phát huy được trí tuệ tập thể, giúp các quyết
sách của người chỉ huy sát với tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ, từ đó
nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
Tuy nhiên,
không phải lúc nào, nhiệm vụ gì, người chỉ huy cũng có điều kiện trao đổi, bàn
bạc với tập thể mà phải tự mình đưa ra các quyết định. Điều này đòi hỏi người
chỉ huy phải có kiến thức, trình độ, năng lực công tác thực tiễn, tinh thần dám
nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. “Người chỉ huy phải chịu toàn bộ trách
nhiệm trước cấp trên và đơn vị về quyết định của mình, do đó, trước khi hạ đạt
bất kỳ mệnh lệnh gì cũng cần tìm hiểu kỹ nhiệm vụ được giao, như: Tính chất, khối
lượng công việc, lực lượng cần thiết tham gia, khả năng của đơn vị, thời gian
hoàn thành, những yếu tố ngoại cảnh tác động... Trên cơ sở đó và căn cứ vào
tình hình thực tiễn để xác định kế hoạch, biện pháp triển khai thực hiện bảo đảm
khoa học, hiệu quả”.
Hiện nay, đội
ngũ cán bộ ở các đơn vị cơ sở cơ bản được đào tạo chính quy, có ý chí phấn đấu
nên có kiến thức, năng lực và phương pháp, tác phong công tác tốt. Tuy nhiên, vẫn
còn một bộ phận cán bộ làm việc chủ yếu dựa theo cảm tính, tùy hứng, dẫn đến
tình trạng mệnh lệnh, quyết định đưa ra mang tính chủ quan duy ý chí, rập khuôn
máy móc, không khoa học, nóng vội, hấp tấp, thậm chí vi phạm nguyên tắc, gia
trưởng, độc đoán... Những biểu hiện này thường xuất hiện ở cán bộ trẻ mới ra
trường, cán bộ cấp trung đội, đại đội, nguyên nhân do thiếu kiến thức và kinh
nghiệm công tác thực tiễn. Cách xử lý công việc như vậy sẽ gây ức chế cho cấp
dưới, không tạo được sự đồng thuận trong đơn vị, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ,
chất lượng thực hiện nhiệm vụ thấp...
Thực tiễn chứng
minh, nếu người chỉ huy có phương pháp, tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc,
tuân thủ đúng nguyên tắc, tôn trọng quy luật khách quan... thì sẽ có những quyết
định sáng suốt, đúng đắn trong xử lý công việc, biết cách vượt qua khó khăn, thử
thách. Tuy nhiên, phương pháp, tác phong của người chỉ huy không tự nhiên có được
mà phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện kiên trì, bền bỉ từ thực tiễn quá
trình công tác. Vì vậy, mỗi cán bộ, nhất là cán bộ trẻ mới ra trường cần chủ động
tự học, tự rèn, tích cực học hỏi cách thức, phương pháp, kinh nghiệm xử lý công
việc của chỉ huy cấp trên, lắng nghe, tiếp thu một cách cầu thị các ý kiến góp
ý của đồng đội, đặc biệt là đối với những nhiệm vụ đột xuất, nhiệm vụ quan trọng;
tuyệt đối không làm việc cảm tính, dựa vào cảm xúc; sau mỗi nhiệm vụ, cần rút
ra cho bản thân những bài học kinh nghiệm bổ ích. Quá trình công tác, người cán
bộ cần rèn luyện thói quen làm việc có kế hoạch, khoa học, cụ thể, tỉ mỉ, chu
đáo, cẩn trọng, sâu sát. Có như vậy mới từng bước trưởng thành, đưa ra các quyết
định sáng suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo để cơ quan, đơn vị hoàn thành thắng lợi
nhiệm vụ được giao.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét