CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

QUAN ĐIỂM ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ XIII VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN LÀ ĐÚNG ĐẮN VÀ SÁNG TẠO

 

Tóm tắt bài viết: Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng khởi xướng và lãnh đạo ngày càng được hoàn thiện, theo đó kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng và quy mô. Trong các nhiệm kỳ Đại hội của Đảng gần đây, kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế và Nhà nước ta cũng đã có nhiều quyết sách chiến lược, phù hợp để cổ vũ kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều quan điểm sai trái về đường lối phát triển kinh tế tư nhân. Bài viết nhằm khẳng định tính đúng đắn và sáng tạo của chủ trương, đường lối phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Trong 35 năm lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, trung thành, kế thừa và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên đổi mới tư duy gắn với tổng kết thực tiễn và đưa ra chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, theo đó văn kiện Đại hội XIII xác định phát triển khu vực kinh tế tư nhân để thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị thường xuyên đưa ra những luận điểm sai trái, phản đối, xuyên tạc chủ trương, đường lối này của Đảng, Chúng đưa ra luận điểm cho rằng: “Đảng Cộng Việt Nam đưa ra đường lối phát triển kinh tế tư nhân là đi theo chủ nghĩa tư bản”?

Vì vậy, việc làm rõ, cảnh giác và đấu tranh phản bác lại quan điểm sai trái đó; khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo của chủ trương, đường lối phát triển kinh tế tư nhân của Đảng là nhiệm vụ cấp thiết. Tính đúng đắn và sáng tạo của chủ trương, đường lối này được thể hiện trên những vấn đề cơ bản sau:

1. Không thể thủ tiêu sở hữu tư nhân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - quan điểm khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin

Đây là cơ sở lý luận khoa học và chắc chắn nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam khi định ra chủ trương, đường lối phát triển kinh tế tư nhân trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước vừa qua, cũng như định hướng cho phát triển nền kinh tế của Việt Nam ở chặng đường tiếp theo.

Như đã biết, kinh tế tư nhân xuất hiện và phát triển là tất yếu khách quan trọng tiến trình phát triển của xã hội loài người. Trong quá trình lịch sử, và cả trong thời đại ngày nay, dù đang tồn tại trong các chế độ chính trị khác nhau, nhưng kinh tế tư nhân vẫn đang phát huy tác dụng, tỏ rõ vai trò quan trọng của nó đối với xã hội.

Kinh tế tư nhân được dùng để chỉ các thành phần kinh tế dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân. Kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân đều thuộc cùng loại hình sở hữu tư nhân, khác với sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể. Mặc dù về mặt lý luận, quan điểm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân là hai thành phần kinh tế khác nhau, khác nhau về trình độ phát triển lực lượng sản xuất và bản chất quan hệ sản xuất.

Để chuẩn bị lý luận cho giai cấp công nhân và chính đảng cách mạng của nó tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trước hết là trên lĩnh vực kinh tế, C.Mác và Ph.Ăngghen đã không ngừng nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về sự tồn tại, vai trò, tác dụng của kinh tế tư nhân trong lịch sử, nhất là trong xã hội tư bản ở thế kỷ XIX và ở xã hội cộng sản trong tương lai. Trong tác phẩm nổi tiếng của mình - Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, C.Mác đã chỉ ra: “Nếu chúng ta gọi ngay cả chủ nghĩa cộng sản - vì nó là phủ định của phủ định - … thông qua sự phủ định chế độ tư hữu, - do đó chưa phải là sự khẳng định chân thật, bắt đầu từ bản thân mình, mà chỉ là sự khẳng định bắt đầu từ chế độ tư hữu… Muốn xóa bỏ tư tưởng về chế độ tư hữu, thì tư tưởng về chủ nghĩa cộng sản là hoàn toàn đủ rồi. Còn muốn xóa bỏ chế độ tư hữu trong hiện thực thực tế thì phải có hành động cộng sản chủ nghĩa hiện thực. Lịch sử sẽ đem đến theo mình hành động cộng sản chủ nghĩa ấy, và sự vận động mà chúng ta đã nhận thức trong tư tưởng như một cái tự mình tước bỏ mình, sẽ kinh qua một quá trình rất khó khăn và lâu dài trong hiện thực”[1].

Sau này, trong những văn kiện chính thức của những người cộng sản, nhất là trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848), C.Mác và Ph.Ăngghen chính thức chỉ ra sự tồn tại và tác dụng lâu dài của kinh tế tư nhân trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội - bước đầu tiên của chủ nghĩa cộng sản, đó là: “Phải chăng người ta muốn nói đến cái hình thức sở hữu có trước sở hữu tư sản, tức là sở hữu của người tiểu tư sản, của người tiểu nông? Chúng tôi có cần gì phải xóa bỏ cái đó, sự phát triển của công nghiệp đã xóa bỏ và hàng ngày vẫn tiếp tục xóa bỏ cái đó rồi”[2]. Các ông chính thức khẳng định: “Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản... biểu hiện cuối cùng và đầy đủ nhất của phương thức sản xuất và chiếm hữu sản phẩm dựa trên những đối kháng giai cấp, trên cơ sở những người này bóc lột những người kia”[3]. Như vậy, chủ nghĩa cộng sản chỉ xóa bỏ chế độ sở hưu tư sản với tính cách là một chế độ nhà nước tư sản, ăn bám, bóc lột giá trị thăng dư của lao động làm thuê, chứ tuyệt nhiên không xóa bỏ mọi hình thức sở hữu nói chung, trong đó có sở hữu tư nhân, nền tảng của kinh tế tư nhân.

Kế thừa những quan điểm của chủ nghĩa Mác, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga, sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, V.I.Lênin đã chỉ ra kết cấu kinh tế tư nhân của nước Nga Xô viết, bao gồm kinh tế nông dân kiểu gia trưởng, kinh tế sản xuất hàng hóa nhỏ, kinh tế tư bản tư nhân và xác định kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội, đề ra Chính sách kinh tế mới (NEP). NEP là một sự đổi mới tư duy, nhận thức về chủ nghĩa xã hội với sự thừa nhận sự tồn tại của nền kinh tế nhiều thành phần, phát triển quan hệ hàng hóa tiền tệ, kinh tế thị trường, thực hiện sự trao đổi giữa thành thị và nông thôn, công nghiệp và nông nghiệp, lợi ích của người lao động được quan tâm… Từ góc nhìn khoa học và biện chứng của chủ nghĩa Mác, V.I.Lênin nhận rõ, muốn phát triển chủ nghĩa xã hội ở nước Nga thành công, phải học tập, kế thừa những thành tựu của chủ nghĩa tư bản; phải khai thác, phát huy mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế để phát triển sản xuất, “đưa chủ nghĩa xã hội vào cuộc sống hằng ngày”[4].

2. Ra sức hướng dẫn kinh tế tư nhân hoạt động nhằm làm lợi cho quốc kế dân sinh, phù hợp với kế hoạch kinh tế của Nhà nước - tư tưởng đúng đắn, sáng tạo của Hồ Chí Minh

Đây là sự kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về kinh tế tư nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng này không chỉ khẳng định Hồ Chí Minh hiểu biết sâu sắc những nguyên lý vận hành của nền kinh tế ở thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội mà chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra, mà còn thể hiện tư duy định hướng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực kinh tế cho Đảng và Nhà nước ta xác định đường lối, chính sách kinh tế phù hợp với thực tiễn kinh tế - chính trị ở Việt Nam - một nước thuộc địa, nửa phong kiến, đang trải qua chiến tranh giải phóng dân tộc để đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng dựa trên cơ sở tư tưởng này của Người để xác lập chủ trương, đường lối phát triển kinh tế tư nhân trong xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Theo Hồ Chí Minh, một nước thoát ra từ chế độ thực dân, phong kiến còn đa dạng về sở hữu kinh tế, thì mỗi thành phần kinh tế là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, trong biên soạn tài liệu và giáo dục, tuyên truyền tri thức Thường thức chính trị tới cán bộ, đảng viên và các giới đồng bào, từ năm 1953, Người đã chỉ rõ: “Trong chế độ dân chủ mới, có năm loại kinh tế khác nhau: A- Kinh tế quốc doanh (thuộc chủ nghĩa xã hội, vì nó là của chung của nhân dân). B- Các hợp tác xã (nó là nửa chủ nghĩa xã hội, và sẽ tiến đến chủ nghĩa xã hội). C- Kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ (có thể tiến dần vào hợp tác xã, tức là nửa chủ nghĩa xã hội). D- Tư bản của tư nhân. E- Tư bản của Nhà nước (như Nhà nước hùn vốn với tư bản tư nhân để kinh doanh)”[5]. Ở đó, Người khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân: “Kinh tế tư bản của tư nhân. Họ bóc lột công nhân, nhưng đồng thời họ cũng góp phần vào xây dựng kinh tế”[6].

Với nhận thức khách quan, khoa học đó, năm 1959, khi báo cáo về sửa đổi Hiến pháp 1946, với tư cách là Chủ tịch nước, Hồ Chủ tịch đã khẳng định:

“- Đối với người làm nghề thủ công và lao động riêng lẻ khác, Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất của họ, ra sức hướng dẫn và giúp đỡ họ cải tiến cách làm ăn, khuyến khích họ tổ chức hợp tác xã sản xuất theo nguyên tắc tự nguyện. 

- Đối với những nhà tư sản công thương, Nhà nước không xóa bỏ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của họ; mà ra sức hướng dẫn họ hoạt động nhằm làm lợi cho quốc kế dân sinh, phù hợp với kế hoạch kinh tế của Nhà nước. Đồng thời Nhà nước khuyến khích và giúp đỡ họ cải tạo theo chủ nghĩa xã hội bằng hình thức công tư hợp doanh và những hình thức cải tạo khác”[7]. 

Còn với tư cách là người cộng sản - Chủ tịch Đảng, năm 1956, trong lời khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa II (Mở rộng), Hồ Chí Minh đề nghị Trung ương “Thảo luận chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân”[8], tìm ra các chủ trương, giải pháp khuyến khích phát triển bộ phận kinh tế này nhằm phục vụ cho công cuộc tái thiết nền kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà ở miền Nam.

Có thể thấy, trong cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn nhận thức đúng đắn về vai trò của các thành phần kinh tế tư nhân trong xây dựng chủ nghĩa xã hội; luôn quan tâm chăm lo xây dựng, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân phát triển để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Do hoàn cảnh chiến tranh của đất nước, nên Hồ Chủ tịch và Đảng ta chưa có điều kiện vật chất thiết thực để khuyến phát triển thành phần kinh tế này. Nhưng đây là những di sản tư tưởng và tinh thần rất đúng đắn, tạo cơ sở cho Đảng ta tiếp tục kế thừa, phát huy trong thời kỳ mới - thời kỳ cả nước độc lập, thống nhất quá độ đi lên trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

3. Đại hội XIII là sự kế thừa, kiên định và phát triển sáng tạo nền tảng tư tưởng và chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân

Kế thừa, trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế tư nhân phục vụ cho sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, không chỉ trong thời kỳ cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, mà cả trong thời kỳ hòa bình, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn quan tâm, chăm lo phát triển kinh tế tư nhân bằng cả đường lối chính trị của mình và cả trong thực tiễn lãnh đạo đất nước, xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ngày càng lớn mạnh.

Từ khi đổi mới đến nay, trong các văn kiện Đại hội, Đảng ta đã khẳng định đường lối phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có kinh tế tư nhân. Theo đó, quan điểm về phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được dần hoàn thiện. Đại hội VI của Đảng đã coi tính kế hoạch là đặc trưng số một, sử dụng đúng đắn quan hệ hàng hóa - tiền tệ là đặc trưng thứ hai của cơ chế quản lý kinh tế mới.

Đến Đại hội VIII, Đảng ta đã nhận thức đầy đủ hơn và khẳng định: “Sản xuất hàng hóa không đối lập với chủ nghĩa xã hội, mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng”[9]. Đại hội IX, Đảng ta chính thức đưa ra khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; với “chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa[10].

Đặc biệt, đến Hội nghị Trung ương 5 khóa IX, Đảng ta chính thức xác định: “Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế ­­tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao nội lực của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế”[11]. Đến Đại hội X Đảng ta đã có sự phát triển về nhận thức mới, khẳng định: “Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”[12].

Quan điểm phát triển kinh tế tư nhân tiếp tục được Đảng ta nghiên cứu, tổng kết, bổ sung, phát triển tại Đại hội XII. Tại đây, Đảng đã tiến tới khẳng định “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”[13]. Đến Hội nghị Trung ương 5, khóa XII, Trung ương thống nhất ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3-6-2017: “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đây là bước đột phá trong đổi mới tư duy, đưa ra nhiều chủ trương lớn về phát triển kinh tế tư nhân.  

Trên cơ sở các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XII, Đại hội XIII của Đảng đã, tiếp tục làm rõ và sâu sắc hơn nhiều vấn đề mới về phát triển kinh tế tư nhân. Văn kiện đã đánh giá: “Nhận thức một số vấn đề về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa sâu sắc, thống nhất, nhất là quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, sở hữu đất đai, phân bổ nguồn lực, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tập thể, hợp tác xã, tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập”[14]. Văn kiện tiếp tục khẳng định vai trò, động lực quan trọng của thành phần kinh tế tư nhân trong hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng phát triển…

Đại hội XIII đánh giá kinh tế tư nhân đã góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh du lịch, khu đô thị, sản xuất ô tô, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ[15]. Chỉ ra những hiệu quả nổi bật của các tập đoàn kinh tế tư nhân gần đây[16]. Đại hội XIII cũng đã chỉ rõ những bất cập, tồn tại: “Kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, trình độ quản trị và công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp, mức độ sẵn sàng và liên kết khu vực đầu tư nước ngoài hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu”[17].

Trên cơ sở thành tựu lý luận và thực tiễn của 35 năm đổi mới đất nước, Đại hội XIII đã vạch ra chủ trương tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới, với nhiều tư duy, nhận thức mới và đường hướng rất cụ thể: “Phát triển các doanh nghiệp Việt Nam cả về số lượng và chất lượng”; “phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân”… đến “Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”[18].

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, Đảng ta đưa ra 5 quan điểm phát triển. Trong đó có quan điểm: “Phát triển nhanh, hài hòa các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế”[19]Đại hội XIII tiếp tục khẳng định phải quan tâm và có cơ chế, chính sách để phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, nhất là của người Việt Nam. Hoàn thiện thể chế, môi trường thuận lợi để khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất[20].

Những vấn đề trên đây cho thấy, bằng cách đặt nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế tư nhân trong lĩnh vực sản xuất là hướng ưu tiên chính để phát triển nền kinh tế nước ta nhanh và bền vững. Đây chính là quan điểm của Đảng về phát huy nội lực; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế; giải phóng sức sản xuất, không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế của đất nước; nâng cao năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Đồng thời, phát huy khả năng đóng góp của thành phần kinh tế tư nhân vào sự phát triển triển chung, góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân.

Đặc biệt, những quan điểm, chủ trương cụ thể của Đảng trong phát triển kinh tế tư nhân thời gian tới đã nhấn mạnh đến phát triển kinh tế tư nhân “thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao”. Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, xác định “Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%”[21].

Như vậy, phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế được xác định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chính là sự vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế vẫn tuân thủ theo đúng nguyên lý, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, trong đó có coi trọng và phát huy kinh tế tư nhân. Qua đó nhằm huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới. Phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh. Tuy nhiên, muốn kinh tế tư nhân phát triển theo đúng quỹ đạo, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa tất yếu phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị. Nhà nước vừa phải vận dụng các công cụ kinh tế, pháp luật để quản lý, vừa phải có thực lực kinh tế. Trong đó, kinh tế nhà nước không chỉ giữ vai trò chủ đạo, mà còn là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển.

Mọi luận điệu của các thế lực thù địch, phản động đều nhằm mục đích, dụng ý xấu, không chỉ xuyên tạc quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương phát triển kinh tế nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn gây bất an cho các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế. Với âm mưu, thủ đoạn tinh vi, thâm độc, nham hiểm phá hoại công cuộc đổi mới đất nước, hòng xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đưa Việt Nam đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa.

Trước cơ đồ lớn mạnh của dân tộc như ngày nay, hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên, mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào thuộc thành phần kinh tế tư nhân cần nâng cao nhận thức, cảnh giác, phòng ngừa và đấu tranh với những tư tưởng, quan điểm sai trái về kinh tế tư nhân; yên tâm, phấn khởi với những thành tựu đạt được, vững tin vào Đảng, góp sức mình thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới./.



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 42, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2000, tr. 195.

[2] C.Mác và Ph.Ănghen toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 616.

[3] C.Mác và Ph.Ănghen toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 615.

[4] V.I.Lênin toàn tập, tập 45, Nxb Tiến bộMátxcơva, 1977, tr. 358.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 293-294.

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 266.

[7] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 373.

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 448.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1996, tr. 97.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2001, tr. 86.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2002, tr. 57-58,

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2006, tr. 83.

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 25.

[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 240, tr. 201-202.

[15] Cụ thể: Kinh tế tư nhân đạt tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động. Theo báo cáo của Ban KTTƯ, từ năm 2016, mỗi năm có thêm hơn 100 nghìn DN thành lập mới. Hai năm 2017 - 2018 có 258.134 DN được thành lập mới và 60.458 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện và các chính sách của Nhà nước hỗ trợ, phát triển DN.

[16] Tiêu biểu là công trình sân bay quốc tế Vân Đồn, cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long, đường cao tốc nối thành phố Hạ Long với sân bay Vân Đồn. Cả 3 công trình này đều do một tập đoàn tư nhân đầu tư với tổng vốn hơn 20.000 tỷ đồng. Năm 2019, doanh nghiệp tư nhân Vinfast đã cho ra đời chiếc xe hơi thương hiệu Việt đầu tiên của Việt Nam; đưa Việt Nam vào bản đồ công nghiệp thế giới. Những hãng hàng không tư nhân đã gia nhập thị trường như Vietjet Airway, Bamboo Airway cũng đã khẳng định được thương hiệu, vị thế trên thị trường hàng không Việt Nam và thế giới.

[17] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 240, tr. 195.

[18] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 240.

[19] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 215.

[20] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 130.

[21] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 240, 235

0 nhận xét: