Trong hai thế
kỷ qua, tên tuổi của C.Mác (Karl Marx) gắn liền với một học thuyết cách mạng,
làm thay đổi đời sống hiện thực của loài người. Giá trị và sức sống trường tồn
của học thuyết Mác được thể hiện trong hàng loạt nguyên lý, quan điểm mà C.Mác
đã nghiên cứu về các hiện tượng xã hội nói chung, về con đường phát triển của
xã hội loài người nói riêng, trong đó vấn đề chiến tranh và quân đội có vị trí
quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Học thuyết
C.Mác về chiến tranh, quân đội là học thuyết khoa học, luận giải sâu sắc nguồn
gốc, bản chất, vai trò của chiến tranh và quân đội trong lịch sử. Khi bàn về
chiến tranh và quân đội, C.Mác và Ph.Ăng-ghen (Friedrich Engels) khẳng
định: Chiến tranh là một hiện tượng chính trị-xã hội mang tính lịch sử. Sự ra đời,
tồn tại của chiến tranh gắn với sự ra đời của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất
và đối kháng giai cấp. Chiến tranh không phải là một phạm trù vĩnh viễn và càng
không phải là tất yếu định mệnh. Con người có thể loại bỏ được chiến tranh ra
khỏi đời sống xã hội và khẳng định chiến tranh chỉ là sự kế tục của chính trị bằng
thủ đoạn bạo lực.
Về quân đội,
C.Mác và Ph.Ăng-ghen cho rằng: Quân đội là một phạm trù lịch sử. Quân đội ra đời
và tồn tại gắn với nhà nước, giai cấp tổ chức ra nó. Ph.Ăng-ghen trong tác phẩm
“Quân đội” từng viết: “Quân đội là một tập đoàn có tổ chức, gồm những người được
vũ trang, được nhà nước đài thọ để thực hiện chiến tranh tiến công hoặc phòng
ngự”[1].
Định nghĩa trên phân biệt rõ quân đội với các tổ chức quần chúng vũ trang, các
tổ chức quân sự tự phát, công khai và bán công khai do các giai cấp, lực lượng
xã hội lập ra trong các chế độ xã hội khác nhau. Như vậy, quân đội ra đời gắn
liền với sự ra đời của nhà nước và chỉ mất đi khi không còn nhà nước.
Cũng theo
quan điểm của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, sức mạnh chiến đấu của quân đội tạo nên từ
nhiều yếu tố, như: Quy mô biên chế, tổ chức, quân số, chất lượng quân nhân, số
lượng và chất lượng vũ khí, trang bị, trình độ chiến thuật, chiến dịch, chiến
lược, tài nghệ quân sự của đội ngũ tướng lĩnh… Bất luận một quân đội nào nếu
thiếu một trong các yếu tố trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh chiến đấu của
quân đội.
Kế thừa và
phát triển những luận điểm của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, V.I.Lênin (Vladimir Ilyich
Lenin) tiếp tục làm rõ những quan điểm về chiến tranh và quân đội.
V.I.Lênin khẳng định: “Chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị bằng những biện
pháp khác”[2].
Luận điểm này V.I.Lênin đã phát triển lên một tầm cao mới về bản chất chiến
tranh của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, đồng thời khẳng định sự ra đời của quân đội là
tất yếu. Quân đội không thể đứng ngoài chính trị, “quân đội của nhà nước tư sản
là công cụ vững chắc nhất để duy trì và bảo vệ chế độ cũ, là phương tiện quan
trọng để đạt được các mục tiêu chính trị phi nghĩa”[3].
Vận dụng và
phát triển sáng tạo học thuyết Mác-Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới vào điều
kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra “Chính
cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” khẳng định quan điểm bạo lực cách mạng, tổ
chức, lãnh đạo quân đội công nông để giành và giữ chính quyền. Kể từ khi thành
lập quân đội cho đến nay, Đảng ta luôn coi trọng lãnh đạo chặt chẽ và trực tiếp
quân đội công nông, không phân quyền lãnh đạo cho một giai cấp, một tổ chức, một
đảng phái nào khác. Bên cạnh việc tổ chức ra quân đội, Đảng ta và Chủ tịch Hồ
Chí Minh chú trọng xây dựng bản lĩnh chính trị cho quân đội, coi đó là cơ sở để
xây dựng quân đội cách mạng, bảo đảm cho quân đội luôn là lực lượng chính trị
trung thành và tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Hiện nay, nước
ta đang thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc
tế sâu rộng. Tuy nhiên, tình hình quốc tế, khu vực có những diễn biến phức tạp,
nhiều vấn đề đặt ra như: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, đói
nghèo, khủng bố... đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, các
thế lực thù địch đang dùng mọi thủ đoạn chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng
ta, đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, ra sức
tuyên truyền xuyên tạc học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối,
chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Mục tiêu của chúng là nhằm tách rời
sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, “phi chính trị hóa” quân đội, làm cho
quân đội mất phương hướng chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, niềm tin vào đảng, vào
chế độ, dẫn tới suy yếu, mất sức chiến đấu…
Trước thực trạng
trên, vận dụng học thuyết C.Mác về chiến tranh và quân đội là việc làm hết sức
cần thiết, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, xây dựng nền quốc
phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân
ngày càng vững chắc, đủ sức ngăn chặn mọi âm mưu, hành động phá hoại của các thế
lực thù địch, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa trong thời kỳ mới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét