CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2023

KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH, PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH XUYÊN TẠC RẰNG: “DO ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM LÀ MỘT ĐẢNG DUY NHẤT LÃNH ĐẠO, CẦM QUYỀN, NÊN Ở VIỆT NAM KHÔNG HỀ CÓ DÂN CHỦ THỰC SỰ”

Xem xét từ góc độ lý luận và thực tiễn về mối quan hệ giữa đảng chính trị và dân chủ trong lịch sử, cũng như hiện nay cho thấy, không phải cứ đa đảng là dân chủ và một đảng là mất dân chủ. Dân chủ không đồng nghĩa với đa đảng và thực hiện đa đảng không đồng nghĩa với có dân chủ.

Chúng ta đều biết, dân chủ là phạm trù lịch sử, chế độ (nền) dân chủ chỉ xuất hiện khi có nhà nước và mỗi một nền dân chủ lại gắn với một kiểu nhà nước nhất định, được pháp luật quy định. Chế độ dân chủ còn tùy thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong giai đoạn lịch sử tương ứng. Trên thế giới, các quốc gia không tương đồng về trình độ phát triển kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hóa..., do đó, không thể có một chế độ dân chủ giống nhau. Thậm chí, trong một quốc gia, ở mỗi giai đoạn lịch sử lại có trình độ dân chủ tương ứng. Sự khác biệt này được quy định không chỉ do thể chế chính trị (về số lượng đảng phái), mà còn do những điều kiện kinh tế, văn hóa, lịch sử cụ thể của mỗi quốc gia. Bàn về điều này, C. Mác đã viết: “Quyền không bao giờ có thể ở một mức cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa của xã hội do chế độ kinh tế đó quyết định”.

Trên thực tế, theo thống kê ở các quốc gia, số lượng đảng phái chính trị rất khác nhau; một số nước có rất nhiều đảng chính trị, như Anh có 97 đảng, Tây Ban Nha có 87 đảng, Pháp có 76 đảng,... Nhưng cũng có nhiều nước chỉ có một đảng chính trị, như Cu-ba, Lào, Ga-na, Việt Nam, Hai-i-ti, Môn-na-cô,...; tuy nhiên, số lượng các đảng chính trị không phản ánh mức độ dân chủ, tự do ở từng nước. Xin-ga-po có nhiều đảng, nhưng chỉ có Đảng Hành động Nhân dân (PAP) lãnh đạo cầm quyền. Ở Trung Quốc, ngoài Đảng Cộng sản Trung Quốc, còn có 8 đảng phái khác và các đảng phái này đều thừa nhận Đảng Cộng sản Trung Quốc là đảng duy nhất lãnh đạo đất nước.

Đặc biệt là trường hợp của Mỹ: có khoảng hơn 100 đảng, nhưng chỉ có hai đảng là Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ thay nhau cầm quyền. Thực chất, đây là hai đảng của giai cấp tư sản, có bản chất, lập trường giai cấp và hệ tư tưởng không khác nhau, ngoài một vài chính sách cụ thể. Trong khi tuyên truyền đa nguyên, đa đảng, nhưng ở Mỹ, Đảng Cộng sản Mỹ lại bị hạn chế hoạt động; thậm chí, có những giai đoạn còn bị chính quyền đặt ngoài vòng pháp luật. “Nước Mỹ tự xưng là đa đảng nhưng thực chất chỉ là một đảng, đó là đảng của chủ nghĩa tư bản, dù là đảng Cộng hòa hay Dân chủ, là hai nhưng thực chất lại chỉ là một đảng...”. Nghiên cứu về vấn đề đa đảng và dân chủ ở một số nước phát triển cho thấy, ngoài trường hợp ở các nước Bắc Âu và nước Đức có đặc trưng chính phủ cầm quyền do sự liên minh của các đảng phái (không có sự độc quyền của đảng tư sản), còn lại ở Nhật Bản và Pháp, cầm quyền là sự độc tôn của đảng tư sản, ở Mỹ chủ yếu và thuần túy là đảng tư sản. Hình thức giành quyền lực ở các nước này theo phương thức “chính trường chủ yếu là nghị trường”. Xét về hình thức thì có vẻ rất dân chủ, song về thực chất, chỉ có những đảng lớn mới thắng cử (đảng của giai cấp tư sản được sự hậu thuẫn của các tập đoàn tài phiệt giàu có), các cơ quan lập pháp, hành pháp đều thuộc các đảng tư sản. Do vậy, ở không ít các nước tư bản hiện nay (kể cả Mỹ), xét về thể chế chính trị và số lượng thì đều có mô hình đa đảng, song về quyền lực chính trị vẫn chỉ là nhất nguyên (đảng của giai cấp tư sản nắm quyền lực).

Thực tiễn cho thấy, dù nhiều quốc gia thực hiện đa đảng, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc quyền làm chủ của đa số nhân dân được bảo đảm. Những cuộc lật đổ, tranh giành quyền lực giữa các phe phái chính trị ở một số nước trên thế giới hiện nay làm cho hàng chục triệu người thiệt mạng, hàng chục triệu người khác lâm vào cảnh nghèo đói. Thực chất của đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập chính là sự phân chia, tranh giành quyền lực giữa các lực lượng chính trị trong xã hội, là một hình thức của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa các phe nhóm trong cùng giai cấp để giành và giữ chính quyền, kiểm soát xã hội. Với lý do đó, đa nguyên, đa đảng không bao giờ tiến tới một nền dân chủ đích thực; và hệ quả xã hội điển hình nhất của nó là việc chiếm hữu và hưởng thụ tài nguyên xã hội theo tỷ lệ bất công “99% và 1%”, mà phong trào chiếm lấy phố Wall ở Mỹ những năm trước đây đã phơi bày.

Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - yếu tố bản chất nhất của dân chủ. Hệ thống quyền lực đó vẫn chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn. Một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến phong trào “99 chống lại 1” diễn ra ở Mỹ đầu năm 2011 và nhanh chóng lan rộng ở nhiều nước tư bản. Sự rêu rao bình đẳng về quyền, nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đó đã dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực chất”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Trong đời sống chính trị, một khi quyền lực của đồng tiền chi phối thì quyền lực của nhân dân sẽ bị lấn át. Vì vậy mà tại các nước tư bản phát triển, các cuộc bầu cử được gọi là “tự do”, “dân chủ”, dù có thể thay đổi chính phủ, nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản”.

Cơ chế thực thi quyền lực nhà nước ở nhiều quốc gia tư bản phát triển hiện nay cho thấy, tổng thống hay thủ tướng có quyền phủ quyết các dự luật của quốc hội hoặc thậm chí tuyên bố giải tán quốc hội. Vậy “quyền lực thuộc về nhân dân” thể hiện ở đâu? Ngay cả đối với việc thực hiện phổ thông đầu phiếu - một trong những biểu hiện cao nhất của dân chủ, các nước tư bản cũng phải rất khó khăn trong việc xác lập tư cách cử tri, nhất là đối với phụ nữ. “Ở Anh - năm 1928; Pháp - năm 1944; Italia - năm 1945; Tây Ban Nha - năm 1970; Thụy Sĩ - năm 1971, và ở Mỹ thì phải đợi đến năm 1920, người phụ nữ ở các nước này mới có quyền đi bầu cử”.

Ở một góc độ khác, theo luận điệu của một số kẻ cơ hội chính trị, thù địch thì “cứ đa đảng mới có dân chủ”?! Vậy dân chủ ở Ác-mê-ni-a (có khoảng 40 đảng) liệu có cao hơn dân chủ ở Hà Lan (25 đảng) hay Na Uy (23 đảng)? Hoặc “cứ một đảng là mất dân chủ”?! Vậy ở Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po - những nước có một đảng duy nhất cầm quyền (cho đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX) - lại là những nước mất dân chủ ư?! Hiện nay, trên thế giới có khoảng 30 nước theo chế độ một đảng, trong đó những nước như Việt Nam, Lào, Triều Tiên, Cu-ba là theo chế độ một đảng và do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Như vậy, chế độ một đảng không phải là đặc điểm duy nhất có ở các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, đồng thời không phải các nước theo chế độ một đảng là không có dân chủ.

Những phân tích lý luận và tổng kết thực tiễn ở trên cho chúng ta khẳng định: Luận điệu “một đảng thì mất dân chủ, cản trở sự phát triển, còn đa đảng đồng nghĩa với dân chủ, phát triển” là hoàn toàn sai trái và không dựa trên cơ sở khoa học. Đa đảng không phải là yếu tố bảo đảm dân chủ đích thực, bởi bản chất của dân chủ là “quyền lực thuộc về nhân dân”. Dân chủ được bảo đảm bởi nhiều yếu tố, trong đó có định hướng chính trị của lực lượng cầm quyền, cơ chế quản lý xã hội, trình độ phát triển kinh tế, dân trí, thực hiện quyền làm chủ thực sự của nhân dân. Vì vậy, bất cứ một quốc gia nào, dù đa đảng hay một đảng, mà đảng cầm quyền và nhà nước quan tâm đến việc bảo đảm quyền lực thực tế của nhân dân, nhân dân là chủ thể thực sự của quyền lực, thể hiện qua cương lĩnh, mục tiêu, chương trình hành động, thông qua hệ thống hiến pháp và pháp luật, thì quốc gia đó có dân chủ.

Chúng ta có quyền tự hào rằng, hơn 93 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta, dân tộc ta không chỉ đã hồi sinh, mà còn không ngừng phát triển. Từ một nước thuộc địa, phong kiến nghèo nàn, lạc hậu, không có tên trên bản đồ thế giới, lại bị thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đất nước ta đã vươn lên tiến cùng thời đại, làm rạng danh dân tộc Việt Nam. Với những thành tựu to lớn đã đạt được, cùng sự tin yêu của nhân dân, nhất là với phẩm chất, năng lực, đạo đức và uy tín của Đảng, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn, Ðảng Cộng sản Việt Nam hiện nay và trong tương lai vẫn sẽ là sự lựa chọn duy nhất, nhận được sự ủy thác, niềm tin và tín nhiệm cao nhất của nhân dân và dân tộc. Đây vừa là niềm tự hào, vừa là trọng trách lớn lao của Đảng trước đất nước, trước nhân dân và dân tộc. Đó là điều quan trọng mà không một đảng chính trị nào khác có được. Những bằng chứng đanh thép trên đây đã đập tan tất cả luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị luôn rêu rao về cái gọi là “chế độ một đảng là mất dân chủ”, “một đảng mới dẫn đất nước tới nghèo đói”,...


0 nhận xét: