Ở Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ VI, tổng kết quá trình thực hiện những đổi mới cục bộ, từng
phần theo hướng xóa bỏ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, tạo môi
trường và điều kiện mở rộng các quan hệ thị trường, Đảng ta chủ trương thực hiện
nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần,
có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mà Đại hội IX của
Đảng xác định: “đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Chủ trương đó
đánh dấu bước ngoặt cơ bản trong tư duy và quan niệm của Đảng về chủ nghĩa xã hội
và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Từ đó đến nay, nhận thức của
Đảng ta về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng được bổ
sung, phát triển phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đến Đại hội XIII, Đảng ta xác định:
“Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của
nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường
hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh
tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng
Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu
“dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn
phát triển của đất nước”. Đây là kết quả được rút ra từ quá trình tổng kết thực
tiễn 35 năm đổi mới; đồng thời, là sự kế thừa và phát triển những thành quả lý
luận của 07 kỳ đại hội đã qua; phản ánh tư duy nhất quán và sự phát triển nhận
thức của Đảng ta về vấn đề này ngày càng rõ hơn, đầy đủ hơn. Những thành tựu của
hơn 35 năm đổi mới đất nước đã chứng minh sự đúng đắn của đường lối phát triển
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tuy nhiên, các thế lực
thù địch, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước vẫn ra sức xuyên tạc đường lối
này với nhiều quan điểm sai trái. Có thể nhận diện những quan điểm sai trái đó
dưới hai nhóm vấn đề sau đây:
Một là, họ
cho rằng không có kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; rằng mô hình
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “sự gán ghép chủ quan, duy ý
chí”, là “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, là “đầu Ngô, mình Sở”, v.v. Theo họ, kinh
tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là những yếu tố đối lập, loại trừ
nhau, như “nước với lửa”.
Hai là, họ
cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận phát triển kinh tế thị trường là
“xoay trục sang con đường phát triển tư bản chủ nghĩa”, “gác lại mục tiêu xây dựng
chủ nghĩa xã hội, từ bỏ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin về chủ
nghĩa xã hội”, không khác gì “vỏ đỏ, ruột xanh”.
Những quan điểm
sai trái nói trên đều xuất phát từ sự đồng nhất sai lầm giữa kinh tế thị trường
và chủ nghĩa tư bản, khi quan niệm rằng: “kinh tế thị trường là sản phẩm riêng
của chủ nghĩa tư bản; kinh tế thị trường vận động theo các quy luật của chủ
nghĩa tư bản, không thể dung hòa với định hướng xã hội chủ nghĩa”. Từ đây, họ
đòi Đảng ta phải công khai tuyên bố lựa chọn mô hình kinh tế thị trường tư bản
chủ nghĩa, mà thực chất là đòi Đảng từ bỏ con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội để
đưa đất nước theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa.
Cần khẳng định
ngay rằng, việc các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đồng nhất kinh tế thị
trường với chủ nghĩa tư bản, coi đây là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản là
hoàn toàn sai cả về lý luận và thực tiễn. Trên phương diện lý luận, kinh tế thị
trường là giai đoạn phát triển cao của kinh tế hàng hóa, khi mà đầu vào và đầu
ra của quá trình sản xuất đều được thực hiện thông qua thị trường. Kinh tế thị
trường chỉ là một kiểu tổ chức kinh tế mà xã hội loài người sáng tạo ra, tồn tại
ở nhiều chế độ xã hội khác nhau và được chủ nghĩa tư bản sử dụng làm cơ sở cho
sự tồn tại, vận động, phát triển của mình. Chính sự phát triển của sức sản xuất
đạt đến một trình độ nhất định sẽ làm xuất hiện những điều kiện khách quan cho
kinh tế hàng hóa - điểm khởi đầu của kinh tế thị trường tồn tại. Đó là phân
công lao động xã hội và những hình thức sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất.
Những điều kiện ấy đã xuất hiện trước chủ nghĩa tư bản và vẫn tiếp tục tồn tại
trong chủ nghĩa xã hội, nên việc duy trì và phát triển kinh tế thị trường hiện
nay ở nước ta là đúng với quy luật đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nền sản xuất
nhỏ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, chứ không phải là sự “xoay trục sang con đường
phát triển tư bản chủ nghĩa”. Bởi, kinh tế thị trường là giai đoạn phát triển tất
yếu của quá trình phát triển từ nền sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn. Nói bỏ qua
chế độ tư bản chủ nghĩa là “bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ
nghĩa; bỏ qua những thói hư, tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không
phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu,
giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư
bản”, trong đó có thành tựu về phát triển kinh tế thị trường.
Trên phương
diện thực tiễn, trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga Xô -
viết, V.I. Lênin đã sớm nhận thấy sai lầm khi đồng nhất kinh tế hàng hóa với chủ
nghĩa tư bản, không sử dụng các quan hệ thị trường để thúc đẩy sản xuất và cải
thiện đời sống nhân dân. Người đã đề ra và tổ chức thực hiện “Chính sách kinh tế
mới” (NEP), mà nội dung cơ bản là duy trì và phát triển các quan hệ thị trường
dưới sự quản lý của Nhà nước vô sản. Việc thực hiện chính sách đó đã nhanh
chóng đưa nước Nga thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội trong những
năm 20 của thế kỷ XX; đồng thời, khẳng định tính hiện thực của mô hình kinh tế
chứa đựng sự dung hợp giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội. Lý luận về
phát triển kinh tế hàng hóa thời kỳ thực hiện NEP là một cống hiến xuất sắc của
V.I. Lênin trong phát triển chủ nghĩa Mác về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội
ở các nước có nền kinh tế còn kém phát triển. Khai thác những di sản đó, từ những
năm cuối thập niên 70 và 80 của thế kỷ XX, Trung Quốc và Việt Nam đã căn cứ vào
thực tiễn của nước mình, tiến hành “cải cách”, “đổi mới” theo hướng duy trì và
phát triển kinh tế thị trường, đem lại những kết quả tích cực, cho phép hiện thực
hóa từng bước các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước.
Đối với nước
ta, việc tổ chức thực hiện đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa hơn 35 năm qua đã đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch
sử. Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển, trở thành nước đang
phát triển có mức thu nhập trung bình. Quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước
không ngừng tăng lên, từ chỗ chỉ đạt 6,3 tỉ USD vào năm 1989, thì đến năm 2022
đã đạt 409 tỉ USD, đứng thứ 37 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đứng thứ năm
trong ASEAN và trong nhóm 14 nước hàng đầu châu Á. Đời sống nhân dân cả về vật
chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người trong những
năm đầu đổi mới chỉ khoảng 250 USD/năm, thì đến năm 2022 đã đạt 4.110 USD, đứng
thứ năm trong ASEAN. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 58% năm 1993 xuống dưới 03%
năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều, được Liên hợp quốc xếp là một trong những
nước đứng đầu trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ. Văn hóa - xã hội có bước
phát triển tích cực; dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng mở rộng. Các vấn đề an
sinh xã hội luôn được chăm lo, ngay cả lúc nền kinh tế gặp khó khăn do tác động
của suy thoái kinh tế thế giới, hay của đại dịch Covid-19, trở thành một trong
những điểm sáng của Việt Nam được quốc tế ghi nhận. Chính trị - xã hội ổn định;
quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn
lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng
mở rộng và đi vào chiều sâu. Nền kinh tế quốc gia hội nhập ngày càng sâu rộng
vào thị trường quốc tế với nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng
với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường thế giới. Việc trở thành thành viên
của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thành viên của hơn 500 hiệp định song
phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 17 hiệp định thương mại tự
do (FTA) thế hệ mới với những cam kết rất cao về tự do hóa thương mại và phát
triển bền vững (liên quan đến lao động và bảo vệ môi trường), đã chứng tỏ nền
kinh tế Việt Nam ngày càng thích ứng với các điều kiện của nền kinh tế thị trường
hiện đại, hội nhập quốc tế; đồng thời, đưa nước ta trở thành nền kinh tế có độ
mở cao - tới 200% GDP. Điều đó được thể hiện bằng các con số ấn tượng, nếu tổng
kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân giai đoạn từ năm 1986 đến năm 2005 mới đạt
20,7 tỉ USD/năm, thì riêng năm 2022 đã đạt 732,5 tỉ USD; cán cân thương mại
hàng hóa đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu 07 năm liên tục kể từ năm 2016,
riêng năm 2022 xuất siêu đạt 11,2 tỉ USD. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam
(do Công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - Brand Finance công
bố) liên tục tăng trưởng với tốc độ nhanh. Nếu năm 2019, giá trị đó là 274 tỉ
USD, thì năm 2022 đã đạt 431 tỉ USD, được xem là quốc gia có tốc độ tăng trưởng
giá trị nhanh nhất thế giới (tăng 74%) trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm
2022.
Thực tiễn đó
đã chứng minh rõ những lợi ích mà sự phát triển kinh tế thị trường đem lại phù
hợp với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Nó không đối lập với
các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, mà ngược
lại, còn thúc đẩy việc thực hiện những nhiệm vụ đó hiệu quả hơn. Tuy nhiên, chúng
ta không chọn phát triển kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, mà chọn phát triển
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. “Đó là một kiểu kinh tế thị trường
mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa
tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn
dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện
trên cả ba mặt: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối.
Phát triển
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản
và sáng tạo của Đảng ta. Việc thực hiện thành công đường lối đó sẽ góp phần bổ
sung, phát triển lý luận Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội và con đường xây dựng
chủ nghĩa xã hội ở những nước có nền kinh tế còn kém phát triển; đồng thời, là
minh chứng sinh động bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, phá hoại của các thế lực
thù địch.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét