CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2023

NỖI ĐAU CỦA LỊCH SỬ

 


Bốn bức tượng mà các bạn nhìn thấy trong hình là những quốc bảo của chế tác, điêu khắc trong lịch sử phong kiến Việt Nam, từ trái sang bao gồm tượng Bồ Tát Quan Thế  Âm - Bồ Tát Quan Thế Âm Tọa Sơn - Thiền sư Thuyên Anh - Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay. Ngoài các bức tượng này ra, còn hơn 5000 cổ vật Việt Nam khác lưu lạc ở trong các bảo tàng tại Pháp. Nỗi đau ở đây là gì? Là phần lớn các cổ vật được thực dân Pháp cướp bóc trong các cuộc xâm lược Việt Nam, nhiều cổ vật bị cưỡng chế từ chùa chiền, đền đài, mang sang “mẫu quốc”, được trưng bày trong lồng kính sang trọng như là chứng nhân của những năm tháng đô hộ đầy “huy hoàng”.

Cách đây nhiều năm tại Trung Quốc, một bức tượng Phật giáo Nam Tông được một đại gia không tiết lộ danh tính đấu giá thành công rồi mang về trưng bày tại một bảo tàng Phật giáo. Khi ấy, cư dân mạng Trung Quốc cho rằng đây là một nỗi nhục, một nỗi đau, một sự mất mát to lớn trong những năm tháng bị xâu xé, thuộc địa. Đó những cổ vật của người Trung Quốc và giờ đây, người Trung Quốc lại phải bỏ ra một số tiền rất lớn cho chính những gì tổ tiên của họ đã từng tạo ra… Đó không phải chỉ là ăn cướp, đó là xâm lược lược văn hóa.

Mới năm ngoái tại Hàn Quốc, Trung tâm Văn hóa Đại học Quốc gia Seoul đã lên án không hề nhẹ một sự kiện trưng bày các cổ vật Hàn Quốc bị Pháp ăn cắp, cướp bóc… trong suốt những năm tháng mà Pháp tấn công lấy danh nghĩa “thám hiểm” bán đảo Triều Tiên. Nhiều lần liền trong những năm qua, chính quyền Hàn Quốc yêu cầu Pháp trao trả các bảo vật Hàn Quốc, nhưng vẫn rất khó và thường thì phía Hàn Quốc phải mua lại với một mức giá không rẻ. Thậm chí, người Pháp còn bán các cổ vật giá trị cao có đính kèm thêm các cổ vật có giá trị thấp hơn như là một nước đi “ngoại giao”... Một nhóm nhà khoa học Hàn Quốc đã từng kiện Chính phủ Pháp, đòi lại cổ vật, nhưng Tòa án Pháp khẳng định rằng “đó là tài sản quốc gia của Pháp, không phải của Hàn Quốc”.

Mới đây, có một du học sinh đăng tải bài viết rằng việc mà bạn ấy cảm thấy nhức nhối nhất là khi đi đến những bảo tàng ở Pháp có đầy những cổ vật Việt Nam. Thậm chí, những cổ vật được nhân viên giới thiệu như là những thành quả mà người Pháp xứng đáng có được sau khi đã “khai hóa văn minh” và “giúp đỡ” người dân An Nam…

Các bạn đã bao giờ từng thắc mắc rằng tại sao các bảo tàng của Việt Nam lại ở trong tình trạng thưa thớt các cổ vật hay không? Hoặc trong các sách giáo khoa lịch sử, phần văn hóa - kiến trúc - điêu khắc, nói chung là nghệ thuật, lại được ghi khá chung chung, mơ hồ hay không? Ngoài việc có những đứt gãy về lịch sử, chiến tranh liên miên, sự tàn phá của thời gian…. thì còn một lý do khác, đó là chúng ta đã bị ăn cắp, bị cướp bóc. Không phải chỉ Việt Nam, mà đây là nỗi đau của của phần lớn châu Á nói chung.

Một nỗi đau đã khiến cho chúng ta và thế hệ con cháu sau này chỉ có thể nhìn ngắm những thứ mà tổ tiên chúng ta đã tạo ra qua màn hình hoặc phải bỏ một số tiền rất lớn để mà sang tận nơi, nhìn tận chỗ. Và nỗi đau này sẽ còn tồn tại rất lâu nữa, thậm chí chẳng bao giờ chấm dứt được.

0 nhận xét: