Cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, tình hình khu vực Đông
Nam Á có những diễn biến phức tạp đặc biệt là những cuộc chiến tranh, xung đột
liên quan đến vấn đề dân tộc và tôn giáo đã khiến nhiều quốc gia ở khu vực này
lâm vào tình trạng bất ổn chính trị - xã hội trầm trọng. Việc chỉ ra nguyên
nhân của tình hình trên ở một số quốc gia là rất quan trọng để Đảng và Nhà nước
Việt Nam rút ra những bài học kinh nghiệm, đồng thời ban hành những chính sách
phù hợp để giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo, góp phần tạo ra sự đoàn kết, ổn
định chính trị - xã hội trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước hiện nay.
Đông Nam Á là một tiểu vùng của châu Á, có tất cả 11
quốc gia: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Singapore,
Indonesia, Brunei, Philippines và Đông Timor với sự đa dạng về tôn giáo, văn
hóa và lịch sử. Chính những đặc điểm như đa dạng dân tộc, tôn giáo và văn hoá,
sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội là cơ sở tiềm ẩn dẫn đến
các xung đột khác nhau liên quan đến sắc tộc và tôn giáo diễn ra ở một số nước
Đông Nam Á.
Việt Nam là một quốc gia có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo
cùng tồn tại lâu đời trong lịch sử của dân tộc. Nhìn chung: “Tình hình tôn giáo
ổn định; đa số chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo yên tâm, tin tưởng vào sự
lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, góp phần đấu tranh,
phản bác luận điệu xuyên tạc, vu cáo chính quyền vi phạm nhân quyền, tự do tôn
giáo”, tuy nhiên, vấn đề dân tộc và tôn giáo luôn chịu tác động từ các nhân
tố bên trong và bên ngoài, có mối quan
hệ xuyên quốc gia và khu vực trong bối cảnh toàn cầu hóa. Chính sách dân tộc,
tôn giáo ở Việt Nam đã thu được những thành tựu to lớn nhưng do thực tiễn quy
định, không ít vấn đề đang đặt ra đòi hỏi phải có những quyết sách mới. Trên cơ
sở tìm hiểu đặc điểm của mỗi quốc gia, nguyên nhân nào đưa đến tình trạng xung
đột dân tộc, sắc tộc ở quốc gia đó là yếu tố quan trọng giúp Đảng và Nhà nước
rút ra những bài học kinh ng- hiệm quý giá trong việc hoạch định và thực thi
chính sách dân tộc, tôn giáo ở nước ta.
Vấn đề xung đột dân tộc, tôn giáo ở một số quốc gia
Đông Nam Á
Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, một loạt các quốc gia
ở Đông Nam Á cũng phải đối mặt với những cuộc xung đột dân tộc, sắc tộc làm
cho tình hình chính trị, xã hội ở các quốc gia đó trở nên vô cùng căng thẳng và
mất ổn định. Inđônêsia là quốc gia có thành phần tộc người đa dạng và phức tạp
nhất trên thế giới với khoảng gần 400 tộc người lớn, nhỏ. Cùng với sự đa dạng
về tộc người, ở Inđônesia, cũng rất
nhiều tôn giáo đã và đang cùng tồn tại như Công giáo, Islam giáo, Phật giáo,
Tin Lành... trong đó khoảng 87% dân số theo Islam giáo và tôn giáo này ngày
càng chiếm ưu thế trong đời sống của nhiều dân tộc thiểu số. Sự xung đột tôn
giáo và sắc tộc, đấu tranh ly khai dân tộc ở Đông Timo, Malacu, Giaya và nhất
là xung đột, ly khai dân tộc ở Aceh đã
diễn ra và kéo dài nhiều thập kỷ ở Inđônesia, cho đến nay vẫn chưa chấm dứt.
Chỉ trong hơn 2 năm từ 1999-2000, các cuộc xung đột tôn giáo giữa người Hồi
giáo và người Chính thống giáo ở Malacu, Inđônesia đã làm thiệt mạng hơn 4000
người, nhiều ngôi nhà bị phá hủy và hàng nghìn người phải rời bỏ quê hương đi
lánh nạn. Myanma cũng là một quốc gia đa dân tộc và phức tạp về các thành phần
tộc người trong đó người Miến là dân tộc đông nhất, thống trị đất nước, chiếm
khoảng 68% dân số. Phật giáo là tôn giáo chiếm ưu thế ở quốc gia này, bên cạnh
đó còn có Công giáo, Do thái giáo, Đa thần giáo... Islam giáo tại Myanmar chiếm
3,9% số dân và chủ yếu tập trung ở các quận Manungdau, Buthidaung và Rathedaung
bang Rakhine.
Từ nhiều năm
nay, những khu vực này vẫn thường xảy ra xung đột quyết liệt giữa các giáo phái
với nhau đặc biệt là tín đồ Islam giáo dòng Rohingya với tín đồ Công giáo và
Phật giáo. Năm 2016, xung đột bạo lực giữa chính quyền Myanma và cộng đồng hơn
một triệu người theo đạo Hồi giáo – Rohingya (sống tại bang Rakhine đến giờ đa
số vẫn chưa có quốc tịch) ngày càng leo thang, xuất hiện phong trào 969 - do
những nhà sư cực đoan đứng đầu tạo thành làn sóng đòi tảy chay người Hồi giáo ở
Myanma. Thái Lan cũng là quốc gia đa dạng thành phần dân tộc ở Đông Nam Á. Trên
90% người Thái theo Phật giáo, 5% dân số theo Islam giáo, còn lại là một số tôn
giáo khác. Người Islam giáo đa số thuộc sắc tộc Malayu gốc Malai sống tập
trung chủ yếu ở các tỉnh miền nam Thái Lan. Đầu năm 2004, việc bùng phát lại
các phong trào ly khai của người Islam giáo ở miền Nam làm cho nơi đây trở
thành điểm nóng về xung đột dân tộc – tôn giáo ở khu vực Đông Nam Á. Nhiều nhóm
ly khai hoạt động ở khu vực miền Nam Thái lan đặc biệt là các tỉnh Pattani,
Yala, và Narathiwat đều có xu hướng phát triển thành các tổ chức tội phạm. Philipin
là quốc gia có sự đa dạng về dân tộc và tôn giáo với hơn 90 nhóm địa phương
thuộc nhiều tộc người khác nhau. Mỗi nhóm có ngôn ngữ hay thổ ngữ riêng.
Khoảng 85% cư dân theo Công giáo, 5% theo Islam giáo và các tôn giáo khác. Công
giáo được coi là quốc giáo còn Islam giáo có vị trí thấp kém trong xã hội. Các
nhóm cư dân gồm: người Vixaia, Tagal, Ilok, Bikola... có dân số hơn triệu
người, tạo thành nhóm cư dân đồng bằng và theo Công giáo. Nhóm Mindanao,
Lannao, Iphugao, Moro... có số dân vài trăm nghìn người sinh sống vùng núi hoặc
đảo nhỏ. Còn cộng đồng người Muslim là dân tộc thiểu số cả về số lượng tín đồ
và về sắc tộc. Các nhóm hoặc tộc người trên có sự khác nhau về kinh tế, chính
trị, xã hội và điều kiện sống. Trong nhóm các tộc người thiểu số, người Moro là
tộc người có số lượng gần như là nhỏ nhất nhưng luôn thể hiện ý thức sắc tộc
mạnh mẽ, khu biệt với các dân tộc khác trong quá trình đấu tranh để tồn tại.
Vào nửa cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, xung đột dân
tộc, tôn giáo, ly khai dân tộc và cao hơn là khủng bố diễn ra liên tục. Cuộc
xung đột tộc người, tôn giáo kéo dài nhất trong lịch sử Philipin đã xảy ra ở
miền Nam là phong trào đòi ly khai của người Moro. Các cuộc nổi dậy bạo lực
của phe ly khai Hồi giáo ở Mindanao đã khiến khoảng 100.000 người thiệt mạng.
Hiện nay, xung đột dân tộc, tôn giáo ở một số quốc gia
nêu trên tạm thời lắng xuống, song nguy cơ bùng nổ vẫn còn âm ỉ, hiện hữu bởi
chính sách dân tộc, tôn giáo của một số quốc gia chưa được quan tâm đúng mức và
các phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan mưu toan muốn ly khai.
Nguyên nhân và bài học kinh ng- hiệm cho Việt Nam
Những mâu thuẫn, xung đột liên quan đến vấn đề dân
tộc, tôn giáo ở một số nước Đông Nam Á bắt nguồn từ một số nguyên nhân chủ yếu
sau:
Thứ nhất: Sự trỗi dậy của ý thức dân tộc, chủ nghĩa
cực đoan, bao gồm chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan; xu
hướng phân ly, bạo lực khi giải quyết các vấn đề trong quan hệ dân tộc, tôn
giáo là nguyên nhân quan trọng.
Sự trỗi dậy của ý thức dân tộc là một trong những
nguyên nhân làm xuất hiện phong trào ly khai đòi tự trị ở một số quốc gia kể
trên. Xu hướng phân ly tộc người bị đẩy thành phong trào ly khai, gây mâu
thuẫn, xung đột đa dạng trên mọi lĩnh vực bằng nhiều phương thức vũ trang, điển
hình như phong trào đấu tranh của người Moro ở Mindanao, Philipin; phong trào
đấu tranh đòi ly khai dân tộc ở Đông Timo, Maluku, Giaya và nhất là xung đột ly
khai dân tộc ở Aceh đã diễn ra và keo dài nhiều thập niên ở In đônêsia.
Thứ hai: những nguyên nhân nhìn từ góc độ lịch sử, bản
sắc dân tộc, tôn giáo
Đứng dưới góc độ lịch sử, có những mâu thuẫn, xung đột
được tích tụ từ rất lâu, hàng thập kỉ hoặc còn có thể là những hận thù từ xa
xưa để lại, chẳng hạn, xung đột dân tộc và tôn giáo ở Maluku, Inđônêsia. Trong
lịch sử, đạo Công giáo xuất hiện ở đây rất sớm, hơn 200 năm thống trị của thực
dân Hà Lan, người theo Công giáo luôn nhận được sự bảo hộ, ưu đãi của chính
phủ, vì vậy, đối với người theo Islam giáo, người Maluku theo Công giáo là tay
sai của thực dân Hà Lan. Mâu thuẫn giữa người theo Công giáo và Islam giáo ở
Maluku được hình thành trên cơ sở đó.
Tôn giáo tạo nên bản sắc, văn hóa tộc người, vừa có
vai trò cố kết cộng đồng, vừa làm gia tăng khoảng cách và khác biệt chính trị -
xã hội giữa những cư dân theo các tôn giáo khác nhau. Một bộ phận tộc người
thiểu số cả về sắc tộc, tôn giáo và cả văn hóa trong một quốc gia mà đa số
người theo một tôn giáo khác và nắm quyền cai trị, do vậy họ đấu tranh, không
chịu sự thống trị của chính quyền, đòi ly khai cũng là nguyên nhân gây lên
những cuộc xung đột. Điển hình với trường hợp của người Islam giáo ở miền Nam
Thái Lan. Về mặt lịch sử - văn hóa, người Islam giáo ở miền Nam Thái Lan vẫn
luôn khẳng định họ là người gốc Malai và không chấp nhận “Thái hóa”. Mặt khác,
đạo Islam đã tạo nên bản sắc tộc người, vừa có vai trò cố kết cộng đồng, vừa
làm tăng khoảng cách và sự khác biệt chính trị - xã hội giữa cư dân theo đạo
Islam gốc Malai với cộng đồng người theo đạo Phật ở miền Nam Thái Lan nói
riêng, ở Thái Lan nói chung. Việc Thái Lan gọi người Islam giáo ở miền Nam là
Khaek (khách, dân ngụ cư) càng làm họ cảm thấy bị miệt thị, phân biệt đối xử
với các dân tộc khác. Ở một số quốc gia khác cũng xảy ra tình trạng tương tự
như người Phật giáo với người Islam giáo ở Myanma; người Islam giáo với người
Công giáo ở Phillipin và Inđônêsia.
Thứ tư: những nguyên nhân xuất phát từ chính sách dân
tộc, tôn giáo của mỗi quốc gia
Những bất cập trong chính sách và thực hiện chính sách
dân tộc, tôn giáo, sự quan tâm thiếu hợp lý đến kinh tế, văn hóa riêng của
những dân tộc ít người là nguyên nhân quan trọng gây nên xung đột ở nhiều quốc
gia.
Luật Quốc tịch Myanmar năm 1982 quy định chỉ những
thành viên của các nhóm dân tộc sống ở Myanmar trước năm 1823 mới là công dân
của nước này. Điều khoản này coi như tước quốc tịch của hàng trăm nghìn cư dân
Myanmar và thành viên của một số nhóm thiểu số, đặc biệt là người Rohingya.
Ở Thái Lan, việc dựa vào Phật giáo, coi Phật giáo là
quốc giáo và khai thác những giá trị của Phật giáo và phát triển đất nước đã
đem lại những lợi ích nhất định cho Thái Lan song chính điều đó đã đặt ra thách
thức trong giải quyết vấn đề dân tộc tôn giáo với ổn định xã hội và phát triển
bền vững đó là: sự ưu tiên Phật giáo khiến các tôn giáo nhóm nhỏ cho rằng họ bị
kỳ thị. Một số vụ bạo loạn do các phần tư ly khai gây nên, cướp đi hàng ngàn
sinh mệnh tại một số tỉnh miền Nam Thái Lan. Mặt khác, tình trạng bất bình
đẳng về kinh tế - xã hội như: bất bình
đẳng trong thu nhập, sự phát triển không đồng đều giữa thành thị và nông thôn,
vấn đề nghèo đói... chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây chia rẽ xã
hội Thái Lan.
Xung đột dân tộc, tôn giáo ở Inđônêsia xảy ra do nhiêu
nguyên nhân trong đó có những vấn đề được xem là cơ bản nhất: chính sách của
Nhà nước đối với các dân tộc thiểu số và sự bất bình đẳng về kinh tế, chính
trị, xã hội, văn hóa giữa các dân tộc ở Inđônêsia. Chính sách không công bằng
trong phân phối lợi ích kinh tế giữa các tộc người, giữa địa phương với nhà
nước trung ương là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự xung đột sắc tộc ở
Inđônêsia. Chính sách không thừa nhận Islam giáo là quốc giáo đồng thời buộc
công dân phải có một tôn giáo mà tôn giáo đó phải thuộc một trong sáu tôn giáo
được nhà nước công nhận (ban hành năm 1946). Các tôn giáo hiện diện ở Inđônêsia
không được thừa nhận thì phải chịu sự kì thị của bộ máy quyền lực. Từ sự bất
bình đẳng của chính sách tôn giáo đã dẫn đến xung đột giữa tôn giáo với Nhà
nước, giữa các tộc người, là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến
phong trào ly khai bùng nổ ở quốc gia này.
Từ những nguyên nhân gây nên xung đột dân tộc, tôn
giáo ở một số quốc gia Đông Nam Á có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho
Việt Nam như sau:
Thứ nhất: Giải quyết tốt vấn đề dân tộc, tôn giáo, mối
quan hệ giữa dân tộc và tôn giáo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và
đoàn kết tôn giáo phải được coi là vấn đề chiến lược, lâu dài và cấp bách vì sự
nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội Tôn giáo và dân tộc có mối quan hệ khăng khít,
tác động hai chiều, những vấn đề nảy sinh từ mối quan hệ này nếu không được
giải quyết một cách thỏa đáng sẽ dẫn tới nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã
hội, dễ tạo cớ cho các thế lực chính trị bên ngoài can thiệp vào công việc nội
bộ của đất nước. Mặt khác, để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thì phải
đoàn kết được toàn dân, trong đó có vai trò rất quan trọng của đồng bào tôn
giáo.
Muốn giải quyết tốt vấn đề tôn giáo, quan hệ dân tộc –
tôn giáo ở Việt Nam, trước hết cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về
tín ngưỡng tôn giáo, về dân tộc; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt
đẹp của các tôn giáo; tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo
hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy
định của pháp luật đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh chống
các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề tôn giáo, quan hệ dân tộc, tôn
giáo nhằm kích động quần chúng chống phá sự nghiệp cách mạng.
Thứ hai: phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nâng cao
đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào tôn
giáo.
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào tôn giáo
ở Việt Nam, chính sách dân tộc, tôn giáo trong những thập kỉ qua đã có những
thành tựu to lớn và quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, tuy nhiên, bên cạnh
đó cũng còn nhiều vấn đề bất cập cần phải giải quyết. Đáng chú ý là sự phân hóa
xã hội và chênh lệch phát triển giữa các tộc người, giữa đô thị và nông thôn,
vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội
nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số và đồng
bào tôn giáo là nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng hàng đầu nhằm đảm bảo bình đẳng
và công bằng về lợi ích và cơ hội giữa các tộc người.
Muốn làm được điều đó trước hết phải đảm bảo sự phát
triển, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhất là khu
vực đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn và đồng bào có đạo,
hạn chế tối đa hiện tượng tái nghèo vì đây là lực đẩy, tạo nên sự ly tâm rất
lớn và dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng. Thứ ba: tăng cường công tác đối
ngoại, đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, góp phần
bảo đảm ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị ở nước ta.
Vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền trong quan hệ
quốc tế không chỉ đơn thuần là việc thực thi nghĩa vụ pháp lý quốc tế, mà còn
là biểu hiện trực tiếp của cuộc đấu tranh về ý thức hệ, về quan điểm giá trị
đạo đức, văn hóa và truyền thống, giữa các quốc gia và nền văn hóa. Nhiều tôn
giáo ở nước ta có quan hệ quốc tế rộng rãi với các tổ chức tôn giáo ở khu vực
và trên thế giới. Những diễn biến phức tạp về tình hình tôn giáo trên thế giới
đã và đang đe dọa trực tiếp tới sự ổn định chính trị và chế độ của nhiều nước,
nhất là những quốc gia lựa chọn con đường phát triển theo lý tưởng cộng sản và
xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam. Do đó, chủ động, tích cực đấu tranh
ngoại giao trong các vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền không chỉ góp phần
nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, mặt khác là cơ hội để tăng cường hợp tác
giữa các cơ quan trong nước và quốc tế nhằm chia sẻ tri thức, kinh nghiệm về
dân tộc, tôn giáo, chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống lại những quan điểm
lệch lạc, phiến diện nhằm vu cáo, xuyên tạc về tình hình dân tộc, tôn giáo ở
Việt Nam hiện nay.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét