CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 9 tháng 11, 2023

KBS - CHẾ ĐỘ MỘT ĐẢNG CẦM QUYỀN KHÔNG PHẢI NGUYÊN NHÂN CỦA THAM NHŨNG

 

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tại Việt Nam những năm gần đây đã đạt kết quả quan trọng, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc trong xây dựng hệ thống chính trị, môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh, củng cố được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ, được quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, thế lực thù địch, phản động thời gian qua vẫn cố gieo rắc quan điểm sai trái cho rằng: Chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tham nhũng; tham nhũng là thuộc về bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chỉ khi nào ở Việt Nam bỏ chế độ độc đảng lãnh đạo, thực hiện chế độ đa đảng thì nạn tham nhũng mới được dẹp bỏ.

Vậy tại sao có thể khẳng định quan điểm nói trên là sai trái?

Chế độ đa đảng không phải là phép màu để chống tham nhũng

Trước hết, tham nhũng là căn bệnh do quyền lực nhà nước bị thao túng, tha hóa gây ra. Có nhà nước là có nguy cơ sinh ra căn bệnh tham nhũng, không phân biệt nhà nước đó là xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa, đi theo thể chế chính trị đa đảng hay một đảng. Chỉ khi quyền lực được kiểm soát chặt chẽ với cơ chế quản lý, phòng ngừa đồng bộ, ngày càng hoàn thiện thì quyền lực sẽ không thể bị lạm dụng, tình trạng tham nhũng sẽ được kiểm soát và hạn chế tối đa. Như vậy, chế độ một đảng lãnh đạo cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tệ nạn tham nhũng và cũng không phải là không thể chống được tham nhũng.

Thực tế là, ở các quốc gia thực hiện chế độ đa đảng, tham nhũng vẫn cứ hoành hành. Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022, do Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) vừa công bố đầu năm 2023 cho thấy, trên thế giới không có quốc gia nào không có tham nhũng, không nhà nước nào là hoàn toàn minh bạch, trong sạch. TI sử dụng thang điểm từ 0 đến 100 để phản ánh quan điểm của các chuyên gia và giới kinh doanh đánh giá về tình trạng minh bạch và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng của mỗi quốc gia, trong đó điểm số 0 là rất tham nhũng và điểm số 100 là rất trong sạch. Quốc gia có điểm số cao nhất thế giới trong bảng xếp hạng này là Đan Mạch với số điểm 90, Phần Lan và New Zealand cùng đứng thứ hai với số điểm 87. Cũng trong bảng xếp hạng này, Nhật Bản và Vương quốc Anh cùng xếp thứ 18 với số điểm là 73, Hoa Kỳ xếp thứ 24 với số điểm là 69, Hàn Quốc xếp thứ 31 với số điểm là 63. Như vậy, từ báo cáo trên thì các quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng về phòng, chống tham nhũng vẫn không hoàn toàn trong sạch và minh bạch. Những quốc gia luôn tự đề cao như một hình mẫu về dân chủ và tinh thần chống tham nhũng thì vẫn có chỉ số chống tham nhũng khá khiêm tốn.

Nếu ai đó cho rằng, thực hiện chế độ đa đảng sẽ tạo ra phép màu để triệt tiêu được tham nhũng là hoàn toàn sai lầm. Việt Nam chúng ta đứng thứ 80 trong bảng xếp hạng 180 quốc gia, vùng lãnh thổ về chỉ số CPI. Như thế, có 100 quốc gia, vùng lãnh thổ xếp dưới chúng ta trong bảng xếp hạng này. Mà trong đó, đại đa số quốc gia này theo chế độ đa đảng. Vậy tại sao các quốc gia, vùng lãnh thổ có hệ thống chính trị đa đảng phái vẫn có hiệu quả phòng, chống tham nhũng kém Việt Nam?

Như thế có thể thấy hiệu quả phòng, chống tham nhũng không phụ thuộc vào chế độ một đảng lãnh đạo hay chế độ đa đảng mà phụ thuộc vào chất lượng của hệ thống pháp luật, năng lực quản trị của Nhà nước và phẩm chất của cán bộ, công chức. Sẽ thật ngây thơ khi ai đó tin rằng, cứ có đa đảng thì sẽ có sự kiểm soát quyền lực tốt hơn, dẫn tới triệt tiêu tham nhũng. Tại những quốc gia đa đảng phái thì vẫn luôn có sự thỏa thuận quyền lực của các đảng phái đại diện cho giai cấp thống trị xã hội. Dù có bao nhiêu cuộc bầu cử thì quyền lực nhà nước vẫn không thoát khỏi sự thống trị của các đảng phái này. Vì thế, tại các quốc gia đó, nguy cơ và thực tế tham nhũng vẫn luôn là thách thức hiện hữu.

Đảng ta đủ năng lực lãnh đạo để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thế còn tại Việt Nam, một quốc gia do một đảng lãnh đạo là Đảng Cộng sản Việt Nam thì sao? Thực tế cho thấy, bản chất cách mạng, tính tiền phong và năng lực lãnh đạo, tổ chức thực tiễn là nhân tố cơ bản quyết định, bảo đảm Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ khả năng để chống tham nhũng hiệu quả.

Theo báo cáo của TI, trong lúc tình hình không được cải thiện hoặc tồi tệ hơn ở 86% các quốc gia trong bảng xếp hạng thì chỉ số CPI của Việt Nam liên tục được cải thiện. Việt Nam là một trong những quốc gia có tiến bộ nổi trội, với 42 điểm, tăng tới 9 điểm kể từ năm 2018.

Đó là kết quả của cả một quá trình PCTNTC rất quyết liệt do Đảng ta lãnh đạo. Với nhận thức, tham nhũng là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, Đảng ta xác định đấu tranh PCTNTC là một việc làm cần thết, tất yếu, hợp lòng dân và xu thế phát triển của nhân loại. Vì vậy, tiếp nối kết quả từ những nhiệm kỳ trước, Đại hội XIII của Đảng đề ra phương châm: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”.   

Dấu ấn nổi bật là việc Bộ Chính trị quyết định bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để chỉ đạo cả công tác phòng, chống tiêu cực. Từ đây, cuộc đấu tranh PCTNTC bước sang giai đoạn mới, đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ hơn giữa “xây” và “chống”, giữa PCTNTC với xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ngay sau đó, Ban chỉ đạo đã quyết định đưa một số vụ việc tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo, qua đó, các cơ quan chức năng đã làm rõ, xử lý nghiêm hành vi tiêu cực của nhiều cán bộ, đảng viên.

Công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh. Các cơ quan chức năng đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra trên diện rộng, trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, vi phạm có tính hệ thống, có tổ chức, cả trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra hơn 7.800 vụ án, hơn 15.200 bị can về tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á đến nay đã khởi tố 30 vụ án, 109 bị can (trong đó 25 địa phương đã khởi tố 28 vụ án, 71 bị can); vụ án xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm đã khởi tố 80 vụ án, 613 bị can tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 98 trung tâm và chi cục đăng kiểm; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã khởi tố 54 bị can... 

Qua xử lý các sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực đã xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu trong việc để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách theo đúng nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý. Các địa phương đã bố trí công tác và thực hiện chính sách đối với 22 trường hợp cán bộ sau khi bị kỷ luật. Đảng ta đã “nói đi đôi với làm”, chống tham nhũng, tiêu cực đã “tắm từ trên đầu xuống”, không phải chỉ “tắm từ vai xuống” như có ý kiến băn khoăn, lo lắng thời gian trước.

Trước đây, trong một số vụ án tham nhũng, tiêu cực, việc điều tra, xử lý gặp khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ do có một số đối tượng liên quan bỏ trốn. Tuy nhiên, vừa qua, các cơ quan chức năng đã điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt, tuyên án xử phạt tù đối với cả những đối tượng đang bỏ trốn, như trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC). Điều này sẽ tạo tiền đề để xử lý nhiều đối tượng bỏ trốn ở một số vụ án khác, là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe, dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.

Tham nhũng chính sách là vấn đề nan giải với mọi quốc gia. Thời gian qua, Đảng ta đã chỉ đạo việc quan tâm phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay từ khâu tham mưu, ban hành chính sách. Ban chỉ đạo Trung ương về PCTNTC đã chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.

Việc kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong hoạt động của chính các cơ quan có chức năng PCTNTC được đẩy mạnh. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật hơn 300 cán bộ, công chức trong các cơ quan PCTNTC có sai phạm; nhiều trường hợp trong số đó bị xử lý hình sự. Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã khởi tố, điều tra hơn 40 vụ án tham nhũng, chức vụ, tiêu cực xảy ra trong hoạt động tư pháp. Đặc biệt là, đã xử lý kỷ luật đối với 3 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã khởi tố, điều tra 2 thiếu tướng công an, 15 cán bộ thanh tra, giám sát của các cơ quan: Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, chánh thanh tra tỉnh...

Cùng với đó, để khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, sự ra đời của ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC chính là nhân tố mới giúp công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở có sự chuyển biến tích cực. 

Như thế, có thể khẳng định luận điểm cho rằng “tham nhũng là căn bệnh kinh niên của chế độ xã hội chủ nghĩa, của chế độ một đảng cầm quyền” và “chế độ một đảng không chống được tham nhũng” là hoàn toàn sai cả về lý luận và thực tiễn. Tham nhũng gắn với cá nhân có quyền lực và tham nhũng tồn tại ở mọi chế độ có nhà nước vì nó luôn gắn với nhà nước và quyền lực. Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân nên xét về bản chất, không có cơ sở sinh ra tham nhũng. Tham nhũng, tiêu cực về bản chất là tàn dư của chế độ cũ, xã hội cũ, con người cũ. Chỉ những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, nhưng thiếu tu dưỡng, rèn luyện mới sa vào chủ nghĩa cá nhân, thoái hóa, biến chất, rồi việc thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát của tổ chức, của nhân dân mới dễ làm phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Hiệu quả của việc PCTNTC đến đâu là do sức đề kháng của chế độ xã hội mới-xã hội chủ nghĩa, do năng lực của Đảng cầm quyền, do chất lượng hoàn thiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt phụ thuộc vào phẩm chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

TVĐ – KBS

0 nhận xét: