Đây là lần đầu Bộ
quốc phòng Trung Quốc phải lên tiếng về một cuộc biểu tình của các cựu quân
nhân nước này, sau khi vụ việc "vỡ lở" trên truyền thông quốc tế.
Các cựu binh kháng nghị bên ngoài Lầu Bát Nhất ngày 11/10. (Ảnh: Reuters) |
Bộ quốc phòng Trung Quốc hôm 12/10 cam kết
tiếp tục giải quyết các khó khăn mà các cựu binh mắc phải, sau khi hơn 1.000
cựu binh quân đội Trung Quốc tập trung bên ngoài Lầu Bát Nhất, trụ sở Bộ ở thủ
đô Bắc Kinh, ngày 11/10 để phản ứng về chế độ đãi ngộ khi xuất ngũ.
Bộ này xác nhận thông tin về vụ biểu tình trên trong một thông
cáo gửi tờ Thời báo Hoàn Cầu vào ngày 12, trong đó thừa nhận những năm gần đây
một số quân nhân về hưu đã gặp khó khăn với các vấn đề cá nhân và công ăn việc
làm. Họ đã nhiều lần khiếu nại bằng đơn thư hoặc gọi điện.
Thông cáo khẳng định, đảng Cộng sản Trung Quốc, Quốc vụ viện và
Quân ủy trung ương "quan tâm đến các cựu quân nhân và dành sự tập trung
lớn để giải quyết các vấn đề của họ".
Theo đó, chính phủ Trung Quốc đã dự thảo các chính sách và biện
pháp ưu đãi dành riêng cho các cựu binh, đồng thời đã giúp cải thiện điều kiện
sống của một số quân nhân về hưu.
Bộ quốc phòng Trung Quốc nói thêm, trong tình hình cải cách ở nước
này diễn ra sâu rộng, cơ chế an sinh xã hội và các chính sách liên quan đang
được hoàn thiện, "những khó khăn tạm thời trong sinh hoạt" của các
cựu binh sẽ "dần dần được giải quyết".
Trong vụ biểu tình được đánh giá là
"rất hiếm" ngày 11/10, hơn 1.000 cựu quân nhân đã diễu hành và hô hào
trước Lầu Bát Nhất. Hai người tham gia kháng nghị nói với hãng tin AP (Mỹ) rằng
họ muốn chính phủ giải quyết vấn đề lương hưu.
Trả lời AP, một người tham gia cho hay các cựu chiến binh đã tổ
chức hơn 50 cuộc biểu tình chỉ trong năm nay, trong khi chính quyền liên tục
kiểm soát thông tin.
"Họ biểu tình vì không tìm được việc làm sau một thời gian
dài phục vụ trong quân đội, có người ở quân ngũ đến hơn 12 năm," Liu
Feiyue - biên tập của trang Minsheng Guancha chuyên quan sát các vấn đề quyền
công dân - cho biết.
Những người biểu tình mặc quân phục, hát quốc ca và vẫy quốc kỳ
Trung Quốc cùng các biểu ngữ - Reuters đưa tin.
"Quyền và lợi ích của chúng tôi khi chuyển đổi từ quân nhân
sang công dân đã bị vi phạm," một biểu ngữ viết.
Tờ Hoàn Cầu cho hay, những xe buýt được nối dài ở các dãy phố
quanh Lầu Bát Nhất và cảnh sát chặn khoảng trống giữa các chiếc xe để cản tầm
nhìn của các cựu binh. Xe cảnh sát tuần tra khắp khu vực và một số người, có
thể là cảnh sát mặc thường phục, mang theo bộ đàm.
Vào tháng 10/2015, Bắc Kinh công bố các biện pháp cải thiện tiêu
chuẩn sống của các quân nhân thông qua cải cách về lương hưu.
Theo chính sách này, các cựu chiến binh sẽ được hưởng trợ cấp
hưu trí và trợ cấp hưu trí chức nghiệp tính từ ngày 1/10/2014. Các khoản trợ
cấp do chính phủ Trung Quốc phụ trách.
Số liệu năm 2015 cho thấy lương quân nhân cấp úy ở Trung Quốc
vào khoảng 4500-4800 NDT/tháng, cao hơn so với công chức nhà nước thông thường
và ở mức trung bình so với các ngành nghề khác trong xã hội Trung Quốc.
Theo soha.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét