CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

 (HNM) – Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đã thẳng thắn chỉ rõ về những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Theo dõi sát diễn biến hội nghị, đặc biệt là bài phát biểu khai mạc, phát biểu bế mạc hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cán bộ, đảng viên và nhân dân hết sức đồng tình, ủng hộ quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” để Đảng ta trong sạch, vững mạnh, đáp ứng lòng mong đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân.



Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X: Đấu tranh phê bình trong nội bộ Đảng phải mạnh hơn
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã đạt được những kết quả nhất định, giải quyết được một số vụ việc, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, chưa thỏa lòng nhân dân. Tôi đồng tình khi Trung ương đề cập đến vấn đề trọng tâm mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã đặt ra. Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang diễn ra phức tạp, “lợi ích nhóm” hiện nay không chỉ là một bộ phận nhỏ mà quan hệ chằng chịt, nhiều chiều…
Theo tôi, Bộ Chính trị cần có biện pháp mạnh hơn để chặn đứng hiện tượng suy thoái cực kỳ nguy hiểm, tinh vi và phức tạp này. Trước tiên, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đấu tranh phê bình trong nội bộ Đảng phải quyết liệt hơn, kiên quyết chặn đứng những hiện tượng có thể xảy ra. Từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố cần tăng cường biện pháp giáo dục chính trị tư tưởng, trong đó chú trọng đến đội ngũ, đảng viên có chức, có quyền. Trên gương mẫu thì dưới mới thực hiện nghiêm. Công tác giám sát cũng phải được tăng cường. Trước tiên, bản thân mỗi cơ quan, tổ chức phải tự giám sát trong nội bộ một cách chặt chẽ. Ngoài ra, cần có sự minh bạch, công khai, phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua các cơ quan báo chí chính thống.
PGS.TS.NGND Nguyễn Bá Dương, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Viện trưởng Viện Khoa học nhân văn quân sự (Bộ Quốc phòng):Người đứng đầu phải thực sự nêu gương: Theo tôi, để tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng.
Một là, phải chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thực sự nêu gương về phẩm chất, đạo đức, lối sống, năng lực.
Hai là, cần đổi mới giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục lịch sử truyền thống, giáo dục đạo đức, pháp luật cho phù hợp với từng đối tượng.
Ba là, tích cực thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Các cấp, các ngành cần xem đây là động lực mới, tạo sự thống nhất, đồng thuận xã hội để tập trung thực hiện bằng việc nêu gương người tốt, việc tốt. Thông qua đó, đấu tranh chống tiêu cực, tệ nạn xã hội, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên thoái hóa, biến chất.
Bốn là, bổ sung, hoàn thiện quy chế về tự học, tự rèn trong cán bộ, đảng viên. Cần đề cao tiêu chí nêu gương của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị; quy định rõ trách nhiệm nếu để xảy ra tiêu cực, tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đảng viên.
Năm là, tiếp tục kiên định đường lối đổi mới, giữ vững tái cấu trúc kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, triệt để thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra nhằm nâng cao đời sống cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Tập trung kiểm soát quyền lực
: Tôi hoàn toàn đồng tình về 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Trung ương thống nhất phải tiến hành đồng bộ trong thời gian tới nhằm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Tuy nhiên, Trung ương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt giải pháp kiểm soát quyền lực của người có chức vụ.
Tôi rất đồng ý với ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng “sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn”. Các đồng chí được trao quyền lực phải gương mẫu, hết lòng, hết sức thực hiện chương trình hành động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó. Ngoài ra, cần phát huy tốt hơn quyền giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, của nhân dân.


0 nhận xét: