CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

Trung Quốc sắp nhận Su-35, bao giờ đến lượt Việt Nam?

Hãng thông tấn TASS (Nga) hôm 14/12 thông báo, TQ sẽ nhận được 4 chiếc Su-35 vào ngày 25/12, trở thành quân đội nước ngoài đầu tiên trang bị dòng chiến đấu cơ tối tân này.


Ngoài Trung Quốc, một số nước như Indonesia, Algeria, Triều Tiên... được cho là nằm trong danh sách khách hàng tiềm năng của Su-35. 
Hồi giữa năm nay, báo chí Nga cho biết, Việt Nam cũng bày tỏ sự quan tâm đối với dòng tiêm kích hiện đại này. Cùng với việc Trung Quốc sắp nhận "hàng", một số người hy vọng rằng loại chiến đấu cơ trên có thể sớm xuất hiện tại "Dải đất hình chữ S".
Tuy nhiên để khai thác hiệu quả một khí tài cao cấp như tiêm kích thế hệ 4++ Su-35 thì phải tốn không ít thời gian chuẩn bị, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và tối quan trọng là đào tạo được phi công điều khiển thuần thục. Những công đoạn đó luôn phải đi trước, thực tế cũng cho thấy Bắc Kinh đã triển khai từ lâu.
Vậy còn Việt Nam, ngoài những thông báo "tỏ ý quan tâm" xuất hiện trên báo chí Nga, chưa có dấu hiệu cụ thể nào cho thấy chúng ta sẽ sớm đặt hàng chiếc tiêm kích này mà mọi chú ý lại đang hướng về Su-30SM.
Trong tháng 12, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam - Đại tướng Ngô Xuân Lịch sang thăm Ấn Độ, thỏa thuận về việc phía bạn sẽ đào tạo phi công lái Su-30 cho Việt Nam đã chính thức được ký kết.
Không quân Ấn Độ hiện đang vận hành gần 300 chiếc Su-30MKI - phiên bản Su-30 mạnh nhất được Nga xuất khẩu ra nước ngoài, sự thành công của Su-30MKI chính là động lực thúc đẩy Moskva cho ra đời biến thể nội địa Su-30SM.
Bằng hành động cử phi công đi học lái trên những chiếc Su-30MKI (chứ không phải đưa người sang Nga làm quen với Su-35) cho thấy chúng ta rất quan tâm đến dòng chiến đấu cơ "có cánh mũi".
Thêm vào đó hồi năm 2014, ông Viktor Kuznetsov - Tổng giám đốc Công ty Aviaprom đã cho biết các máy bay Su-30 do Tổng công ty Irkut chế tạo sẽ được bán cho Việt Nam, đây chính là cơ sở sản xuất Su-30MKI và Su-30SM chứ không phải Komsomolsk-on-Amur (KnAAPO) - đơn bị chế tạo Su-35.
Mặc dù thông số lý thuyết nhỉnh hơn Su-30SM, nhưng trong thực tế tại cuộc thi Aviadarts 2016 được tổ chức vào tháng 6/2016 tại trung tâm thử nghiệm bay Chauda trên bán đảo Crimea, với sự tham gia của 59 đội bay đến từ các đơn vị thuộc Không quân, Lục quân và Không quân Hải quân Nga, phi đội Su-30SM đã giành ngôi quán quân trong khi Su-35 chỉ về nhì.
Trình độ điều khiển máy bay của các phi công tham dự Aviadarts được đánh giá là rất đồng đều, do vậy việc Su-30SM vượt qua Su-35 cho thấy nó thực sự có lợi thế. Hiện nay trong Không quân và Hải quân Nga có vẻ như Su-30SM cũng đang được ưa chuộng hơn.
Bên cạnh đó, Su-30MKI của Ấn Độ đã tham dự nhiều cuộc tập trận với các nước Âu - Mỹ và thu được kết quả khả quan. Việt Nam lại có xu hướng đặt mua những chủng loại đã chứng minh năng lực qua thực chiến, đây là điều mà Su-30MKI/ Su-30SM giữ ưu thế nhất định trước Su-35.
Với những diễn biến trên, có thể tạm đi tới kết luận rằng triển vọng tiêm kích đa năng tiên tiến Su-35 sớm vào biên chế Không quân Nhân dân Việt Nam là tương đối khó xảy ra mà cơ hội lớn hơn đang thuộc về Su-30SM.

 Soha.vn

0 nhận xét: