Thực tiễn qua 35 năm đổi mới, đất nước ta có nhiều thay đổi toàn diện, sức mạnh tổng hợp của quốc gia dân tộc bao gồm sức mạnh vật chất và tinh thần, sức mạnh của truyền thống và hiện đại, nhất là sức mạnh nội lực bắt nguồn từ sức mạnh của con người Việt Nam không ngừng được nâng cao, thế và lực của đất nước được nâng lên một tầm cao mới. Chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững và tăng cường, ngày càng phát huy tính ưu việt, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng được giữ vững và phát huy. Từ một nước nghèo, có cơ sở vật chất – kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội lạc hậu, đến nay Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, đời sống vật chất và tinh thần của các tẩng lớp nhân dân được cải thiện không ngừng, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm nhanh (60% trước thời kỳ đổi mới) đến nay còn dưới 4%… Kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng đạt khá (giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân 6,0%/năm), thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới; quy mô và tiềm lực nền kinh tế được nâng lên (năm 2020, GDP ước đạt gần 300 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người ước đạt gần 3.000 USD/người/năm, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011 – 2015 lên 5,8%/năm giai đoạn 2016 – 2020). Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng rõ rệt, xếp thứ 67/141 nền kinh tế (năm 2019). Kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng từ 157,1 tỷ USD (năm 2010) lên khoảng 566 tỷ USD (năm 2020). Hệ thống kết cấu hạ tầng khá đồng bộ với các công trình hiện đại, nhất là hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Hạ tầng thông tin và truyền thông phát triển tốt, phủ sóng thông tin di động đến 98% số người dân với công nghệ hiện đại, kết nối Internet đạt 9,5 Mb/s, xếp hạng 58 thế giới.
Đời sống văn hóa tinh thần của người dân có
chất lượng ngày càng tốt hơn hoạt động giao lưu, quảng bá văn
hóa Việt Nam tăng cường tích cực. Chất lượng dịch vụ y tế,
giáo dục, đào tạo và dạy nghề được nâng lên; xếp hạng đại học
tăng 12 bậc, từ hạng 80 lên 68; tuổi thọ trung bình tăng từ 72,9
tuổi (năm 2010) lên 73,7 tuổi (năm 2020); chỉ số phát triển con
người (HDI) liên tục được cải thiện, xếp thứ 116/189 quốc gia,
thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao
của thế giới. Tiềm lực khoa học, công nghệ quốc gia được tăng
cường; chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu của Việt Nam (chỉ
số GII) liên tục được cải thiện, từ vị trí thứ 59 (năm 2016)
lên thứ 42 (năm 2020) trên 131 quốc gia và nền kinh tế, tiếp tục
dẫn đầu trong nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập trung bình thấp.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, tạo nhiều
chuyển biến tích cực, củng cố được niềm tin của cán bộ,
đảng viên và nhân dân. Ngăn chặn, đẩy lùi một bước tình trạng
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán
bộ, đảng viên. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,
lãng phí có bước đột phá, đạt nhiều kết quả nổi bật, được
cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Niềm
tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chế độ được củng cố, sức
mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và
quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, tạo thành sức mạnh tổng
hợp đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thể hiện
rõ nhất trong năm 2020 khi đã khống chế thành công đại dịch
Covid-19 và thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất
nước và là số ít nước trên thế giới vẫn đạt tăng trưởng
kinh tế số dương.
Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường;
kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ
quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi
ích quốc gia – dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế
độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn
xã hội (đạt chỉ số an toàn cao của thế giới, xếp thứ 64/163
quốc gia năm 2020), giữ vững ổn định chính trị – xã hội, môi
trường hòa bình, trở thành điểm sáng thu hút đầu tư và du lịch
hấp dẫn của thế giới. Quan hệ đối ngoại ngày càng rộng mở,
có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới.
Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tăng lên,
tham gia có hiệu quả vào các định chế khu vực và toàn cầu, nhất
là các hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới và đóng góp tích
cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng,
đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách. Đặc biệt, Việt Nam đã
trở thành tâm điểm chú ý của toàn cầu với vị trí, uy tín cao
trong năm 2020, là “ngôi sao sáng của châu Á”, được xếp vào tốp
16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.
Thành tựu của công cuộc đổi mới là kết quả
của quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của toàn Đảng và các
tầng lớp nhân dân, trong đó chúng ta cần ghi nhận sự lãnh đạo,
chỉ đạo đúng đắn, có hiệu quả, kịp thời của Trung ương Đảng, cấp
ủy các cấp; sự quản lý, điều hành quyết liệt của Chính phủ,
chính quyền địa phương; sự nỗ lực, chung sức đồng lòng của
các tầng lớp cán bộ, đảng viên; tinh thần lao động tích cực,
sáng tạo, trách nhiệm của nhân dân; sự ủng hộ của cộng đồng
quốc tế. Sự biến đổi của tình hình thế giới và khu vực
cũng như những yêu cầu mới to lớn, nặng nề hơn của sự nghiệp
đổi mới và phát triển đất nước, đòi hỏi Đảng ta phải có tư
duy mới, tầm nhìn mới để có những quyết sách mạnh mẽ. Tư duy
mới, tầm nhìn mới đã được thể hiện trong hệ thống nội dung
của dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Phát triển đất nước
theo con đường xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn kiên định, nhất
quán của Đảng ta, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (năm
2030) và 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay
là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2045), với tư
duy chiến lược, tầm nhìn mới.
Thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng, nhiệm
vụ đề ra tại Đại hội XIII là tiếp tục vun đắp cơ đồ, nâng cao
tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước, sức mạnh tổng hợp
của quốc gia – dân tộc lên một tầm cao mới. Đại hội XIII của
Đảng sẽ là một mốc son quan trọng trong quá trình phát triển của
Đảng, đất nước ta, dân tộc ta, có ý nghĩa định hướng tương
lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới,
hội nhập và phát triển đất nước, tiếp tục làm cho “non sông
Việt Nam trở nên tươi đẹp, làm cho dân tộc Việt Nam bước tới
đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong
muốn và di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Toàn Đảng toàn dân
ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình,
thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng
đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét