CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

QUÂN ĐỘI KHÔNG BAO GIỜ ĐỨNG NGOÀI CHÍNH TRỊ

          Năm 2020, năm diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước như: Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 75 năm Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh 2/9; 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; đặc biệt là năm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thì các thế lực thù địch, phản động lại tăng cường chống phá, đòi “phi chính trị hóa” quân đội. Đây là một âm mưu tuy không mới nhưng rất nguy hiểm và chúng ta phải hết sức cảnh giác.

Trên mạng Internet, các thế lực thù địch rêu rao rằng, bao năm qua Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân và dân tộc, cho nên quân đội “chỉ là của dân tộc, của đất nước” chứ không cần phải có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Rồi chúng dùng mọi “lý lẽ” để xuyên tạc lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân; phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội; phủ nhận tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm quân sự, quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng ta. Các thế lực thù địch, phản động ngụy biện rằng, Quân đội Nhân dân Việt Nam là quân đội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do đó quân đội chỉ cần trung thành, bảo vệ lợi ích của nhân dân, không cần đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các vấn đề liên quan đến quân sự, quốc phòng phải được nhân dân và Quốc hội bàn bạc, quyết định chứ không phải Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó, chúng kêu gọi quân đội từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đứng “trung lập”, “đứng ngoài chính trị” để bảo vệ nhân dân, bảo vệ đất nước được tốt hơn…Một số phần tử cơ hội chính trị thì cho rằng, trong điều kiện kinh tế thị trường, các nguyên tắc tổ chức cơ bản và CTĐ, CTCT trong quân đội không còn phát huy tác dụng cho nên cần xóa bỏ. Không những vậy, lợi dụng vấn đề quân đội làm kinh tế quốc phòng và một số vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật trong quân đội, chúng quy chụp, thổi phồng khuyết điểm để hạ thấp uy tín, xuyên tạc chức năng, nhiệm vụ, bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội ta. Chúng khoét sâu mâu thuẫn để chia rẽ Quân đội với Đảng, Nhà nước và nhân dân, phá hoại đoàn kết trong quân đội và đoàn kết quân dân.

Những luận điệu trên tuy không mới, thậm chí được các thế lực thù địch, phản động, cơ hội “nhai đi nhai lại” nhiều lần, nhưng vì núp bóng dưới những vỏ bọc mỹ miều “nghiên cứu”, “bàn luận”, “góp ý”… nên dễ khiến cho người ta lầm tưởng là khách quan, khoa học, hợp lý. Nguy hiểm hơn, chúng được phát tán trên không gian mạng, được một số hãng truyền thông phương Tây thiếu thiện chí với Việt Nam và những kẻ thâm thù với cách mạng, những người nhẹ dạ cả tin, hưởng ứng, tung hô, cổ xúy, tiếp tay cho kẻ xấu tuyên truyền tư tưởng sai trái, phản động.

Về bản chất, những luận điệu trên nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá Việt Nam với đòn tấn công mũi nhọn là “phi chính trị hóa” quân đội. Mục đích là nhằm chuyển hướng chính trị của quân đội ta từ quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân sang kiểu quân đội tư bản. Nó làm cho quân đội ta không còn là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; làm cho quân đội mất phương hướng chính trị, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam. Cả lý luận và thực tiễn đều chứng minh, quân đội không thể và không bao giờ đứng ngoài chính trị. Khi nghiên cứu nguồn gốc của chiến tranh và quân đội, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ ra, quân đội luôn mang bản chất của giai cấp, của nhà nước. Quân đội bao giờ cũng là công cụ bạo lực vũ trang của một giai cấp, một nhà nước nhất định. Không có quân đội chung chung của mọi giai cấp hoặc quân đội phi giai cấp. Hệ tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội cũng chính là hệ tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng của giai cấp, của đảng-đội tiên phong của giai cấp đã tổ chức ra nó.

Quân đội Nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam tổ chức ra để tiến hành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quân đội ta mang bản chất giai cấp công nhân-bản chất cách mạng, khoa học của Đảng nhưng trong đó, tính nhân dân, tính dân tộc cũng được biểu hiện rất sâu sắc. Vì thế, bất luận trong hoàn cảnh nào, quân đội ta cũng luôn phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch.

Sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô, Đông Âu cuối thập kỷ 80 đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX và gần đây là những bất ổn chính trị kéo dài ở một số nước Trung Đông, Bắc Phi đã cho thấy bài học đắt giá về xây dựng quân đội, mà ở đó, nguyên tắc đảng lãnh đạo phải được đặt lên hàng đầu. Điều đó cũng nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo, cảnh giác với âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch.

Thực tiễn 76 năm qua cũng chứng minh, sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng là nhân tố hàng đầu quyết định sự trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc đảng lãnh đạo nên quân đội ta mới là một đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Từ khi thành lập đến nay, quân đội luôn một lòng, một dạ trung thành với Ðảng, Nhà nước và Nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân đội ta đã cùng nhân dân đánh thắng những tên thực dân, đế quốc sừng sỏ nhất, lập nên những kỳ tích vĩ đại nhất trong lịch sử. “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục” (Hồ Chí Minh).

Vậy nên, luận điệu cho rằng quân đội phải “trung lập”, phải “đứng ngoài chính trị” suy cho cùng chỉ là “khẩu hiệu của bọn giả nhân giả nghĩa” mà thôi

            Xuân Lưu-BC

0 nhận xét: