Cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành
nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Trách nhiệm của chúng ta
và các thế hệ mai sau là phải mãi mãi giữ gìn, bảo vệ, kế thừa và phát huy một
cách tốt đẹp nhất những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người và bảo
vệ thành quả cách mạng, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta
ngày càng tươi đẹp, để dân tộc ta mãi mãi trường tồn và phát triển. Vì vậy,
việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là rất cần
thiết, không chỉ là yêu cầu của cách mạng, mà còn là tình cảm, nguyện vọng của
nhân dân ta, của Ðảng ta và mọi người Việt Nam yêu nước.
Ngay từ khi sinh thời, Người đã có rất nhiều phong trào thi đua học tập,
làm theo Bác. Sau khi Người qua đời, chúng ta có một khẩu hiệu hành động, một
phong trào rất sâu rộng: "Sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc
theo gương Bác Hồ vĩ đại". Nơi nào cũng có phong trào làm theo lời Bác,
thanh niên làm theo lời Bác, phụ nữ làm theo lời Bác...
Năm 2007, Bộ Chính trị tiếp tục khởi xướng, phát động Cuộc vận
động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong toàn
Đảng, toàn dân và toàn quân ta và đã đạt được những kết quả rất quan trọng, góp
phần vào việc xây dựng con người, xây dựng tổ chức trong cả hệ thống chính trị.
Thực hiện Nghị quyết của Ðại hội, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Chỉ thị
03-CT/TW và chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/6/2016 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư
tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nội hàm của việc học tập bao gồm cả ba
vấn đề: tư tưởng đạo đức, tấm
gương đạo đức và phong cách của Bác. Ðồng thời yêu cầu việc học tập, làm
theo Bác phải trở thành việc làm thường xuyên, lâu dài, thiết thực, đi vào
chiều sâu của cuộc sống thực tế đối với mỗi con người, mỗi tổ chức.
Tuy nhiên, việc chuyển từ cuộc vận động sang việc làm thường xuyên
thì cũng có cái khó; không như lúc đang thực hiện cuộc vận động, có thể đây đó
sẽ có sự lơ là. Khi ra Chỉ thị, Bộ Chính trị đã tính, không có cuộc vận động,
nhưng vẫn phải bảo đảm làm tốt. Dù không lập ban chỉ đạo, nhưng Bộ Chính trị
vẫn có cơ quan thường trực giúp cho Ban Bí thư chỉ đạo; ở các địa phương, bộ,
ngành cũng thế. Ở Trung ương là Ban Tuyên giáo Trung ương; thành lập Bộ phận
giúp việc để giúp cho Ban Bí thư, cho cơ quan thường trực; xây dựng chương
trình, kế hoạch thực hiện rất cụ thể, bài bản. Các cấp, các ngành, địa phương triển
khai thực hiện các nội dung theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban
Bí thư. Ở các địa phương cũng đã nêu những phương hướng và bổ sung nội dung đẩy mạnh học tập và làm theo tấm
gương đạo đức của Bác Hồ. Trong điều kiện hiện nay, trước sự phát triển mới của
thế giới và trong nước, Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh bao gồm những nội dung gì? Học tập và làm theo như thế nào?
Thứ nhất, là về nội dung, học gì? có rất
nhiều điều cần học, nên học, phải học. Bởi vì Bác Hồ là tấm gương sáng về mọi
mặt. Cả cuộc đời Bác là biểu tượng cao đẹp về ý chí cách mạng kiên cường; tinh
thần độc lập tự chủ; lòng yêu nước, thương dân tha thiết; trí tuệ anh minh, mẫn
tiệp, có tầm nhìn xa rộng, sâu sắc; có đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm,
chính, chí công, vô tư; có tác phong, phong cách khiêm tốn, giản dị; có tấm
lòng nhân hậu, tình cảm chan chứa yêu thương con người; là một mẫu mực tuyệt
vời về cách sống, cách nghĩ, cách viết, cách nói, cách làm việc, được cả thế
giới ca ngợi, ngưỡng mộ. Cuộc sống của Người vô cùng cao đẹp. Ðây là kết tinh
những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, với tinh hoa văn hóa
thế giới.
Học Bác, là phải giữ gìn phẩm chất chính trị, kiên định lý tưởng
cách mạng, con đường cách mạng, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa
xã hội, tuyệt đối trung thành với Ðảng, với Tổ quốc, với nhân dân; tinh thần
lạc quan tin tưởng, phẩm chất kiên cường bất khuất "giàu sang không thể
quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục". Vào
lúc này, chúng ta học Bác, càng phải kiên định, tin tưởng vào mục tiêu, lý
tưởng thể hiện ở Cương lĩnh, đường lối của Ðảng.
Học Bác là học về đạo đức cách mạng trong sáng, cần, kiệm, liêm,
chính, chí công, vô tư, học về tư cách người cách mạng, đặc biệt là đấu tranh
chống chủ nghĩa cá nhân - kẻ thù ở trong mỗi con người, đấu tranh với cái ác,
nâng cái thiện lên để giảm cái ác đi... Bác phê phán những cái xấu, quan liêu,
xa dân... Bác dạy đối với mình, với người phải thế nào; đối với Ðảng, với
dân phải thế nào; đối với địch thế nào...
Học Bác là học phong cách, lối sống giản dị, khiêm tốn, thanh
bạch, gần dân, không quan liêu, quan cách, từ ăn, mặc, ở, đi lại, làm việc,
xuống với dân thì thế nào... Bác dạy từ cán bộ, đảng viên, công nhân, nông dân,
trí thức, bộ đội, công an, thanh niên, phụ nữ, đến các cụ phụ lão, các cháu
thiếu nhi,... rất cụ thể, rõ ràng, sâu sắc lắm. Mỗi người hãy thấm vào máu mình
để thực hiện. Học tập, làm theo Bác thì có rất nhiều việc để học, học ngay
trong cách học, trong thái độ đối với việc học, trong cách nói, cách viết, cách
làm, cách ăn, ở, đối nhân xử thế, cách ngoại giao của Bác... Trên cơ sở cái
chung, phải xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, sát hợp cho từng
cơ quan, đơn vị, lĩnh vực, tránh hình thức, nói phải đi đôi với làm. Cần phải
học đi, học lại những điều Bác nói, Bác viết, Bác làm. Học tập và làm theo tấm
gương của Bác, cần gắn với việc thực hiện nghiêm túc Ðiều lệ Ðảng, Quy định về
những điều đảng viên không được làm, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung
ương 4, phải bắt đầu từ những việc rất cụ thể, từ đó tạo chuyển biến tích cực
trên thực tế.
Thứ hai, học Bác như thế nào? Học Bác là
học suốt đời, học hằng ngày, thiết thực, thiết thân. Học Bác là việc làm tự giác
của mỗi người, mỗi tổ chức, không ai có thể làm thay được. Nói đi đôi với làm,
học để làm theo, làm theo rồi lại học, lại bổ sung, thường xuyên liên tục,
không phải một lần là xong. Mỗi chúng ta ngồi đây phải thấm thía, hiểu sâu sắc
điều này để về chỉ đạo thực hiện.
Học
Bác bằng nhiều hình thức, phong phú, sinh động: Học qua sách báo, ở trường,
lớp; qua thực tiễn công việc, trường đời; qua sinh hoạt chi bộ đảng, đoàn thể,
ở cơ quan, trong gia đình; tự phê bình và phê bình; qua mạn đàm, trao đổi kinh
nghiệm; qua phong trào thi đua người tốt, việc tốt, nêu gương những điển hình
tiên tiến, phê phán những việc làm xấu, tiêu cực... Học Bác qua các hình thức
sinh hoạt tập thể, như: chào cờ đầu tuần, tham quan du lịch về nguồn, di tích
lịch sử, đăng ký chương trình công tác, qua sự giám sát, góp ý của nhân dân,
của báo chí, công luận... Rất nhiều hình thức, nhiều con đường. Cái chính là
chúng ta có muốn học Bác thật không, lòng chúng ta có trong sáng không?
Thứ ba, để bảo đảm việc thực hiện Chỉ
thị 05 của Bộ chính trị và chỉ thị 87 của Quân ủy Trung ương về tiếp tục đẩy
mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày
càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn, cần có nhiều điều kiện,
trong đó pháp luật là quan trọng, nhưng đạo đức nhân văn cũng rất quan trọng,
nhiều khi còn bền vững hơn. Bên cạnh pháp trị, còn có đức trị. Vai trò của cấp
ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn là rất quan trọng.
Cần nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm
theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua các chương trình kế
hoạch hành động cụ thể; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; qua các phong trào thi
đua thiết thực, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các tấm gương người tốt,
việc tốt, dùng cái tốt để dẹp cái xấu. Vai trò của bộ phận giúp việc ở đây cũng
rất quan trọng, vì cấp ủy còn rất nhiều việc, nên bộ phận giúp việc phải rất
chủ động.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình tế giới, khu vực.
Cùng với sự tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, đã làm cho một
số cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách của Bác là cơ sở để mỗi người, mỗi tổ chức chúng tự soi, tự sửa
và hoàn thiện bản thân mình được tốt hơn đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết “yêu
Bác lòng ta trong sáng hơn”
NXT-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét