CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

“THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ 1972 - MỖI MÉT VUÔNG ĐẤT LÀ MÉT VUÔNG MÁU CỦA CHIẾN SĨ, ĐỒNG BÀO

 “THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ 1972 - MỖI MÉT VUÔNG ĐẤT LÀ MÉT VUÔNG MÁU CỦA CHIẾN SĨ, ĐỒNG BÀO

Ảnh: Nụ cười Thành cổ 1972. Ngồi đầu bức ảnh với nụ cười cách mạng là CCB Lê Xuân Chinh - chiến sĩ Đại đội thông tin 18/Trung đoàn 48. Quê: Làng Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, Thái Bình. Hiện đang thường trú tại Đội 4, xã Thanh Yên, Điện Biên (tỉnh Điện Biên).
Phục chế màu: Dương Minh Trí

Cuộc tấn công chiến lược năm 1972 trên toàn miền Nam bắt đầu. Ngày 30/3/1972 hai Sư đoàn 304 và 308 với sự hỗ trợ của các trung đoàn xe tăng và pháo binh đã vượt qua khu phi quân sự tại giới tuyến 17 chia cắt 2 miền. Đồng thời từ phía Tây, Sư đoàn 324B với xe tăng hỗ trợ theo đường 9 từ Lào vượt qua Khe Sanh tiến vào thung lũng sông Thạch Hãn. Với sự hợp lực của quân ta đã gây bất ngờ cho quân phòng thủ của ngụy và đồng minh Mỹ. Quân ta tiến đánh vào các vị trí phòng thủ của sư đoàn 3 ngụy làm tan rã lực lượng địch.
Ngày 28 tháng 4 ta chiếm được Đông Hà và tiến đến sát thị xã Quảng Trị. Ngày 29/4, quân ngụy được lệnh rút về trấn thủ tại sông Mỹ Chánh.
Ngày 2/5, Thị xã Quảng Trị được giải phóng. Thắng lợi của chiến dịch Quảng Trị năm 1972 đã làm thay đổi cơ bản cục diện chiến trường, đẩy chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ đến bờ vực phá sản, tạo đà và thế cho việc giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Để mất Quảng Trị, Mỹ – nguỵ đã điên cuồng mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị với mật danh “Lam Sơn 72”. Trong đó mục tiêu số 1 là phải chiếm được Thành Cổ Quảng Trị. Trong lịch sử chiến tranh, chưa có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu là đánh chiếm một toà thành có chu vi chưa đầy 2.000m mà đối phương huy động một lực lượng hùng hậu: với sự hỗ trợ của hạm đội Mỹ, hàng loạt máy bay ném bom B52, một khối lượng bom đạn khổng lồ như ở chiến dịch tái chiếm Thành Quảng Trị. Thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm từ 28/6 đến 16/9 được ví như một túi bom. Trung bình mỗi ngày địch huy động 150-170 lần chiếc máy bay phản lực, 70 – 90 lần chiếc B52 để ném bom huỷ diệt thị xã và Thành Cổ Quảng Trị. Với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, trong 81 ngày đêm thị xã và Thành Cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sỹ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo.
Và dù trên mình mang đầy thương tích nhưng các anh vẫn chiến đấu ngoan cường, quyết không rời trận địa, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, cứ người này ngã xuống người khác lại đến thay. Báo quân đội nhân dân ra ngày 9/8/1972 có viết “Mỗi mét vuông đất mà các chiến sỹ ta dành được ở Thành Cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu”. Theo thống kê, 80% chiến sỹ của ta đã hi sinh do sức ép của bom đạn, dù đang ngồi trong hầm cũng vỡ máu mũi, máu tai mà hi sinh.
Do hoả lực của địch quá mạnh, phòng tuyến vòng ngoài của ta bị vỡ dần. Từ đầu tháng 9 đã diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt trong lòng thị xã và Thành Cổ Quảng Trị. Ta và địch giành nhau từng căn nhà, góc phố, từng mảng tường Thành Cổ. Thời tiết lúc này không thuận lợi, áp thấp nhiệt đới liên tục xảy ra, nước sông Thạch Hãn dâng cao, cả thị xã chìm trong biển nước. Lợi dụng tình hình đó địch tăng cường bắn phá vào công sự của ta. Các chiến sỹ của ta vừa thay nhau tát nước chống ngập công sự, vừa chống trả địch, suốt ngày ngâm mình trong nước, ăn lương khô, uống nước lã nên sức khoẻ giảm sút, thương vong rất lớn có ngày trên 100 người.
Việc cố thủ giữ Thành Cổ Quảng Trị trong chiến dịch đánh phản kích 81 ngày đêm, khi một giải pháp có tính chất quyết định cho cuộc chiến tranh Việt Nam đang đi đến hồi kết trên bàn đàm phán Paris, thì nó thực sự có ý nghĩa sống còn cho cả hai phía. Điều này được thể hiện: ta thì hạ quyết tâm giữ cho bằng được thành còn địch cố chiếm cho được thành bằng mọi giá, khi dư luận trong nước cũng như trên thế giới đang từng giờ từng phút hướng về Thành Cổ Quảng Trị. Sự kiện địch không thực hiện được mục tiêu “cắm cờ” trên Thành Cổ trước ngày 13-7-1972, chúng bày ra trò đắp thành giả tại làng Trâm Lý (cách Thành Cổ Quảng Trị hơn 2km) rồi quay phim, chụp ảnh, công bố đã chiếm lại được Thành Cổ Quảng Trị tại Hội nghị Pari, là một minh chứng cho thấy tầm quan trọng của việc làm chủ Thành Cổ Quảng Trị trong thời điểm quyết định năm 1972. Khi một giải pháp có lợi cho ta tại Hội nghị Pari cơ bản đã được định đoạt, thì việc giữ Thành Cổ không còn ý nghĩa nữa, ta quyết định rút ra khỏi Thành về án ngữ bờ Bắc sông Thạch Hãn, mặc dù cái giá phải trả cho sự kiện này khá đắt, lực lượng ta bị hao hụt thương vong khá nhiều.
Trong 81 ngày đêm đó để chiếm lại thành cổ Quảng Trị 16ha và cả thị xã Quảng Trị hơn 3km2, Mỹ đã ném xuống đây 328 ngàn tấn bom. Báo chí phương Tây thời đó bình luận tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima Nhật Bản năm 1945. Do vậy, 81 ngày đêm ấy toàn bộ thị xã và tòa thành cổ này bị san bằng. Thành Cổ chỉ còn dấu vết của một số đoạn thành, lao xá, cổng tiền, hậu… Từ năm 1993 - 1995, hệ thống hào, cầu, cống, một số đoạn thành, cổng tiền đã được tu sửa.
Cũng trong 81 ngày đêm đó, hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh tại đây chưa lấy được hài cốt vì khói lửa bom đạn quá nhiều, xương máu các anh đã hòa quyện vào gạch đá đổ nát. Chính vì vậy mà ngày nay tại trung tâm di tích người ta xây đài tưởng niệm hình thành ngôi mộ chung cho hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống trong những ngày đêm khốc liệt này.
Trong ảnh: Các chiến sĩ Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 trong Thành cổ Quảng Trị ngày 16/8/1972. Người lính ngồi gần máy ảnh nhất tên là Lê Xuân Chinh,
[Nguồn: TTTS]

=Mõ Làng=
Ảnh: Nụ cười Thành cổ 1972. Ngồi đầu bức ảnh với nụ cười cách mạng là CCB Lê Xuân Chinh - chiến sĩ Đại đội thông tin 18/Trung đoàn 48. Quê: Làng Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, Thái Bình. Hiện đang thường trú tại Đội 4, xã Thanh Yên, Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Phục chế màu: Dương Minh Trí:

0 nhận xét: