Hướng tới kỉ niệm 115 năm ngày
sinh cố tổng bí thư Hà Huy Tập, các thế lực thù địch đã lan truyền các thông
tin xấu độc trên các trang mạng xã hội; thật nực cười khi chúng bóp méo sự thật,
phủ nhận công lao to lớn của cố tổng bí thư với cách mạng nước ta. Mục đích của
chúng nhằm bôi nhọ hình ảnh Người lãnh đạo kính yêu của dân tộc- Nhà lí luận xuất
sắc của đảng, của dân tộc. Là người dân Việt Nam chúng ta cần tỉnh táo, có quan
điểm, nhận thức đúng đắn trước những thông tin trên, không vô tình tiếp tay cho
các thế lực phản động lan truyền thông tin xấu độc trên mạng xã hội.
Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24-4-1906 trong một gia đình nhà Nho
nghèo yêu nước tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm
Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Vùng đất khắc nghiệt "chảo lửa, túi mưa" nhưng
giàu truyền thống cách mạng này đã nuôi dưỡng và hun đúc nên một Hà Huy Tập có
khí chất cứng cỏi, cương trực và một nhân cách sống có lý tưởng vì dân, vì nước.
Đỗ thủ khoa tại trường tỉnh, Hà Huy Tập được đặc cách vào thẳng trường Quốc học
Huế. Tốt nghiệp với tấm bằng hạng ưu nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn,
không có tiền học lên đại học, Hà Huy Tập xin đi dạy học. Từ năm 1923 đến năm
1926, đồng chí được bổ nhiệm về dạy học tại trường tiểu học Pháp - Việt, thị trấn
Nha Trang. Đây là quãng thời gian Hà Huy Tập phải chứng kiến cuộc sống hiện thực
đầy bất công của chế độ phong kiến. Là một giáo viên cương trực và thẳng thắn,
Hà Huy Tập luôn bênh vực và đứng về phía người nghèo, đả kích những hành động
sai trái của bọn thực dân. Bằng kiến thức và lòng nhiệt tình của mình, những
bài giảng của Hà Huy Tập đã khơi dậy trong các em học sinh lòng yêu nước,
thương nòi, lòng căm thù bọn vua quan phong kiến. Việc chủ trương đoàn kết các
giáo viên lại để bày tỏ thái độ chống đối những quy định độc đoán của nhà trường
đối với giáo viên và học sinh của thầy giáo trẻ này đã khiến cho nhà cầm quyền
và hiệu trưởng nhà trường thực sự tức giận. Kết quả là giữa năm 1926, Hà Huy Tập
phải chuyển về dạy học ở trường Cao Xuân Dục, thành phố Vinh. Tại đây đồng chí
đã tham gia hoạt động trong tổ chức Hội Phục Việt (sau đổi thành hội Hưng Nam)
- một tổ chức cách mạng yêu nước ở Vinh và tích cực tuyên truyền, giáo dục giác
ngộ cách mạng cho học sinh, công nhân, nông dân, tổ chức quần chúng đấu tranh
chống bọn thực dân phong kiến. Trong thời gian này, Hà Huy Tập đã đọc được một
số sách, báo Cộng sản từ Pháp gửi về như: Báo Le-Paria (Người cùng khổ) do Nguyễn
Ái Quốc làm chủ bút, báo L’Humanité (Nhân đạo) - cơ quan lý luận của Đảng Cộng
sản Pháp... Thông qua những tài liệu này, Hà Huy Tập hiểu được động lực chính của
cách mạng là những ai, hiểu được xu hướng Cộng sản là gì, hiểu được vai trò to
lớn của giai cấp công nhân trong đấu tranh cách mạng. Điều đó càng thôi thúc
anh tham gia các hoạt động cách mạng. Thấy rõ sự nguy hiểm của Hội Hưng Nam;
vai trò và những hoạt động cách mạng của Hà Huy Tập, chính quyền thực dân Pháp
đã tìm mọi cách để loại bỏ đồng chí ra khỏi phong trào công nhân. Hiểu rõ âm
mưu và thủ đoạn của địch, Tổng hội Hưng Nam đã quyết định chuyển Hà Huy Tập vào
Sài Gòn hoạt động và gây cơ sở trong đó. Tại đây, Hà Huy Tập cùng với một số đồng
chí trong Hội Hưng Nam sáng lập ra Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Đảng ở Nam Kỳ.
Tháng 12-1928, Hà Huy Tập rời Sài Gòn sang Trung Quốc hoạt động, anh
được Quốc tế Cộng sản cử sang học tại trường Đại học Phương Đông (Liên Xô).
Trong thời gian học ở trường, Hà Huy Tập say mê nghiên cứu các tác phẩm kinh điển
của C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin, các văn kiện của Quốc tế Cộng sản và của Đảng
Cộng sản Liên Xô. Hà Huy Tập đã viết nhiều bài gửi Tạp chí Cahiers du
bolchévesme (Bôn-sơ-vich) - cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Pháp: Lịch sử Tân
Việt Cách mạng Đảng (1929), Hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương (1931), Thư
gửi Ban Biên tập Tạp chí Bôn-sơ-vích và biên soạn nhiều tài liệu khác gửi Quốc
tế Cộng sản.
Tốt nghiệp trường Đại học Phương Đông (3-1932), được Quốc tế Cộng sản
cử về nước hoạt động nhưng do sự kiểm soát gắt gao của cảnh sát và mật thám quốc
tế, Hà Huy Tập phải quay trở lại Liên Xô. Trong thời gian này, cuốn sách
"Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản Đông Dương" bằng tiếng Pháp của
Hà Huy Tập với bút danh Hồng Thế Công đã ra đời. Bằng những sự kiện cụ thể, cuốn
sách nêu bật lịch sử đấu tranh oanh liệt của quần chúng công nông, vai trò và
uy tín của đảng viên cộng sản, rút ra những bài học kinh nghiệm về phương pháp
đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của kẻ địch. Giữa năm 1933, Hà
Huy Tập bí mật về Trung Quốc, bắt liên lạc với các đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn
Thị Minh Khai và một số đồng chí khác, thành lập ra Ban Chỉ huy ở nước ngoài với
nhiệm vụ trọng tâm là khôi phục lại các tổ chức Đảng trong nước bị địch phá vỡ
sau cao trào cách mạng 1930 - 1931 và chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội lần thứ nhất
của Đảng. Ban này do đồng chí Lê Hồng Phong làm thư ký và đồng chí Hà Huy Tập
làm Ủy viên phụ trách tuyên truyền cổ động, kiêm Tổng biên tập Tạp chí Bôn-sơ-vích.
Sau một thời gian chuẩn bị, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất đã họp
tại Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 27 đến 31-3-1935. Đồng chí Hà Huy Tập chủ trì Đại
hội và đọc Báo cáo chính trị. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương và Ban
Thường vụ Trung ương gồm 5 người, do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư, đồng
chí Hà Huy Tập làm Thư ký Ban Chỉ huy ở nước ngoài. Vì đồng chí Lê Hồng Phong bận
đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản nên thực chất trọng trách lãnh đạo cách mạng
do đồng chí Hà Huy Tập đảm nhận.
Trong Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương họp tại Thượng Hải
(Trung Quốc), tháng 7-1936, Ban Chỉ huy ở nước ngoài đã phân công đồng chí Hà
Huy Tập về nước tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương mới và khôi phục các tổ chức
Đảng trong nước. Ngày 12-10-1936, trong Hội nghị cán bộ để bầu Ban Chấp hành
Trung ương lâm thời, đồng chí Hà Huy Tập chính thức được bầu làm Tổng Bí thư của
Đảng.
Tháng 9-1937, tại Bà Rịa, Hoóc- Môn (Gia Định), Hội nghị lần thứ tư
Ban Chấp hành Trung ương đã được tổ chức. Tại đây, đồng chí Hà Huy Tập đã đọc
báo cáo kiểm điểm tình hình hoạt động của Đảng từ tháng 8-1936. Hội nghị đã
thông qua một số nội dung quan trọng như: Thành lập Mặt trận nhân dân thống nhất
Đông Dương, phát triển cơ sở Đảng trong các thành thị và đồn điền, kết hợp các
hình thức đấu tranh công khai và bán công khai... Hội nghị đã cử ra Ban Thường
vụ Trung ương gồm 5 đồng chí do Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư. Hội nghị đã đánh dấu
một bước tiến lớn của Đảng trong một năm, từ chỗ không còn Trung ương đến chỗ
có Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Trung ương.
Trong lúc phong trào cách mạng đang sôi nổi, lên cao thì bọn Tơrốtki
và các thế lực phản động lại tìm cách phá hoại phong trào cách mạng, đả kích Đảng
Cộng sản. Trong nội bộ Đảng, các khuynh hướng "tả", "hữu"
xuất hiện. Đó là khuynh hướng muốn sử dụng những hình thức tổ chức cao, chỉ thu
hút những người tiên tiến về chính trị và đoàn kết vô nguyên tắc với bọn Tơrốtki.
Trung ương Đảng đã ra nhiều tài liệu để nói rõ chủ trương và chính sách của Đảng.
Đồng chí Hà Huy Tập với các bút danh Thanh Hương, Hồng Quy Vít... đã viết nhiều
bài đăng trên các báo La Lutte, Lavant-garde, En Avant... kiên quyết vạch trần
bộ mặt của bọn Tơrốtki, phê phán lý thuyết phản động của chúng; phê phán thái độ
say sưa vì thắng lợi cục bộ mà sao nhãng việc củng cố tổ chức bí mật của Đảng;
coi thường họa Tơrốtki và hợp tác vô nguyên tắc với Tơrốtki; quá lo tranh thủ
giai cấp tư sản, địa chủ mà coi nhẹ củng cố và phát triển lực lượng cách mạng của
công nhân và nông dân và trình bày quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Theo
Hà Huy Tập đấu tranh chống bọn Tơrốtki gắn liền với cuộc đấu tranh ủng hộ Mặt
trận nhân dân Pháp, vận động thành lập Mặt trận Đông Dương. Các tác phẩm của Hà
Huy Tập như: Vì một Mặt trận nhân dân Đông Dương, Vì sao cần ủng hộ Mặt trận
bình dân bên Pháp... là những trang lý luận và chính trị có giá trị lớn trong lịch
sử tư tưởng, chính trị của Đảng ta.
Tháng 3-1938, tại Bà Điểm, Hoóc-Môn (Gia Định), đã diễn ra Hội nghị lần
thứ năm Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Hà Huy Tập chủ trì. Hội nghị đã
phân tích thái độ của các đảng phái, các tổ chức chính trị ở Đông Dương, công
tác quần chúng, công tác tổ chức và lãnh đạo của Đảng... Hội nghị cũng quyết định
thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương và ra nghị quyết về phòng thủ Đông Dương
và vận động binh lính... Đây là Hội nghị có một ý nghĩa lịch sử quan trọng bởi
đó là sự tổng kết quá trình hoạt động của Đảng, sự phát triển của phong trào
cách mạng, khởi xướng cuộc vận động dân chủ. Một trong những nhân tố quyết định
thắng lợi của giai đoạn này là nhờ cách giải quyết toàn diện và sâu sắc những vấn
đề lý luận cơ bản về chỉ đạo chiến lược và sách lược của cả thời kỳ vận động
dân chủ của đồng chí Hà Huy Tập đã đưa phong trào đấu tranh dân chủ trong năm
1937 phát triển mạnh mẽ, phong phú và vững chắc làm cơ sở cho phong trào tiến
lên. Với vai trò, trách nhiệm của mình đồng chí Hà Huy Tập đã góp một phần quan
trọng trong việc chuẩn bị nội dung và ra nghị quyết Hội nghị.
Như vậy, trong gần hai năm làm Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập
đã tận dụng được thuận lợi do tình hình quốc tế đem lại, tích cực lăn lộn trong
phong trào quần chúng, móc nối với các tổ chức Đảng trong nước, sớm hình thành
được Ban Chấp hành Trung ương từ tháng 10-1936. Đồng chí đã triệu tập và chủ
trì ba Hội nghị Trung ương (tháng 3-1937, tháng 9-1937 và tháng 3-1938), tổng kết
tình hình, đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo cùng với tập thể Ban Chấp
hành Trung ương Đảng chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi thử thách, đưa
phong trào tiến lên những bước mới.
Đến trước Hội nghị tháng 3-1938, Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Ban
Trung ương do đồng chí Hà Huy Tập đứng đầu đã khôi phục được các cơ quan lãnh đạo
của ba xứ ủy và nhiều tỉnh ủy ở các địa bàn trọng điểm trong cả nước, tạo cơ sở
về tổ chức và lực lượng để Đảng ta vững bước tiến lên trong giai đoạn sau.
Ngày 1-5-1938, đồng chí Hà Huy Tập bị địch bắt và đưa về giam tại Khám
lớn, Sài Gòn. Kẻ thù đã dùng những thủ đoạn dã man nhất tra tấn đồng chí nhưng
cuối cùng chúng đã phải khuất phục trước tinh thần gang thép của người chiến sĩ
cộng sản. Chúng tuyên án tử hình đồng chí Hà Huy Tập cùng với các đồng chí:
Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai. Ngày 28-8-1941,
thực dân Pháp đã xử bắn đồng chí Hà Huy Tập. Ngã xuống ở tuổi 35, độ tuổi đang
tràn đầy sức lực và tài năng sáng tạo cống hiến cho cách mạng, đồng chí Hà Huy
Tập đã đi vào cõi vĩnh hằng một cách thanh thản với lời hô: "Cách mạng
muôn năm!"- Lời hô đó đã chứa đựng khí phách hiên ngang của người chiến sỹ
cộng sản kiên cường, thể hiện niềm tin sắt son vào thắng lợi tất yếu của cách mạng
Việt Nam.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập chỉ diễn ra trong
vòng 15 năm. Trong khoảng thời gian đó, đồng chí Hà Huy Tập từ một chiến sỹ yêu
nước trở thành nhà cách mạng, từ một người cộng sản trở thành Tổng Bí thư của Đảng
và đồng chí Hà Huy Tập đã nêu tấm gương sáng về chí khí cách mạng kiên cường của
người cộng sản. Dù trong hoàn cảnh nào, đồng chí cũng ra sức học tập, nắm vững
và vận dụng sáng tạo các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và thực tiễn cách
mạng, tán thành và trung thành với đường lối của Quốc tế Cộng sản. Đồng chí Hà
Huy Tập là một trong những nhà lý luận xuất sắc của Đảng. Cuộc đời cách mạng của
mình, đồng chí Hà Huy Tập là một đảng viên luôn nêu cao phẩm chất, đạo đức cách
mạng của Đảng, của giai cấp công nhân, có tình thương yêu giai cấp, yêu nhân
dân sâu sắc, tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp cách mạng và tương lai tươi sáng
của dân tộc.
Lễ kỉ niệm 115 năm ngày sinh cố TBT Hà Huy Tập sẽ được tổ chức nhằm ôn
lại cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của cố TBT (người con của quê hương Cẩm Hưng,
Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), đồng thời bày tỏ lòng tri ân và tiếp tục khẳng định những
đóng góp to lớn của cố TBT Hà Huy Tập đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng với
dân tộc Việt Nam; giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy niềm tự hào từ đó
rút ra những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo và xây dựng, bảo vệ đất nước;
nêu cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng trong việc nâng cao
năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng giai đoạn hiện nay; nêu bật những
thành tựu, kết quả đạt được về kinh tế, VH-XH, QP-AN, công tác xây dựng Đảng và
hệ thống chính trị trong thời gian qua trên quê hương Hà Tĩnh./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét