CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2021

ĐẢNG CỘNG SẢN CẦM QUYỀN GIỮ VAI TRÒ LÃNH ĐẠO NHÀ NƯỚC VÀ XÃ HỘI TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI HIỆN NAY

 

Đảng cầm quyền, trước hết là Đảng có quyền lực trên thực tế. Quyền lực đó thể hiện trực tiếp ở vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vai trò lãnh đạo của Đảng được thể chế hóa thành luật và được ghi vào Hiến pháp - bộ luật cơ bản, cao nhất của Nhà nước, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

Đảng cầm quyền có nghĩa là Đảng hoạt động công khai, hợp pháp; địa vị pháp lý của Đảng được pháp luật khẳng định, bảo vệ. Cán bộ, đảng viên của Đảng không chỉ làm việc trong các cơ quan đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội, mà một phần lớn còn làm việc trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục. Nhiều cán bộ, đảng viên của Đảng là công chức nhà nước, trong đó không ít người có chức, có quyền. Đó cũng là một hiện tượng bình thường. Vấn đề là ở chỗ, làm thế nào để họ không rơi vào thoái hóa, biến chất, nhất là trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường hiện nay, làm tổn hại tới uy tín, thanh danh của Đảng trước xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước do Đảng lãnh đạo. Trong di chúc, Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[1].

Đảng cầm quyền đã tạo cho Đảng rất nhiều thuận lợi về vật chất và tinh thần để đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, thông qua những thể chế hóa của Nhà nước và những hoạt động tuyên truyền, giáo dục trong xã hội. Song, khi đã ở vào vị thế cầm quyền, Đảng đứng trước hàng loạt nguy cơ, thách thức cần phải vượt qua. Đảng ta đã từng nhận thấy những nguy cơ, thách thức đó và không ít lần đưa ra những nhận định, đánh giá mang tinh thần phê phán và tự phê phán nghiêm khắc trong các văn kiện Đại hội, các nghị quyết Trung ương của Đảng. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã có những nghị quyết, chỉ thị rất quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là nghị quyết TW4 Khóa XI, XII của Đảng. Nhưng sự chuyển biến của tình hình trong Đảng đã không đạt được như yêu cầu, đòi hỏi của Đảng và sự mong mỏi của quần chúng nhân dân. Hầu như không có một Đảng Cộng sản cầm quyền nào, kể cả Đảng ta, có được khả năng miễn dịch trước những sự thoái hóa, biến chất, những cái xấu, những sự hư hỏng hoàn toàn xa lạ với bản chất cộng sản của Đảng.

Tình huống phức tạp nêu trên bao gồm cả quan niệm, nhận thức lý luận đến hệ thống thiết chế bộ máy, thể chế Đảng, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là sự phân định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Đảng, để phân biệt và xác lập mối quan hệ tương ứng với Nhà nước. Những vấn đề đó lại không tách rời với công tác tổ chức và cán bộ, công tác tư tưởng, giáo dục và kiểm tra của Đảng. Đó là cả một hệ vấn đề liên quan đến đời sống chính trị và hoạt động lãnh đạo của Đảng, ảnh hưởng trực tiếp tới Nhà nước và xã hội, mà trong một thời gian dài chậm được phát hiện, chậm được giải quyết và khi giải quyết lại không có những giải pháp đủ mạnh, đồng bộ nhằm cải thiện tình hình về căn bản.

Dưới đây, chúng ta xem xét những vấn đề đó, chủ yếu là những vấn đề mà thực tiễn đã bộc lộ khá đầy đủ; có thể thống nhất trong nhận thức và hành động trên những vấn đề cơ bản sau đây:

Một là, quyền lực của Đảng khác với quyền lực của Nhà nước; sự lãnh đạo của Đảng khác với sự quản lý của Nhà nước. Những điểm khác biệt rất căn bản này sẽ quy định những điểm khác biệt khác về chức năng, nhiệm vụ, phương thức, phương pháp hoạt động giữa Đảng và Nhà nước, giữa Đảng và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội. Do những điểm khác biệt đó không đủ rõ ràng, thấu đáo, chưa chuyển mạnh từ đổi mới nhận thức sang đổi mới tổ chức và hoạt động nên đã xảy ra tình trạng "Nhà nước hóa Đảng" và "hình thức hóa Nhà nước", làm cho Đảng trở nên hành chính hóa, quan liêu hóa kiểu nhà nước và Nhà nước không có thực quyền, vừa thụ động, vừa trì trệ, xơ cứng trong quản lý. Bộ máy của Đảng và Nhà nước đông mà không mạnh.

Quyền lực của Đảng cần được hiểu cho đúng, đó là quyền lực chính trị. Đảng là lực lượng lãnh đạo xã hội, quyết định những vấn đề về lựa chọn con đường phát triển của xã hội, về chế độ chính trị, mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa; đưa ra những định hướng lớn về quan điểm, nguyên tắc xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hệ tư tưởng của Đảng, thông qua lãnh đạo, tuyên truyền và giáo dục của Đảng, trở thành ý thức chung của toàn xã hội.

Đó là quyền lực của Đảng đối với xã hội. Còn đối với Nhà nước, Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng đường lối, nghị quyết, công tác tổ chức cán bộ và kiểm tra việc Nhà nước thực hiện, chấp hành đường lối, nghị quyết như thế nào, thông qua tổ chức đảng trong các cơ quan nhà nước và các cơ quan chuyên trách của hệ thống Đảng.

Trong nội bộ Đảng, quyền lực của Đảng được thể hiện trực tiếp và nổi bật nhất ở sức mạnh của tổ chức, của nguyên tắc tổ chức, của Điều lệ mà toàn Đảng và từng đảng viên phải chấp hành như là bộ luật của Đảng.

Nhà nước là hệ thống tổ chức quyền lực thực hiện sự ủy quyền của nhân dân. Quyền lực nhà nước là nhằm thực hiện và bảo vệ quyền lực của nhân dân lao động.

Đảng thực thi vai trò, chức năng và nhiệm vụ lãnh đạo, xét đến cùng, là để bảo đảm thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Đảng là người lãnh đạo, đồng thời là người đày tớ trung thành của nhân dân. Nhân dân là cơ sở xã hội, là điểm xuất phát và mục tiêu hoạt động của Đảng và Nhà nước. Đảng cũng như Nhà nước, chỉ có một mục đích, một lý do duy nhất tồn tại là vì cuộc sống, quyền tự do và hạnh phúc của nhân dân.

Nhà nước được tổ chức để thực hiện quyền lực chung, quyền lực công cộng, nên chức năng công quyền của nó phải được tôn trọng. Pháp luật là sự thể hiện ý chí và quyền lực của nhân dân, là phương tiện thể hiện quyền uy của Nhà nước. Do đó, tuy lãnh đạo Nhà nước nhưng Đảng không can thiệp vào hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước với tất cả những đặc thù của quản lý. Đảng cũng không thể lấn sân, bao biện, làm thay những công việc của chính quyền các cấp trong hệ thống quản lý hành chính từ trung ương đến cơ sở. Đảng là lực lượng lãnh đạo chính trị, quyết định những vấn đề chính trị thuộc về chiến lược phát triển, về đường lối, chủ trương, quan điểm, nguyên tắc đối với tổ chức và hoạt động của Nhà nước, nhưng Nhà nước lại là tổ chức quyền lực, thực thi vai trò, chức năng quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật. Đã có Nhà nước thì mọi công dân, mọi tổ chức xã hội đều phải tuân thủ, chịu sự kiểm soát, điều chỉnh của luật pháp. Để quản lý, Nhà nước buộc phải dùng đến sức mạnh của tổ chức và hành chính cũng như sức mạnh cưỡng chế của luật pháp. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Các tổ chức đảng và đảng viên chẳng những phải tuân thủ luật pháp mà còn phải gương mẫu chấp hành luật pháp để nêu gương cho xã hội và các công dân ngoài Đảng.

Hai là, hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng phải khác với hệ thống tổ chức bộ máy của Nhà nước để khắc phục tình trạng Nhà nước hóa Đảng và bảo đảm cho Nhà nước có thực quyền. Cả hai hệ thống này đều đang đứng trước yêu cầu bức xúc phải cải cách, đổi mới theo hướng dân chủ - pháp quyền, trong sạch, vững mạnh, chống quan liêu, tham nhũng có hiệu quả. Tổ chức bộ máy của Đảng phải bảo đảm cho Đảng thực sự là cơ quan lãnh đạo, nhất là các cơ quan đầu não, chiến lược. "Thà ít mà tốt", tinh thần ấy của V.I. Lênin phải được thấm nhuần trong đổi mới Đảng và đổi mới hệ thống chính trị nói chung, trước hết trong việc sắp xếp lại tổ chức, phân định chức năng, nhiệm vụ. Những luận điểm quan trọng của V.I. Lênin về sự cần thiết, tất yếu của việc thiết lập tổ chức bộ máy xuất phát từ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn liền với chất lượng con người và chế độ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm cá nhân, cần được quán triệt trong đổi mới lĩnh vực rất then chốt này.

Cơ quan đảng là cơ quan lãnh đạo chiến lược nên sự tinh gọn và tinh nhuệ, thể hiện thật rõ tính đặc thù của lãnh đạo chính trị phải được coi trọng. Sử dụng các chuyên gia giỏi vào công việc được chuyên môn hóa là một trong những cách tốt nhất để giảm thiểu tình trạng thừa bộ máy mà thiếu hoạt động như đã từng xảy ra. Hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của Đảng phải được giải phóng khỏi tính chất quan liêu, hành chính, tập trung những nguồn lực tốt nhất cho các cơ quan tư tưởng - lý luận, tổ chức và kiểm tra để hoạt động của Đảng thực sự là hoạt động lãnh đạo có tầm tư tưởng, trí tuệ cao, nhạy bén trong lĩnh vực tổ chức, năng động, kiên quyết, kịp thời và hữu hiệu trong kiểm tra, xử lý tình hình ở khắp mọi nơi. Đó là những yêu cầu không thể thiếu đối với tổ chức và lãnh đạo của Đảng.

Hệ thống tổ chức của các cơ quan nhà nước làm nhiệm vụ quản lý phải thiết kế sao cho đảm trách được chức năng quản lý hành chính nhà nước tốt nhất đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội; tách bạch quyền quản lý hành chính nhà nước với quyền quyết định sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tránh sự lẫn lộn, can thiệp, bao biện, chồng chéo. Quản lý là tạo điều kiện về môi trường xã hội, hành lang pháp lý, cung cấp thông tin, xác lập cơ chế, ban hành chính sách và hỗ trợ các nguồn lực, tạo ra động lực phát triển cho các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở. Muốn vậy, phải tăng cường chức năng công quyền của Nhà nước, tổ chức Nhà nước theo hướng hiện đại, đặc biệt chú trọng tới các công cụ và công nghệ quản lý.

Những đòi hỏi rất bức xúc hiện nay đối với việc xây dựng bộ máy nhà nước trên con đường tiến tới Nhà nước pháp quyền là: tạo ra một nền hành chính lành mạnh, thông suốt; xây dựng đồng bộ hệ thống luật và chính sách, bảo đảm đội ngũ công chức được đào tạo cơ bản, tinh thông chuyên môn, nghiệp vụ, tận tụy mẫn cán, am hiểu pháp luật và tôn trọng pháp luật; có chế độ công vụ, kỷ luật và đạo đức công chức được đề cao.

Đảng lãnh đạo Nhà nước cần tập trung vào những trọng điểm như thế để mọi hoạt động của Nhà nước bảo đảm thực hiện tốt nhất đường lối, cương lĩnh của Đảng bằng sức mạnh của Nhà nước, bằng năng lực và phẩm chất của các công chức Nhà nước.

Ba là, phương pháp lãnh đạo của Đảng khác với phương pháp quản lý của Nhà nước; đào tạo, huấn luyện cán bộ đảng khác với đào tạo, huấn luyện công chức nhà nước; bố trí, sử dụng cán bộ trong cơ quan đảng khác với bố trí, sử dụng cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước.

Những phương thức đặc trưng trong lãnh đạo của Đảng là giáo dục, tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát. Lãnh đạo bằng sự gương mẫu là một đặc trưng quan trọng trong lãnh đạo của Đảng, của các tổ chức đảng và đảng viên. Đảng phải luôn coi trọng nhiệm vụ củng cố sự vững mạnh các cơ sở xã hội của Đảng, biểu hiện ở mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, giữa đảng viên với quần chúng.

Đào tạo, huấn luyện trong Đảng, về thực chất, là đào tạo lý luận chính trị trên cơ sở một nền tảng học vấn, chuyên môn nhất định của đảng viên. Ở đây không thể xem nhẹ vấn đề giáo dục, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, công tác đoàn thể, công tác vận động quần chúng, năng lực và phương pháp làm việc với con người.

Theo đó, tác dụng và ý nghĩa sâu xa của đào tạo, huấn luyện trong Đảng là đào tạo, giáo dục và thực hành văn hóa chính trị. Điều này đặc biệt cần thiết và quan trọng đối với mọi cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản cầm quyền, làm việc và hoạt động ở mọi lĩnh vực, ở các cơ quan đảng, nhà nước và các đoàn thể, nhất là đối với các cán bộ đảng chuyên trách, những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp.

Việc bố trí, sử dụng cán bộ trong các cơ quan đảng đòi hỏi phải chú trọng đến tư cách đảng viên trên tất cả các mặt phẩm chất và năng lực, đặt họ vào những công việc, cương vị, chức trách sao cho họ phát huy tốt nhất những kiến thức và kinh nghiệm của mình.

Tư cách đảng viên trong thời kỳ đổi mới thể hiện trên ba phương diện: người lao động giỏi, người công dân gương mẫu và người chiến sỹ tiên phong. Không phải mọi đảng viên đều đã đạt tới những chuẩn mực ấy. Không ít đảng viên còn thua kém quần chúng ngoài đảng cả về năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức. Đó là điều không thể chấp nhận đối với yêu cầu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, bởi nó làm phương hại đến uy tín, thanh danh của Đảng Cộng sản cầm quyền.

Nhà nước quản lý xã hội bằng luật pháp, cơ chế, chính sách và những công cụ quản lý khác, trong đó hạt nhân của thể chế quản lý là luật pháp. Cần thấy rõ đặc trưng của quản lý nhà nước với tư cách là thẩm quyền của cơ quan quyền lực và hệ thống tổ chức quyền lực. Việc phê phán tình trạng quan liêu hóa, hành chính hóa hoàn toàn không có nghĩa là xem nhẹ phương thức hành chính, coi thường hành chính học vốn là điều cần thiết trong quản lý. Cũng như vậy, đã quản lý thì phải có uy quyền và trật tự quyền uy rõ ràng để không rơi vào tình trạng "trên nói dưới không nghe". Chống tập trung quan liêu nhưng không vì thế mà xem nhẹ tập trung; đề cao dân chủ nhưng không được tách rời pháp luật, kỷ luật, kỷ cương, dẫn tới thói tự do, vô chính phủ. Vấn đề là ở chỗ, thiết lập lại trật tự theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc tháo dỡ những lực cản đối với dân chủ phải gắn liền với việc tạo ra những hành lang an toàn để chặn đứng những phản dân chủ có thể xảy ra. Tất cả là ở sức mạnh của luật pháp, quy chế và các chế tài. Giải quyết các mối quan hệ giữa tập trung và dân chủ, tập quyền và tản quyền, phân cấp và phân quyền trong quản lý nhà nước đang là một vấn đề thời sự, là hướng tới xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Đặc thù của quản lý nhà nước quy định đặc thù của công tác đào tạo, huấn luyện công chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đặt vấn đề về chế độ thi tuyển, sát hạch công chức nhà nước, đòi hỏi công chức nhà nước phải thạo về chính trị, giỏi chuyên môn, có đạo đức "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". Chế độ trách nhiệm, kỷ luật và đạo đức công chức được tăng cường và chú trọng thực hiện sẽ là nhân tố bảo đảm cho Nhà nước trong sạch, nền hành chính công thông suốt, lành mạnh, phục vụ nhân dân có hiệu quả.

Việc bố trí, sử dụng công chức đã và đang đi theo hướng tiêu chuẩn hóa, chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Điều cần thiết lúc này là phải có những thay đổi về cơ chế, chính sách, tạo động lực thúc đẩy công chức làm việc tự giác, tích cực, tận tụy; bảo đảm cho đội ngũ và từng cá nhân công chức tích cực chống quan liêu, tham nhũng và quyết tâm thực hành dân chủ, liêm khiết, công tâm, chính tâm, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nêu ra.

Sự phân biệt và phân định trên đây đã cố gắng làm rõ những khác biệt giữa Đảng và Nhà nước trên một số mặt căn bản. Nhận thức đúng những khác biệt đó sẽ là cơ sở để thực hiện những đổi mới trong Đảng, trong Nhà nước và hệ thống chính trị nói chung, nhằm làm tăng hiệu quả lãnh đạo của Đảng cầm quyền, quản lý của Nhà nước, tham gia kiểm tra, giám sát của các đoàn thể.

Một Đảng Cộng sản cầm quyền trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo Nhà nước và xã hội theo đúng quy luật, đáp ứng đúng những đòi hỏi của thực tiễn, có tầm nhìn xa, trông rộng, có những quyết sách sáng suốt, kịp thời, có phong cách dân chủ, tôn trọng sự thật và dũng cảm tự phê phán để tự đổi mới, đi tiên phong trong đổi mới, với đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, lời nói đi đôi với việc làm… đó là nhân tố quan trọng nhất, quyết định thành công của đổi mới.

                                                                                            NXT - H1

 

 



[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, Tập 15, tr.611

0 nhận xét: