CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

ĐOÀN KẾT TÔN GIÁO THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH NGĂN CHẶN “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH”

 

Tôn giáo là một hiện tượng xã hội phức tạp, có liên quan và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Nghiên cứu, tìm hiểu nội dung tư tưởng đoàn kết tôn giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng trong công tác nghiên cứu lý luận, góp phần thực hiện tốt công tác tôn giáo của Đảng và góp phần hữu hiệu trong việc ngăn chặn “diễn biến hòa bình”.

Những năm 70 của thế kỷ XX về trước, vấn đề “diễn biến hòa bình” chưa được đề cập ở nước ta. Tuy nhiên, sinh thời Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta. Do đó, Người luôn quan tâm đến vấn đề này. Những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo được đề cập toàn diện: đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do không tín ngưỡng, tôn giáo...

Những năm gần đây các thế lực thù địch luôn khai thác, lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo gắn với vấn đề nhân quyền để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta. Chúng luôn lợi dụng sự sơ hở, thiếu sót trong việc thực hiện chính sách dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc, vu khống nước ta vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; gây sức ép với ta trên các diễn đàn song phương và đa phương về tự do tôn giáo và nhân quyền với các luận điệu không khách quan, thiếu thiện chí để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Do đó, thực hiện tốt quan điểm của Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo trong giai đoạn hiện nay là việc làm hết sức cần thiết, quan trọng, thường xuyên, liên tục để ngăn chặn “diễn biến hòa bình”.

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Có những tôn giáo được hình thành từ nước ngoài rồi du nhập vào Việt Nam và có những tôn giáo được hình thành ngay tại nước ta. Nhìn chung các tôn giáo Việt nam có truyền thống đoàn kết, hòa đồng, gắn bó với dân tộc. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, đại đoàn kết toàn dân, trong đó đoàn kết dân tộc và tôn giáo là yếu tố cơ bản đưa cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trong mọi giai đoạn. Tư tưởng đó nằm trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc được thể hiện thần thánh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao và giáo dục ý thức cho cộng đồng “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”[1].

Để tập hợp và đoàn kết lương - giáo, Người thường xuyên nhắc nhở đồng bào và chiến sĩ cả nước phải quan tâm chăm sóc cuộc sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các tôn giáo và mong sao “Sản xuất sẽ ngày càng phát triển, phần xác ta được ấm no thì phần hồn cũng được yên vui”[2]. Năm 1962, khi nói chuyện tại lớp Huấn luyện cán bộ mặt trận, Người căn dặn: “Phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận, ấm no, xây dựng Tổ quốc, phải chấp hành chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng đối với tất cả các tôn giáo”[3]. Tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo cần phải đi đôi với việc phân biệt rõ ràng nhu cầu tín ngưỡng chân chính của quần chúng với âm mưu lợi dụng tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, xâm hại đến độc lập dân tộc. Chia rẽ dân tộc là thủ đoạn xảo quyệt của thực dân, đế quốc, của các thế lực phản động, Người nói: “Địch âm mưu chia rẽ thì ta lên khẩu hiệu: đoàn kết toàn dân”[4]. Nhờ nâng cao tinh thần đoàn kết lương - giáo, tinh thần đoàn kết dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được nhiều chức sắc, tín đồ các tôn giáo và họ cũng hết lòng phấn đấu cho sự nghiệp cứu nước. Từ đó, những định kiến, mặc cảm về vấn đề tôn giáo do lịch sử để lại được xóa dần và âm mưu chia rẽ tôn giáo của các thế lực thù địch bị thất bại. Theo Người, đoàn kết lương - giáo là đoàn kết lâu dài, toàn diện, là vấn đề chiến lược, tạo sức mạnh cho dân tộc Việt Nam trong bất cứ giai đoạn nào.

Với tình cảm chân thành, cởi mở, bao dung và luôn thấu hiểu nỗi trăn trở và suy tư của đồng bào, bác đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng tín đồ các tôn giáo. Tình cảm của đồng bào các tôn giáo được thể hiện sâu đậm qua phát biểu tại Đại hội Đại biểu lần thứ III của những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tại Hà Nội ngày 30/12/1997: “Người Công giáo Việt Nam hết lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ân cần chăm sóc đoiè sống vật chất cũng như tinh thần của người Công giáo. Cũng nhờ chính sách đại đoàn kết của Người, những ngăn cách giữa các tôn giáo bị xóa bỏ, hiện nay tình đoàn kết giữa các tôn giáo ngày càng tốt hơn, thân ái hơn để giúp nhau xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo”.

Cho đến nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo vẫn còn nguyên giá trị, là cơ sở lý luận quan trọng của Đảng ta về lĩnh vực tôn giáo, là bài học quý cho chúng ta học tập và làm theo, là giải pháp quan trọng để ngăn chặn và làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta.

                                                                                T.H.H - H2

 

 



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, HN 2001, t.4. tr.19.

[2] Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, HN 2001, t.10. tr.462.

[3] Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, HN 2001, t.13. tr.454.

[4] Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, HN 2001, t.13. tr.454.

0 nhận xét: