CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH - CHÂN DUNG CỦA MỘT VỊ LÃNH TỤ HẾT LÒNG YÊU THƯƠNG CON NGƯỜI

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Trước khi về với “thế giới người hiền”, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta một di sản tinh thần quý báu, trong đó tư tưởng về con người là vấn đề hàng đầu, xuyên suốt trong cuộc đời cách mạng của Người. Tình yêu thương con người, bản chất nhân văn, nhân bản xuất phát từ triết lý sống của Người: “Nghĩ cho cùng, mọi vấn đề... là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại bị đau khổ, áp bức”[1]. Cả cuộc đời của Người luôn phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng con người, dành tất cả tình yêu thương cho mọi kiếp người đau khổ, lầm than. Người khẳng định: “Lòng yêu thương của tôi đối với nhân dân và nhân loại không bao giờ thay đổi” và trong bản Di chúc cuối cùng trước lúc Người đi xa, Người viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”[2].

Tình yêu thương con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tình cảm rộng lớn của một bậc đại nhân. Trong trái tim yêu thương đó của Người, hễ là người Việt Nam yêu nước thì đều có chỗ; đều được thương yêu, được thấu cảm, được chia sẻ và được nâng niu. Và trong trái tim yêu thương bao la ấy cũng không có sự phân biệt người miền núi, người miền xuôi, người già hay trẻ, gái hay trai... Đó thực sự là tình cảm của người “chung một nước”, người “cùng cảnh ngộ”. Thậm chí những người “lầm đường lạc lối” cũng được Hồ Chí Minh nâng đỡ dìu dắt cuộc đời theo hướng cái thiện. Đó không phải là thứ tình cảm ban phát của kẻ bề trên dành cho người dưới; cũng không phải là tình cảm của người ngoài nhìn vào thương cảm. Tình yêu thương vô hạn đối với con người của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ sự thấu hiểu hoàn cảnh sống của con người, của người lao động. Người đau thắt lòng khi nghe tiếng người vợ “khóc chồng” trong đêm vắng vì bị bắt đi phu, đi lính cho bọn thực dân, phong kiến không biết ngày trở về. Người chết lặng khi thấy cảnh cụ già, trẻ nhỏ tàn tạ, quay quắt vì đói, rét, bệnh tật. Trong khi đó, bọn thực dân, phong kiến lại phè phỡn, xa hoa, lãng phí. Hơn mười năm lao động cực nhọc, đói rét khi làm phụ bếp, quét tuyết, đốt than, làm thợ ảnh... theo con đường của nhân dân lao động, Hồ Chí Minh càng cảm nhận rõ nét cuộc sống cùng cực, khổ đau của những người dân lao động.

Không chỉ dành tình yêu thương vô hạn cho người dân lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh còn dành tình yêu thương ấy cho mọi kiếp người cần lao trên thế giới. Người khẳng định: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”[3].

Với cách nhìn mang tầm khái quát chung toàn nhân loại, Hồ Chí Minh nhận thấy sự phân chia con người thành hai giống khác nhau: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Người cũng nhận thấy những nét tương đồng của những người lao động trên thế giới là: tình yêu thương, tình hữu ái vô sản. Cho nên, trong ba mươi năm hoạt động ở nước ngoài, Hồ Chí Minh đã không ngừng phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng người lao động khắp mọi nơi trên thế giới. Người viết bài, viết báo tố cáo, lên án sự tàn độc của chủ nghĩa thực dân đế quốc đối với giai cấp cần lao. Người trực tiếp tham gia vào các cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Tất cả những hoạt động đó của Hồ Chí Minh, xét đến cùng đều nhằm mục đích giải phóng người lao động trên toàn thế giới khỏi kiếp lầm than, nô lệ dưới chế độ thực dân đế quốc. Trong cái nhìn rất con người, Hồ Chí Minh nhận thấy: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[4]. Đây là cơ sở, tiền đề “sinh ra bình đẳng”, “quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc” của mỗi người. Hồ Chí Minh luôn phấn đấu không ngừng cho những quyền không thể chối cãi đó của con người.

Hồ Chí Minh còn dành tình yêu thương cho cả người lính Pháp và lính Mỹ phải chết một cách vô ích trong cuộc chiến tranh xâm lược của nhà cầm quyền nhằm thỏa mãn lòng tham không đáy của bọn tư sản. Người nói: “Than ôi, trước lòng bác ái thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”[5]. Thái độ đó của Người, bắt nguồn từ việc trân trọng từng giọt máu, từng sinh mệnh của con người. Vì tình yêu thương con người, Hồ Chí Minh đã viết thư cho tướng Xalăng - chỉ huy quân viễn chinh Pháp, yêu cầu: “Vì tình yêu thương con người, lòng nhân đạo và nhân danh tình bạn của chúng ta, tôi yêu cầu Ngài nghiêm cấm binh lính Pháp sát hại dân lành, hãm hiếp phụ nữ, đốt phá làng mạc và phá hủy nhà thờ, đền miếu như họ vẫn làm từ trước tới nay”[6]. Vì tình yêu thương con người, Hồ Chí Minh không đồng tình với quan điểm một trận đánh đẹp là trận đánh giết được nhiều quân địch. Vì tình yêu thương con người, Hồ Chí Minh luôn lấy “khoan hồng đại độ”, “lấy tình thân ái mà cảm hóa” những người “lầm đường lạc lối”, “trước đây chống chúng ta”. Sự cao thượng, nhân văn này của Hồ Chí Minh thể hiện rõ truyền thống văn hóa một dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, ghét chiến tranh; luôn quý trọng sinh mệnh con người. Lời cuối cùng trong Di chúc, cũng là những lời xúc động nhất “tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”[7]. Cho đến lúc đi xa, Bác vẫn để lại trên cõi đời này muôn vàn tình thương yêu cho toàn thể dân tộc.

Tư tưởng yêu thương con người của Hồ Chí Minh thấm đượm chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân ái, truyền thống văn hóa Việt Nam: kế thừa tư tưởng nhân văn, nhân đạo trong văn hóa phương Đông, phương Tây; phát triển chủ nghĩa nhân đạo hiện thực của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là chủ nghĩa nhân văn “chân chính”, chủ nghĩa nhân văn hiện thực của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong đó, lòng thương yêu nhân dân, thương yêu người cùng khổ gắn với tình thương yêu nhân loại. Lòng thương yêu thống nhất với lòng tin, sự tôn trọng và ý chí cùng hành động triệt để cùng giải phóng nhân dân, nhân loại. Bản thân Hồ Chí Minh là hình mẫu của con người thời đại mới, thời đại kết hợp  giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội với giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn với tự do hạnh phúc, với chủ nghĩa xã hội.

                   T.H.H - H2

 

 



[1] Hồ Chí Minh, nhà nước và pháp luật Việt Nam, Nxb Pháp lý, H.1990, tr.174.

[2] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, HN 2011, tr.612.

[3] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, HN 2011, tr.287.

[4] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, HN 2011, tr.1.

[5] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, HN 2011, tr.510.

[6] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, HN 2011, tr.170.

[7] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, HN 2011, tr.512.

0 nhận xét: