CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

TƯ TƯỞNG CỦA C. MÁC VỀ GIẢI PHONG CON NGƯỜI

 

Giải phóng con người khỏi mọi sự khổ đau, đem lại cho con người một cuộc sống tự do, hạnh phúc là khát vọng ngàn đời của nhân loại, là điều quan tâm lớn nhất của các nhà tư tưởng ở mọi thời đại. Vượt lên trên tất cả, C.Mác không chỉ là một nhà tư tưởng mà còn trở thành một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của mọi thời đại, là người sáng lập học thuyết về sự tự giải phóng của con người.

Với trí tuệ thiên tài, với sức mạnh của tư duy biện chứng duy vật, ngay từ 1844, trong Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, C.Mác đã phát hiện ra tính hai mặt của lao động, của sở hữu tư nhân và từ đó, khẳng định chính lao động bị tha hoá là nguồn gốc cơ bản trực tiếp và sở hữu tư nhân là nguồn gốc suy đến cùng đã dẫn đến mọi nỗi khổ đau của nhân loại, của mỗi con người và làm cho con người bị tha hoá. Từ đó, C.Mác chỉ ra: Để giải phóng con người, cần phải xoá bỏ thứ sở hữu tư nhân đó.

Với tư duy biện chứng duy vật, trên cơ sở kế thừa những tư tưởng tiến bộ của nhân loại, C.Mác đã khẳng định: Chủ nghĩa cộng sản chính là sự  phủ định tất yếu, tự nhiên mà lịch sử xã hội loài người dành cho chế độ tư hữu, là một bước tiến lớn của lịch sử trong sự nghiệp giải phóng con người. Chủ nghĩa cộng sản là sự giải phóng triệt để mọi lực lượng bản chất của con người; biến mọi cảm giác, thuộc tính và nhu cầu của con người thành cảm giác, thuộc tính và nhu cầu xã hội; biến cả thế giới đối tượng thành “thế giới đối tượng có tính chất người”; giải phóng con người khỏi cả tôn giáo - một biểu hiện cơ bản của sự tha hoá con người về ý thức, tinh thần và giải phóng con người khỏi cả chế độ tư hữu - nhân tố cơ bản làm con người tha hoá trong hiện thực. Do vậy, chủ nghĩa cộng sản như là “sự xoá bỏ một cách tích cực chế độ tư hữu - sự tự tha hoá ấy của con người”, là “chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị” với tư cách yêu cầu khách quan của cuộc sống, là “chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị”, là “sự chiếm hữu một cách thực sự bản chất con người bởi con người, vì con người”[1]. Chủ nghĩa cộng sản quyết không phải là thứ chủ nghĩa cộng sản thô lỗ, cùng khổ, phủ nhận toàn bộ sự phát triển của văn hoá, văn minh trước đó để trở về trạng thái giản đơn, trái tự nhiên, làm mất hết nhu cầu phong phú của con người, đưa con người xuống địa vị còn thấp hơn cả địa vị của con người trong chế độ tư hữu.

Ngày nay, thế giới đã có nhiều đổi thay so với thời kỳ C.Mác, sự thích nghi của chủ nghĩa tư bản và sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu khiến không ít người hoài nghi về tính đúng đắn của học thuyết giải phóng con người của C.Mác. Vậy, phải chăng chủ nghĩa tư bản hiện đại đã thay đổi bản chất của nó, đã trở nên nhân đạo, nhân văn hơn? Câu trả lời là không! Chủ nghĩa tư  bản hiện đại ngày nay, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do lợi dụng được những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại và trước sức ép từ những thành tựu giải phóng con người của chủ nghĩa xã hội nên đã tiến hành hàng loạt sự điều chỉnh về chế độ sở hữu, về đảm bảo công ăn việc làm và đời sống cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động. So với thời kỳ của C.Mác, giờ đây, đời sống vật chất, văn hoá của giai cấp công nhân đã được đảm bảo hơn, số người lao động trí óc ngày càng tăng, số người lao động chân tay giảm, nhà nước tư sản ngày càng có vai trò quan trọng trong điều tiết nền kinh tế… Nhưng những điều đó không làm thay đổi bản chất của chủ nghĩa tư bản.

  Hiện nay, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại hiện đã đến giai đoạn chủ nghĩa tư bản toàn cầu, giai đoạn có thể coi là cuối cùng của sự phát triển của nó, đồng thời cũng là thời kỳ chuẩn bị cho sự phủ định của lịch sử đối với chính nó để thay thế nó bằng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Giai đoạn có thể coi là cuối cùng này trong sự phát triển của chủ nghĩa tư bản được biểu hiện, trước hết, bởi những điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản về kinh tế - xã hội, như đã phân tích trên đây, nhằm thích nghi trong điều kiện mới đã đến giới hạn cuối cùng, không cho phép giai cấp tư sản tiếp tục điều chỉnh, nếu không muốn chuyển sang một chế độ xã hội khác. Mặt khác, sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản hiện đại cùng những điều chỉnh của chúng đã làm xuất hiện nhiều hơn những mầm mống của chủ nghĩa xã hội tương lai. Lực lượng sản xuất đã phát triển đạt trình độ xã hội hoá rất cao, việc xích lại gần nhau giữa lao động trí óc và lao động chân tay, giữa thành thị và nông thôn…, quản lý kinh tế của nhà nước tư sản ngày càng có hiệu quả “đến mức chỉ cần thay đổi bản chất giai cấp của nhà nước thì chúng ta đã tiếp cận đến mô hình nhà nước chủ nghĩa hiện đại”[2] - đó là những tiền đề khách quan tự phủ định chủ nghĩa tư bản, ngoài ý muốn của giai cấp tư sản. Điều đó cũng chứng tỏ nhân loại nhất định sẽ đi tới chủ nghĩa xã hội, “một chủ nghĩa xã hội nhân văn, đặt con người… lên trên hết mọi thứ”[3] như một tương lai tất yếu của mình.

  Theo đó, có thể khẳng định, học thuyết giải phóng con người của C.Mác vẫn là một học thuyết mang bản chất cách mạng và khoa học, có sức sống trường tồn. Học thuyết đó vẫn soi sáng con đường cách mạng tự giải phóng của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới trong thời đại ngày nay. Học thuyết đó nhất định thắng lợi mà không một  thế lực nào ngăn cản nổi./.

 ĐHQ-H2



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.42. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.167

[2] Trần Xuân Trường. Vận mệnh lịch sử của chủ nghĩa tư bản. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.71.

[3] Nguyễn Văn Thanh. Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản trong quá trình toàn cầu hoá. Tạp chí Cộng sản, số 785, 2008, tr.110

0 nhận xét: