Cứ mỗi dịp đến ngày Quốc tế thiếu
nhi 01 tháng 6, mỗi người dân Việt Nam lại bồi hồi súc động nhớ đến Bác Hồ, Người
đã hiến dâng trọn vẹn cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải
phóng con người, nhất là các thế hệ thiếu niên nhi đồng Việt Nam.
Đối
với Hồ Chí Minh, trẻ em là những mầm non tương lai của đất nước, phải được quan
tâm, chăm sóc đặc biệt; các em phải được vui chơi, được tạo điều kiện phát triển
toàn diện. Người từng nói: “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ biết học hành
là ngoan”[1].
Thế nhưng, khi nước nhà trong cảnh
lầm than, trẻ em phải chịu cảnh nô lệ, phải cơ cực lầm than. Điều này khiến Hồ
Chí Minh vô cùng xót xa:
“Chẳng may vận nước gian nan
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng
Học hành giáo dục đã không
Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa
Sức còn yếu, tuổi còn thơ
Mà đã khó nhọc cũng như người già
Có khi lìa mẹ, lìa cha
Để làm tôi tớ người ta bên ngoài”[2].
Chính
vì thế, từ khi nước ta giành được độc lập, gần như năm nào cũng vậy, dù bận
trăm công nghìn việc nhưng vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, hay Tết
Trung thu, Bác Hồ đều viết thư cho thiếu niên, nhi đồng với lời lẽ ân cần,
trìu mến, chí tình. Bác dành những món quà thật ý nghĩa để động viên các cháu
thiếu niên nhi đồng có thành tích tốt trong học tập và tích cực tham gia công
cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Không chỉ vậy, trong muôn vàn tình yêu thương
gửi lại cho toàn Đảng, toàn dân trước khi “đi gặp Cụ Các Mác, cụ Lênin”, Người
vẫn dành một tình cảm to lớn cho các cháu thiếu niên, nhi đồng: “Cuối cùng, tôi
để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho
các cháu thanh niên và nhi đồng”. Hình ảnh Bác Hồ bón cơm cho em nhỏ, hình ảnh
Người vui Tết Trung thu với các em thiếu niên, nhi đồng thật gần gũi, giản dị
mà chan chứa yêu thương! Tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của Người
qua những bức thư, lời dạy, bài viết gửi thiếu niên nhi đồng cả nước nhân dịp Tết
Thiếu nhi, ngày khai trường, Tết Trung thu... mãi mãi khắc sâu, trở tài sản vô
giá đối với thế hệ măng non nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Tình yêu trẻ thơ của Bác không đơn
giản là một tình cảm thông thường. Đó còn là một tình cảm sâu sắc, rộng lớn xuất
phát từ một chủ nghĩa nhân đạo cao cả với niềm tin là các cháu sẽ trở thành lớp
người tiếp tục sự nghiệp của cha ông, những người trực tiếp xây dựng xã hội
tương lai. Trong thư gửi các em học sinh, Bác tin tưởng rằng: “Non sông Việt
Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang
để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn
ở công học tập của các em”[3].
Từ tình cảm bao la và niềm tin sâu
sắc ở thiếu nhi, Bác Hồ luôn căn dặn các cháu phải xứng đáng với công lao của
bao thế hệ cha anh để đem lại nền độc lập cho nước nhà và xứng đáng với một nước
Việt Nam mới. Bác gửi cho các em những lời khuyên thật hữu ích: “Trong năm học
tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn”[4].
Bác dặn các em phải giúp sức thiết thực cho công cuộc kháng chiến, tùy vào năng
lực và lứa tuổi: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Tùy theo sức của mình”[5].
Với các em lớn, Bác cho rằng ngoài giờ học ở trường, phải tham gia vào các Hội
cứu quốc để tập luyện thêm cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài
việc nhẹ nhàng trong cuộc phòng thủ đất nước.
Xác định được vai trò quan trọng của
lực lượng hậu bị, Bác Hồ thường nhắc nhở các cấp, các ngành, đoàn thể phải làm
tốt công tác chăm sóc và giáo dục thiếu nhi. Trong bài viết “Nâng cao
trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên báo Nhân Dân
ngày 01-6-1969, Bác viết: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước
nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn
dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”[6].
Bác nhắc nhở các gia đình, các đoàn thể phải có kế hoạch cụ thể chăm sóc và
giáo dục các cháu, làm cho các cháu ngày càng khoẻ mạnh và tiến bộ. Các tỉnh,
thành ủy cần phải phụ trách và đôn đốc việc này cho có kết quả.
Về phương pháp giáo dục thiếu nhi,
theo Bác, phải phù hợp với lứa tuổi của các em, không gò ép các em theo khuôn
khổ người lớn. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc năm
1950, Bác cho rằng giáo dục nhi đồng là một khoa học, do đó: “Cách dạy trẻ, cần
làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ
kỷ luật, học văn hoá. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ hoạt bát, tự
nhiên tự động trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hoá ra già cả”[7].
Bác cũng căn dặn người lớn (trước hết là bố mẹ, cô giáo, thầy giáo, Đoàn Thanh
niên) về nhiệm vụ của mình đối với nhi đồng: Yêu quý các em là phải lấy tinh thần
dân chủ mới mà giáo dục các em “5 điều yêu”: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao
động, yêu khoa học, yêu quý của công; nuôi dạy các em phát triển sức khỏe, trí
óc, thành trẻ em có “4 tính tốt”: Hoạt bát, mạnh dạn, chất phác, thật thà... và
có tư cách của con người mới: Không sợ khó, không sợ khổ, bạo dạn, bền gan. Đồng
thời, phải khéo giáo dục để mai sau nhi đồng trở thành công dân có tài, có đức,
xứng đáng là người chủ của nước nhà.
Tình cảm của Bác Hồ có sức lan tỏa
mãnh liệt trong thiếu niên, nhi đồng cả nước, thôi thúc các em tham gia đánh
Tây, đuổi Nhật, giải phóng dân tộc thống nhất nước nhà. Trong kháng chiến chống
thực dân, đế quốc xâm lược, đã có biết bao tấm gương thiếu niên, nhi đồng anh
dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc mà tiêu biểu là Kim Đồng, Vừ A
Dính, Lê Văn Tám, các đơn vị nổi tiếng như: Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng, Đội
Thiếu niên du kích thành Huế, Đội Thiếu niên du kích Đồng Tháp Mười...
Thấm nhuần tư tưởng của
Bác “Chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn
dân”, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, văn
bản pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến bảo vệ các quyền trẻ em. Lời
dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm trồng người” của Bác Hồ
đã, đang và sẽ tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân ta học tập, làm theo với
phương châm “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”! Điều đó được thể hiện từ
các bản Hiến pháp, các Bộ luật, Luật đến các văn bản dưới luật đã tạo thành một
hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em phù hợp với các công ước quốc tế và truyền thống
văn hóa của dân tộc. Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, là măng non sẽ
góp phần xây dựng và phát triển xã hội sau này.
Tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, công
tác chăm sóc “thế hệ măng non của đất nước” luôn được cấp ủy, chỉ huy các cấp
quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Mỗi dịp kỉ niệm ngày quốc tế thiếu nhi 01/6, tết
Trung thu và mỗi năm học, Công đoàn cơ sở, Hội Phụ nữ cơ sở các đơn vị tổ chức
tặng quà động viên các cháu thiếu nhi, các cháu học sinh đạt thành tích học tập
tốt là con em cán bộ, nhân viên trong đơn vị. Trong mỗi đợt thực hiện công tác
dân vận, các đơn vị luôn quan tâm tới các cháu thiếu nhi địa phương bằng những
hành động thiết thực như: cắt tóc miễn phí, dạy hát múa cho các cháu thiếu nhi.
Những hoạt động thiết thực của mỗi đơn vị đã, đang góp phần không nhỏ vào việc
chăm sóc, bồi dưỡng những chủ nhân tương lai của đất nước, giúp các em được
phát triển một cách toàn diện./.
NMH-H1
[1] Hồ
Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập 3, tr.240
[2] Hồ
Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập 3, tr.240
[3] Hồ
Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập 4, tr.35
[4] Hồ
Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập 4, tr.34
[5] Hồ
Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập 7, tr.499
[6] Hồ
Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập 15, tr.579
[7] Hồ
Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập 6, tr.427
0 nhận xét:
Đăng nhận xét