CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 21 tháng 9, 2021

KHÔNG CÓ TỰ DO TÔN GIÁO MỘT CÁCH TUYỆT ĐỐI

 

    Quyền “tự do tôn giáo” nói riêng là những quyền tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ bởi pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Song, lợi dụng quyền tự do tôn giáo để đòi “tự do tuyệt đối về tôn giáo” (tôn giáo đứng ngoài pháp luật) dù mục đích nào cũng đều phi thực tiễn, không thể chấp nhận. Sở dĩ có quan niệm cho rằng “tự do tuyệt đối về tôn giáo”, là bởi họ đã cố tình vin vào cái gọi là “thuyết nhân quyền tự nhiên” về quyền tự do tuyệt đối, vĩnh hằng, không bị giới hạn “không một chủ thể nào, kể cả nhà nước, có thể ban phát hay tước bỏ các quyền bẩm sinh, vốn có của con người”. Đây là điều hết sức phi lý. Vì trong xã hội, nếu không có hoạt động quản lý của nhà nước thì các quyền tự do cơ bản của con người không thể thực hiện, tất yếu sẽ dẫn đến mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân. Bên cạnh một số ít quyền tuyệt đối, như: quyền được sống, còn lại đa số các quyền đều là quyền tương đối, thụ hưởng các quyền đó phải có điều kiện, phải chịu sự chế ước của xã hội. Điều đó càng có sức thuyết phục khi mỗi tín đồ tôn giáo đồng thời là công dân, được thực hiện các quyền của mình, nhưng phải thực hiện nghĩa vụ công dân, tuân thủ pháp luật nhà nước. Như vậy, ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, quyền tự do tôn giáo đều phải diễn ra trong khuôn khổ pháp luật, không thể có tự do vô chính phủ, tự do vô nguyên tắc, xem thường pháp luật. Ở Việt Nam, Điều 15, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 chỉ rõ: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”.

    Thực tiễn trên thế giới, các quốc gia có nền kinh tế phát triển đều quan niệm về tự do tín ngưỡng, tôn giáo phải đặt trong mối quan hệ với nhà nước và pháp luật. Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Ðức quy định: tự do tôn giáo, tín ngưỡng được bảo đảm, nhưng hoạt động của một tổ chức tôn giáo có thể bị giới hạn hay bị cấm nếu như mục đích và hoạt động của tổ chức đó vi phạm quy định của Luật hình sự hay chống lại chế độ xã hội đã được quy định trong Hiến pháp. Tại Áo, Ðiều 28, Bộ Luật về hội đoàn chỉ rõ: một tổ chức tôn giáo có thể bị giải tán nếu vi phạm quy định trong Bộ luật Hình sự. Ở Mỹ, tuy Hiến pháp nước này không đưa ra giới hạn đối với tôn giáo, nhưng lại chỉ rõ: các cơ quan chính quyền của bang trực tiếp thi hành việc giám sát các hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn hành chính của bang, chỉ sau khi được chính quyền xem xét, đồng ý cho phép thành lập thì các tổ chức tôn giáo mới được phép hoạt động và có tư cách pháp nhân, v.v. Điều này cho thấy: các quốc gia đã đặt ra giới hạn cho tự do tôn giáo, nhằm bảo đảm trật tự, lợi ích chung của xã hội và của người dân. Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong luật pháp quốc tế cũng như pháp luật các quốc gia không phải là một quyền tuyệt đối. Các quan điểm biện hộ cho “quyền tự do tuyệt đối về tôn giáo” không chỉ đi ngược lại hiến pháp, pháp luật các quốc gia mà còn đi ngược lại pháp luật quốc tế về tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

    Thực tế ở Việt Nam có không ít hoạt động tôn giáo nhuốm màu mê tín dị đoan, trái với văn hóa truyền thống, không được pháp luật cho phép, như: hoạt động của Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ, Pháp Luân Công, Dương Văn Mình, Nhất quán đạo, v.v. Một số vụ vi phạm pháp luật bị đưa ra xét xử, phạt tù, điển hình là: đối tượng Rah Lan Hip (trú tại Ia Băng, Chư Prông, Gia Lai) bị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên phạt 7 năm tù, vì đã tổ chức nhóm họp “Tin lành Đề ga”, tuyên truyền duy trì hoạt động Fulro để thành lập cái gọi là Nhà nước Đề ga của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, vi phạm Khoản 1, Điều 116, Bộ luật Hình sự năm 2015 “Phá hoại chính sách đại đoàn kết”. Một số linh mục: Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam, Nguyễn Duy Tân,… bị hạn chế đi lại, do các linh mục này có nhiều hoạt động không phải là hoạt động tôn giáo thuần túy. Họ đã lợi dụng tòa giảng để chống chính quyền, có nhiều phát biểu đăng trên mạng xã hội xuyên tạc lịch sử Việt Nam, vi phạm Điều 5, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo: “quy định các hành vi bị nghiêm cấm các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự an toàn xã hội, gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo”. Gần đây, một số linh mục tại các giáo xứ: Hà Lời (Phong Nha, Bố Trạch, Quảng Bình); Xuân Hòa (Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình); Dũ Thành (Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh); Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) vi phạm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các quy định của Bộ Y tế và địa phương về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Hành động này của các vị linh mục, xét cho cùng đã “lạm quyền” tự do thể hiện tôn giáo một cách thái quá, vi phạm nguyên tắc thượng tôn pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, những luận điệu xuyên tạc, vu cáo chỉ là chiêu trò lợi dụng vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Nhà nước Việt Nam./.

P.T.H.H2

 

0 nhận xét: