Học thuyết triết học Mác - Lênin là
tinh hoa trí tuệ nhân loại được C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin xây dựng, phát
triển trên cơ sở những thành tựu cao nhất của tư tưởng nhân loại, của khoa học
tự nhiên hiện đại và của kinh nghiệm thực tiễn xã hội loài người. Những nguyên
lý, khái niệm, phạm trù, quy luật và phương pháp luận cơ bản của nó mang tính
phổ biến và phổ quát. Chúng bao quát, tác động, chi phối cả giới tự nhiên, đời
sống xã hội và tư duy, trí tuệ nhân loại ở tất cả các chế độ xã hội và trong mọi
giai đoạn lịch sử. Vì vậy, triết học Mác - Lênin trở thành thế giới quan và phương
pháp luận khoa học cho hoạt động của con người và nhân loại tiến bộ. Từ khi chủ
nghĩa duy vật biện chứng ra đời cho đến nay, nhân loại đã chứng kiến những biến
đổi lớn lao trong khoa học và thực tiễn xã hội; nhất là trong cuộc cách mạng
khoa học - công nghệ hiện đại, quá trình toàn cầu hóa và phát triển kinh tế tri
thức... Tất cả những biến đổi đó không đối lập và mâu thuẫn với những kết luận
của triết học duy vật biện chứng với tư cách là thế giới quan và phương pháp luận
của hoạt động người, mà chúng càng chứng minh tính đúng đắn, cách mạng, sáng tạo
của triết học duy vật biện chứng, càng làm sâu sắc và sinh động hơn tính biện
chứng của thế giới vật chất; đồng thời nó tạo ra những điều kiện mới cho việc
tiếp tục nghiên cứu khái quát và bổ sung, phát triển triết học duy vật biện chứng.
Đúng như Ph.Ăngghen nhận xét, mỗi khi có phát minh lớn trong khoa học tự nhiên
thì chủ nghĩa duy vật sẽ phải thay đổi hình thức của mình. Chủ nghĩa duy vật lịch
sử, mà cốt lõi là lý luận hình thái kinh tế - xã hội, đã và đang định hướng cho
việc xây dựng, đổi mới, bổ sung và phát triển xã hội hiện đại theo hướng văn
minh và tiến bộ. Trong xã hội hiện đại, sản xuất vật chất (kinh tế) vẫn là nền
tảng của đời sống xã hội; nhân tố quyết định lịch sử, xét đến cùng, là sản xuất
và tái sản xuất ra đời sống xã hội; nguồn gốc và động lực phát triển xã hội là
nhu cầu, lợi ích của con người (giai cấp, quốc gia, dân tộc, nhân loại), là sự
tác động biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa cơ sở hạ
tầng và kiến trúc thượng tầng của xã hội; sự phát triển của xã hội từ hình thái
kinh tế - xã hội này sang hình thái kinh tế - xã hội khác là quá trình lịch sử
tự nhiên, không phụ thuộc vào ý thức, ý chí của con người, các giai cấp, quốc
gia dân tộc và nhân loại. Nói một cách khái quát, quan điểm của chủ nghĩa duy vật
lịch sử về hình thái kinh tế - xã hội, về nhu cầu lợi ích của con người, về đấu
tranh giai cấp, cách mạng xã hội và nhà nước, về vấn đề con người... vẫn đã, đang
và tiếp tục là cơ sở khoa học cho việc xem xét, giải quyết đúng đắn những vấn đề
cơ bản và cấp bách của xã hội hiện đại.
Ở nước ta tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt
của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn tới là “Kiên định và vận
dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định
mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Ðảng
để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đây là vấn đề có tính
nguyên tắc, được khẳng định bổ sung, phát triển qua các kỳ Đại hội và là sợi chỉ
đỏ xuyên suốt, nhất quán trong hành trình đi tới mục tiêu vì một nước Việt
Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Kiên
định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề có tính nguyên tắc đối
với Đảng ta trong mọi giai đoạn cách mạng. Trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững bản chất khoa học và cách mạng, vận dụng một cách
đúng đắn, phù hợp với điều kiện lịch sử mới của Đảng ta về xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc xã hội chủ nghĩa. Đó là kết quả của đổi mới tư duy, vận dụng và phát triển
sáng tạo lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hợp
thành hệ thống lý luận và phương pháp, tức là hệ nguyên tắc phương pháp luận chỉ
đạo công cuộc đổi mới vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh. “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh”[1] vẫn là tư tưởng chỉ đạo
xuyên suốt của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Nghiên
cứu và vận dụng triết học Mác - Lênin ở nước ta luôn bám sát sự biến đổi
của thực tiễn. Từ Đại hội VI đến nay, những luận giải triết học và nhận thức
của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội có nhiều
chuyển biến mới, đó là: Chuyển từ chế độ sở hữu công hữu thuần nhất với kinh tế
quốc doanh và kinh tế tập thể là chủ yếu, sang sở hữu hỗn hợp; nền kinh tế nhiều
thành phần trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc
dân. Gắn liền chính sách kinh tế với chính sách xã hội, coi con người vừa là mục
tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội, nhân tố con người là nhân tố
quyết định sự thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng
thời, xác định cùng với khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng
đầu, đầu tư cho giáo dục, đào tạo là đầu tư cho phát triển, đẩy mạnh công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng
hiện đại. Đảng ta đã có những điều chỉnh và bổ sung nhận thức, làm cho quan niệm
về chủ nghĩa xã hội ngày càng có căn cứ khoa học và thực tiễn sâu sắc. “Qua 35
năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ
nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn
thiện và từng bước được hiện thực hóa”[2]
Hiện
nay, tình hình thế giới và trong nước vẫn còn những diễn biến phức tạp, bất trắc,
khó lường đang đặt ra yêu cầu mới về phát triển triết học Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh. Thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhất
là sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì đòi hỏi chúng ta lại càng
phải nắm vững lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, trước hết là thấm nhuần thế giới quan duy vật và phương pháp biện
chứng khoa học bám sát tình hình thực tiễn của sự nghiệp đổi mới để khái quát,
bổ sung những vấn đề lý luận làm phong phú thêm hệ thống lý luận của nghĩa Mác
trong điều kiện cách mạng mới ở nước ta hiện nay.
Chủ
nghĩa Mác - Lênin nói chung, triết học Mác - Lênin được Đảng Cộng sản Việt Nam
tiếp thu, vận dụng hết sức sáng tạo không chỉ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân
tộc mà cả trong cách mạng xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong giai đoạn đấu tranh
giải phóng dân tộc, Đảng chủ yếu tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến
chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, triết học Mác - Lênin nói riêng cũng như vận dụng
các nguyên lý triết học Mác - Lênin vào đấu tranh giải phóng Miền Nam thống nhất
đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đặc biệt trong thời kỳ đổi mới,
Đảng đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của triết học Mác - Lênin vào phát
triển lý luận của chủ nghĩa xã hội như: Bản chất, đặc trưng của chủ nghĩa xã hội;
phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về những mối quan hệ lớn cần
giải quyết trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; về quá độ lên chủ nghĩa
xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa; về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; về phát triển kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa; về phát triển văn hóa với tính cách là nền tảng
tinh thần của xã hội... tất cả những vấn đề này đều là kết quả của sự vận dụng
sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, triết học Mác - Lênin
nói riêng của Đảng Cộng sản Việt Nam vào điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt
Nam trong mỗi giai đoạn cách mạng.
N.T.K.T – H2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét