CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2021

QUAN ĐIỂM VỀ ĐỔI MỚI GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, đất nước và dân tộc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, thúc đẩy sự phát triển và hội nhập của đất nước. Các quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong văn kiện Đại hội là sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, với nhiều nội dung sâu sắc, toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, có nhiều quan điểm đã được bổ sung, hoàn thiện so với các đại hội trước, phù hợp với điều kiện lịch sử của giai đoạn cách mạng mới. Những nội dung được đề cập đến trong Đại hội gồm nhiều vấn đề, có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai của đất nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo. Về quan điểm đổi mới giáo dục và đào tạo trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, có thể được khái quát trên một số vấn đề chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục đề cao vai trò của giáo dục, coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”[1]. Quan điểm này vừa khẳng định hai lĩnh vực được xác định là quốc sách hàng đầu đó là giáo dục, đào tạo và khoa học và công nghệ; đồng thời phản ánh mối quan hệ biện chứng giữa giáo dục, đào tạo với khoa học, công nghệ. Mặt khác, Nghị quyết Đại hội XIII nhấn mạnh, để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu thì cần phải “xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách…”. Thể chế, chính sách phải đi đầu, là cơ sở, là nền tảng để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.

Thứ hai, chủ trương đổi mới mục tiêu giáo dục, từ đổi mới mục tiêu chung của nền giáo dục quốc gia cho đến đổi mới mục tiêu của từng bậc học. Về mục tiêu của giáo dục Việt Nam, Đại hội XIII đã chỉ rõ: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khoẻ, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người”[2]. Đảng ta tiếp tục xác định mục tiêu của giáo dục là xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện cả về phẩm chất, năng lực, có sức khỏe; có ý thức, trách nhiệm cao với bản thân, gia đình, xã hội, với Tổ quốc. Mặt khác, Đại hội cũng chỉ rõ, giáo dục phải chú trọng phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, kỹ thuật số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người. Ở đây chúng ta thấy rằng, quan điểm của Đại hội XIII của Đảng về mục tiêu của giáo dục Việt Nam là xây dựng và phát triển toàn diện con người và phát triển nhân lực đáp ứng tốt nhất sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Về mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; bảo đảm thống nhất với đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn. Chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động. Hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động”[3]. Đại hội XIII của Đảng chủ trương tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng hóa các lĩnh vực và phương thức giáo dục nghề nghiệp, song phải thống nhất với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Giáo dục nghề nghiệp phải tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước; chú trọng đào tạo, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi mà công nghệ luôn thay đổi, luôn phát triển, đòi hỏi năng lực người lao động phải thích ứng thì không gì tốt hơn là đào tạo thường xuyên lực lượng lao động. Một vấn đề nữa của mục tiêu giáo dục nghề nghiệp là hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động. Đây là một định hướng đúng đắn để khắc phục những hạn chế về giáo dục, đào tạo, đó là: “Đào tạo vẫn thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và thị trường lao động… Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội”[4].

Cùng với xác định mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, Đảng ta đã chỉ rõ mục tiêu giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non: “Thực hiện phổ cập giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học bắt buộc. Đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu, chú trọng xây dựng nền tảng kỹ năng nhận thức và hành vi cho học sinh phổ thông. Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông. Giảm tỉ lệ mù chữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số”[5]. Quan điểm mới ở đây là đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu, chú trọng xây dựng nền tảng kỹ năng nhận thức và hành vi cho học sinh phổ thông. Đây là quan điểm hoàn toàn đúng đắn, nhằm đổi mới giáo dục, đào tạo đáp ứng với yêu cầu của giáo dục trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ ba, chủ trương đổi mới toàn diện và đồng bộ giáo dục, đào tạo; chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”[6]. Một lần nữa Đảng ta tiếp tục chủ trương đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo; tuy nhiên, điểm mới ở đây là đổi mới toàn diện và đồng bộ các thành tố của giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế… Mục tiêu giáo dục cần phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong xã hội hiện đại và hội nhập quốc tế; nội dung, chương trình phải được đổi mới dựa trên những cách tiếp cận hiện đại và những thành tựu mới của khoa học; phương pháp, hình thức giáo dục phải đổi mới phù hợp với mục tiêu, nội dung và sự phát triển của khoa học giáo dục hiện đại. Mặt khác, Nghị quyết nhấn mạnh đổi mới giáo dục, đào tạo cần: Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc.

Về đổi mới phương thức giáo dục, Đại hội XIII đã xác định: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua Internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khoá, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”[7]. Đảng ta chủ trương đa dạng hóa các phương thức giáo dục, đào tạo để đào tạo con người có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương… để trở thành công dân toàn cầu. Đây là quan điểm rất đúng đắn về đổi mới giáo duc, đào tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ tư, quan điểm tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân; xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt chú trọng giáo dục mầm non, tiểu học, tạo tiền đề và bảo đảm điều kiện thuận lợi để mỗi người dân đều được thụ hưởng một cách công bằng thành quả của nền giáo dục[8]. “Sắp xếp lại hệ thống trường học; phát triển hài hoà giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền, ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách. Đa dạng hoá các loại hình đào tạo, hoàn thiện chính sách phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập, thực hiện cơ chế tự chủ đối với đào tạo bậc đại học phù hợp với xu thế chung của thế giới, chuyển đổi trường đại học công lập kém hiệu quả sang mô hình hợp tác công - tư. Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học cao đẳng; có cơ chế hỗ trợ xây dựng một số trường đại học lớn và đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và thế giới”[9]. Đại hội XIII của Đảng rất quan tâm hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, đảm bảo cho hệ thống giáo dục quốc dân cân đối, hài hòa, phát huy được tối đa chức năng trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, đảm bảo mỗi người dân đều được thụ hưởng một cách công bằng thành quả của nền giáo dục. Mặt khác, Đảng ta chủ trương sắp xếp lại hệ thống các trường học, đảm bảo hài hòa giữa giáo dục công lập và dân lập; ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa… hỗ trợ xây dựng một số trường đại học lớn và đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và thế giới. Đây là những chủ trương thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với các vùng đặc biệt khó khăn và thể hiện sự quan tâm và tầm nhìn dài hạn trong phát triển giáo dục đại học, giáo dục sư phạm.

Thứ năm, quan điểm đặt ra mục tiêu Việt Nam tham gia thị trường đào tạo nhân lực quốc tế, vì vậy yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục và đào tạo. “Gắn kết chặt chẽ giáo dục và đào tạo với nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới; hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, các nhóm đổi mới sáng tạo mạnh[10]. Thực hiện đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động. Cùng với đề cao vị trí, vai trò và trách nhiệm xã hội, cần đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt, sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Phấn đấu  đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. 

Những quan điểm về giáo dục và đào tạo được đề cập trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII là những định hướng hết sức quan trọng cho phát triển giáo dục, đào tạo của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Các vấn đề về đổi mới giáo dục, đào tạo được đề cập trong Nghị quyết đều có tác dụng chỉ đạo phát triển giáo dục và đào tạo; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở các bậc học, ngành học khác nhau trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nghiên cứu, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có chất lượng các quan điểm mới về giáo dục, đào tạo được đề cập trong Nghị quyết của Đại hội là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân; đặc biệt là đối với giảng viên ở các nhà trường quân đội.

THH - LGH



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 136.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 231.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 232.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 82-83

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 233.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 136-137.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 232 - 233.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 137.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 233-234.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 138.

0 nhận xét: