Tình hình dịch
bệnh Covid-19 ở các tỉnh, thành phố phía nam vẫn đang diễn biến rất phức tạp, tốc
độ lây lan rất nhanh, gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh
hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống. Với tinh thần
"chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân
là trên hết. Mới đây bộ phim tài liệu “Ranh
giới” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, phát sóng tối 8/9 trên kênh VTV1 với hình ảnh về
đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, ngày đêm giành giật sự sống cho các sản
phụ nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Hùng Vương ở TP.HCM. Bộ phim mang đến những cảm
xúc sâu lắng cho người xem, trong đó có cả tôi. Thứ cảm xúc day dứt, bàng hoàng
và đầy xót xa. Bỗng cảm thấy đôi khi cuộc
sống thật mong manh - như một ranh giới rất nhỏ, chênh vênh giữa hai bờ sống -
chết. Xem bộ phim để hiểu rằng chúng ta không thể biết được đâu là lần gặp gỡ
cuối cùng. Một nụ cười hay một giọt nước mắt, đó có thể là thứ cuối cùng chúng
ta được nhìn thấy ở những người mà chúng ta trân trọng nhất. Và đôi khi, thứ
chúng ta sợ hãi nhất không hẳn đã là cái chết, mà là sự tuyệt vọng: "Em sợ
lắm", "Cho em về để em được chết ở nhà" - lời bệnh nhân khiến
người xem thấy "sợ"…Nhưng, dù tuyệt vọng đến đâu, những người sản phụ
ấy không hề cô đơn. Bên họ là những lời động viên, chăm sóc của đội ngũ y bác
sĩ, hay đơn giản chỉ là một cái nắm tay khi họ cần, một câu nói để họ biết họ
không lạc lõng: "Việc của em là thở thôi. Hãy cố thở cho mình"…
“Ranh giới”
không chỉ dành cho các sản phụ, không chỉ dành cho những đứa trẻ còn chưa chào
đời, mà còn dành cho chính đội ngũ y bác sĩ - những người có nguy cơ trở thành
F0 cao nhất. Đâu có ai biết chắc được rằng, cuộc gọi facetime với gia đình vừa
lúc nãy thôi không phải là lần cuối cùng. Chợt nhớ đến câu nói: “Hạnh phúc. Giản
đơn nghĩa là còn được thở. Và biết thế nào là hạnh phúc. Thế thôi”. Thấy thấm
thía biết bao.
Trước diễn biến
phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại nhiều địa phương trên cả nước, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và
đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch. Trong trận chiến chống
dịch, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư là
lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân phát huy truyền thống tương thân, tương ái,
đoàn kết của dân tộc, tạo nên sức mạnh và niềm tin để Việt Nam vững vàng vượt
qua đại dịch.
Diễn biến phức
tạp của đại dịch COVID-19 đã và đang tác động sâu rộng tới đời sống nhân dân
cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đòi hỏi cả hệ thống chính
trị và nhân dân cần tập trung mọi nguồn lực, chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Tổng
Bí thư kêu gọi: “Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức
khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và
Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở
nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết
hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một,
đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn,
đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng” là lời
hiệu triệu, tiếp thêm động lực, ý thức trách nhiệm chung cho toàn Đảng, toàn
dân đẩy lùi dịch bệnh.
Với một quyết
tâm “Làm theo mệnh lệnh trái tim”, nỗ lực quyết tâm” hết dịch mới về”. Những đội
ngũ y, bác sĩ là những người hùng thầm lặng trong thời đại mới, xung phong đi
tuyến đầu chống dịch. Hơn ai hết họ biết rõ bất cứ lúc nào cũng có thể bị lây
nhiễm bệnh nhưng họ không chùn bước, họ luôn làm hết mình để cứu chữa, điều trị
cho bệnh nhân. Nỗi vất vả, hiểm nguy càng đè nặng lên vai họ khi cuộc chiến ấy
phải đối diện khốc liệt hằng ngày, hằng giờ... Nhưng cũng thật buồn khi cũng có
nhiều nhân viên y tế, bác sĩ đã phải nhiễm Covid19 và có một số trường hợp tử
vong.
Trong thời gian
qua, tình hình ở các tỉnh phía Nam diễn biến thật khó lường, và phức tạp đặc biệt
là ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương…Hàng triệu y bác sĩ đã tình nguyện lên đường,
vào những “vùng đỏ” theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, và lương tâm người
thầy thuốc. Họ không hề quản ngại và đã xuất hiện rất nhiều những tấm gương
sáng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch.
Chúng ta hãy cảm
thấy tự hào về những hy sinh thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ. Và chúng ta tin
tưởng sâu sắc trên bước đường tiếp theo. Chỉ mong rằng Việt Nam sẽ hết dịch;
các y, bác sĩ lại trở về cuộc sống thường ngày; đoàn tụ với gia đình.
Kể từ khi dịch
Covid-19 bùng nổ và trở thành mối nguy toàn cầu, Việt Nam đã luôn “đi trước” và
vững vàng trong phòng tuyến chống dịch. Thế nhưng, tâm trạng lo lắng, bất an là
không thể tránh khỏi, nhất là khi cả nước bước vào giai đoạn cao điểm với những
quyết sách không khác gì thời chiến.
Trong suốt quá
trình đó, bên cạnh sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị thì sự hy sinh thầm lặng,
nỗ lực quên mình của lực lượng y bác sĩ, bộ đội, công an, dân quân tự vệ trên
tuyến đầu chống dịch đóng vai trò quyết định cho diễn biến tiếp theo.
Cũng là những
người con, người cha, người mẹ trong gia đình, đã bao lâu rồi họ không được về
nhà sum họp cùng người thân? Hình ảnh những y bác sĩ ngày đêm chiến đấu với dịch
bệnh bảo vệ tính mạng, sức khỏe bệnh nhân; hình ảnh những người lính căng mình
trên các tuyến biên giới ngăn chặn mọi hành vi xuất nhập cảnh trái phép có thể
mang theo mầm bệnh; những chú bộ đội trẻ măng chấp nhận “màn trời, chiếu đất”
nhường chỗ cho đồng bào trong khu cách ly; những bạn dân quân lưng áo đẫm mồ
hôi, cánh tay rã rời vì khuân vác nặng, có thể lăn ra ngủ bất cứ đâu vì kiệt sức
khi làm nhiệm vụ trong các khu cách ly… thực sự mang lại cảm xúc dâng trào.
Thương và tự hào về các anh, các chị - những người nêu bật phẩm chất Việt Nam
nơi tiền tuyến!
Xúc động trước
những hình ảnh đó, anh Vũ Quốc Tuấn, một giáo viên dạy Toán ở thị xã Phú Thọ, tỉnh
Phú Thọ, đã sáng tác bài thơ “Nếu anh không về” lan truyền mạnh mẽ
trên các trang mạng xã hội những ngày qua. Những lời thơ nhẹ nhàng mà thấm
thía: “Nếu anh không về trong buổi chiều nay/Em đừng buồn và âu lo quá nhé/Nhớ
đón con và động viên cha mẹ/Bởi Tổ quốc cần, anh chẳng thể ngồi yên…”,… như nói
thay tâm tình những người nơi tuyến đầu chống dịch, cũng là tấm lòng tri ân
trân trọng của mỗi người dân đối với những “người hùng” đích thực vào lúc này.
Bài thơ lay động
lòng người góp phần tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho những lực lượng nơi tiền
tuyến và cũng là lời nhắc nhở những người nơi hậu phương hãy làm thật tốt vai
trò của mình (để họ vơi bớt nhọc nhằn): tuân thủ quy định của Chính phủ, chính
quyền địa phương, khuyến cáo của Bộ Y tế.
Chỉ cần đoàn kết,
tin tưởng và sống có trách nhiệm, Việt Nam sẽ chiến thắng “giặc Covid-19” như
đã bao lần đánh thắng mọi kẻ thù!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét