CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

TÌNH ĐỒNG CHÍ, ĐỒNG ĐỘI TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

 

Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, mang bản chất giai cấp công nhân, có tính dân tộc và tính nhân dân sâu sắc, là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, được nhân dân hết mực tin yêu, vinh tặng danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Một trong những đặc trưng tiêu biểu, riêng có trong những phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ” là tình đồng chí, đồng đội - một nét đẹp truyền thống, biểu tượng thiêng liêng, cao quý của cán bộ, chiến sĩ; đồng thời là nhân tố quan trọng làm nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta.

Theo Từ điển Tiếng Việt: “đồng chí” là cách gọi và xưng hô của những người cùng tổ chức, cùng chung chí hướng chính trị, cùng đội ngũ...; “đồng đội” là những người cùng đội ngũ chiến đấu[1]. Như vậy, “đồng chí”, “đồng đội” được bắt nguồn từ sự thống nhất cao về lợi ích, thể hiện sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ của những người cùng chung mục tiêu, lý tưởng trong một tổ chức, đơn vị nhất định.

Đồng chí, đồng đội là cách gọi, cách xưng hô với nhau hằng ngày của một người, một nhóm người cùng chung mục tiêu, lý tưởng, cùng môi trường học tập, lao động, công tác trong một tổ chức, đơn vị nhất định, luôn có sự trao đổi, phối hợp, hợp tác, chia sẻ với nhau trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Cách gọi, cách xưng hộ đồng chí, đồng đội không phải là bất biến, nó sẽ thay đổi khi các thành viên trong tổ chức, đơn vị đó chuyển đổi sang lĩnh vực công tác, đơn vị khác mà không cùng chung mục tiêu, lý tưởng...

Suốt cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và mục đích cuối cùng là giải phóng con người. Vấn đề con người luôn được Bác quan tâm chăm lo chu đáo. Trong rất nhiều mối quan hệ mà mỗi người đều phải xử lý hằng ngày, Hồ Chí Minh quy vào ba mối quan hệ chủ yếu: Đối với người, đối với việc và đối với mình.

Trong mối quan hệ giữa người với người, Hồ Chí Minh luôn chú trọng nhân lên cái thiện. Bác đã dạy: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”[2]. Câu chuyện “Nước nóng, nước nguội” kể về phương pháp Bác Hồ chỉnh huấn đồng chí cán bộ trung đoàn tính tình nóng nảy, hay quát mắng bộ đội thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở chiến khu Việt Bắc, là một trong rất nhiều cử chỉ, việc làm thể hiện sâu sắc sự tôn trọng nhân cách con người, sống phải có tình thương yêu đồng chí, đồng đội trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc cuối cùng của mình. Người căn dặn: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”[3].

Như vậy, tình đồng chí, đồng đội theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là kết quả của sự phát triển những giá trị, truyền thống, đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, kết hợp với bản chất cách mạng, khoa học, tinh thần quốc tế vô sản của chủ nghĩa Mác - Lênin, thể hiện sự thống nhất về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, bản chất, lợi ích giai cấp, sự bình đảng về quyền và nghĩa vụ của những người của chung một tổ chức, cơ quan, đơn vị, cùng đội ngũ…

Mối quan hệ giữa quân nhân với quân nhân (công nhân viên chức và lao động quốc phòng) trong Quân đội nhân dân Việt Nam là phạm trù phản ánh mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa lãnh đạo, chỉ huy và phục tùng, được hình thành, củng cố, phát triển cùng với lịch sử xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, chiến thắng của quân đội ta, được nâng lên thành tình cảm đặc biệt, thiêng liêng, cao quý, đó là tình đồng chí, đồng đội.

Tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội nhân dân Việt Nam một mặt được hình thành, củng cố, phát triển dựa trên chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định của quân đội; mặt khác, còn được dựa trên tình thương yêu giai cấp, tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn như ruột thịt “lúc thường cũng như lúc ra trận” giữa những con người cùng chung chí hướng, mục tiêu, lý tưởng, cùng thực hiện nhiệm vụ cao cả và rất vinh quang của người quân nhân cách mạng mà Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao phó. Tình đồng chí, đồng đội trong quân đội ta vừa là thuộc tính bản chất của quân đội cách mạng, vừa là một trong những cơ sở tạo nên giá trị văn hóa quân sự tốt đẹp thâm sâu, thấm đậm trong đời sống tinh thần của bộ đội, là phẩm chất đặc biệt trong nhân cách người quân nhân cách mạng - “Bộ đội Cụ Hồ”.

Lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam luôn diễn ra trong điều kiện phải vượt qua những khó khăn về địa lý, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt: “Sáng chống bão giông, chiều ngăn nắng lửa”; phải đấu tranh chống lại các thế lực ngoại xâm có tiềm lực kinh tế, quân sự... lớn hơn ta nhiều lần. Quá trình đó, đã hình thành nên cốt cách, phẩm giá và lẽ sống cao đẹp của người Việt: “Nhiều điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”... và các giá trị văn hóa quân sự Việt Nam: “Phụ tử chi binh”, “Tướng sĩ một lòng phụ tử/ Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”, “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”... được các cán bộ, chiến sĩ kế thừa, gìn giữ, nâng niu trong tình đồng chí, đồng đội - sự hội tụ, kết tinh của bản lĩnh chính trị, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, tính nhân văn cao đẹp của từng quân nhân, từng tập thể quân nhân và của toàn quân ta; góp phần tạo nên sức mạnh đấu, chiến thắng, lập nên những chiến công hiển hách, xứng đáng với lời khen tặng và sự ghi nhận của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.

Trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới; thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phương hướng, mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đặt ra những yêu cầu cao hơn, cần phải tiếp tục củng cố, phát triển tình đồng chí, đồng đội theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thiết thực góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.

Hải Xồm H3



[1] Từ điển Tiếng Việt, Nxb Thanh niên, TP. Hồ Chí Minh, 2000, tr. 375.

[2], 3 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 668, 662

 

0 nhận xét: