Hơn
hai thế kỷ trôi qua, người Việt thời nay không còn nhuộm răng đen, để tóc dài,
nhưng tinh thần, ý nghĩa từ lời hịch bất hủ của Anh hùng dân tộc áo vải cờ đào
Quang Trung-Nguyễn Huệ về bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc vẫn còn giá trị.
Lịch
sử Việt Nam ghi lại, sau hơn 15 năm khởi nghĩa, quân Tây Sơn đã đánh đổ 3 tập
đoàn phong kiến thống trị là Nguyễn, Trịnh, Lê. Nước nhà được thống nhất từ Hà
Tiên đến cả miền Bắc. Từ lời cầu cứu của Lê Chiêu Thống, triều đình phong kiến
Mãn Thanh đã cho Tôn Sĩ Nghị đưa quân xâm lược vào chiếm đóng Thăng Long ngày
17/12/1788. Năm ngày sau đó, ngày 22/12/1788 (tức ngày 25 tháng 11 năm Mậu
Thân), được sự chấp thuận, ủng hộ của hàng vạn tướng sĩ và cũng là làm sáng tỏ
tính chính danh, chính nghĩa đối với muôn dân, Nguyễn Huệ lập đàn ở phía nam
núi Ngự Bình (Huế) làm lễ trọng thể tế cáo trời đất, lên ngôi Hoàng đế, lấy
niên hiệu là Quang Trung. Trước ba quân tướng sĩ, Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn
Huệ tuyên thệ hùng hồn: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó
chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc
anh hùng chi hữu chủ!”.
Lời
hịch trên được hiểu là: Quyết đánh kẻ thù để giữ gìn, bảo tồn phong tục, tập
quán của tổ tiên ông cha để lại, vẫn để được tóc dài, vẫn nhuộm được răng đen.
Đánh cho nó một chiếc xe để chạy về nước cũng không có. Đánh cho nó một mảnh
giáp cũng chẳng còn. Đánh cho lịch sử muôn đời biết nước Nam anh hùng là có chủ.
Theo
sử sách truyền lại, người Việt xưa có phong tục nhuộm răng đen. Duy trì phong tục
này, một mặt nhằm bảo đảm cho răng được bền chắc, tránh bị sâu răng; mặt khác,
cũng là một cách chống lại mưu đồ đồng hóa của kẻ thù đối với nhân dân ta dưới
thời kỳ đô hộ nghìn năm Bắc thuộc. Phong tục nhuộm răng đen từng là một nét đẹp
tao nhã, duyên dáng của người phụ nữ Việt thuở trước. Vẻ đẹp đó được thể hiện
qua bài ca dao “Mười thương” với hai câu: “Ba thương má lúm đồng tiền/ Bốn
thương răng nhánh hạt huyền kém thua” (răng hạt huyền là răng đã được nhuộm
đen). Trong bài thơ nổi tiếng “Bên kia sông Đuống” của thi sĩ Hoàng Cầm (sáng
tác tháng 4/1948) cũng có những câu thơ rất đẹp, rất hay về hình ảnh người phụ
nữ vùng Kinh Bắc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp: “Ai về bên
kia sông Đuống/ Có nhớ từng khuôn mặt búp sen/ Những cô hàng xén răng đen/ Cười
như mùa thu tỏa nắng”. Hiện nay, tuy phụ nữ Việt không duy trì phong tục nhuộm
răng đen, nhưng chúng ta vẫn bắt gặp nhiều bà lão ở độ tuổi 70 trở lên nơi vùng
nông thôn Bắc Bộ vẫn còn răng đen, nhai trầu đỏ môi. Đó là nét văn hóa xưa còn
lưu lại trong xã hội hiện đại.
Ngoài
nhuộm răng đen, người Việt cũng có phong tục để tóc dài. Theo các nhà nghiên cứu
văn hóa, việc để tóc dài của người Việt kéo dài từ khoảng thế kỷ 15 đến gần cuối
thế kỷ 18. Xưa kia, đàn bà để tóc dài thể hiện sự đoan trang, thùy mị. Còn đàn
ông để tóc dài thì cuốn thành búi trên đầu rồi để phía sau gáy cho gọn gàng.
Có
thể khẳng định rằng, lời hịch của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ thể hiện rõ
ràng ở 3 khía cạnh: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để răng đen” nhằm mục tiêu bảo
vệ bản sắc văn hóa dân tộc; “Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến
giáp bất hoàn” nhằm mục tiêu thắng lợi về mặt quân sự; “Đánh cho sử tri Nam quốc
anh hùng chi hữu chủ” nhằm đạt mục tiêu chính trị là giành lại vị thế, khẳng định
nước Nam đã có chủ.
Vì
sao Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ lại đặt mục tiêu giữ gìn phong tục, tập
quán, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc lên trước mục tiêu thắng lợi quân sự và mục
tiêu giành lại vị thế chính trị của đất nước? Vì “răng đen, tóc dài” không đơn
thuần là những bộ phận trên cơ thể của người Việt xưa, mà hơn thế, đó là hình ảnh
thân thuộc của đồng bào ta qua bao đời, đó cũng là phong tục, tập quán văn hóa
của người Việt Nam tồn tại từ lâu. Lời hịch thực chất là lời quyết chiến, quyết
đánh đuổi quân xâm lược đến cùng để bảo toàn những giá trị gốc gác của người Việt,
của linh hồn văn hóa truyền thống Việt.
Có
thể khẳng định rằng, lời hịch của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ góp phần thức
tỉnh tâm can, lay động lòng người, vì thế quy tụ, lôi cuốn được muôn dân đồng
tâm hiệp lực thành sức mạnh phi thường để đánh tan 29 vạn quân xâm lược Thanh
trong mùa xuân Kỷ Dậu 1789, làm nên trận đại thắng Ngọc Hồi-Đống Đa lẫy lừng
trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Ở hàm ý sâu xa hơn, người anh hùng dân tộc áo vải
cờ đào muốn gửi thông điệp tới các thế hệ con cháu mai sau, những gì thuộc về giá
trị bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của tổ tiên, ông cha từ ngàn đời thì
phải luôn có trách nhiệm lưu giữ, bảo tồn để dân tộc Việt không bao giờ bị mất
gốc hay trở thành “bản sao” của dân tộc khác.
Hơn
230 năm trôi qua, tinh thần, ý nghĩa từ lời hịch bất hủ của Hoàng đế Quang
Trung-Nguyễn Huệ về bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc vẫn còn giá trị. Trong thời
đại toàn cầu hóa hiện nay, một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc
gia-dân tộc phải đối mặt là dễ bị phai mờ, thậm chí đánh mất bản sắc văn hóa
dân tộc. Vì vậy, chúng ta càng phải nhận thức thấu đáo hơn nữa vị trí, ý nghĩa
đặc biệt quan trọng về bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó đề cao trách nhiệm
và có những giải pháp căn cơ, đồng bộ để giữ gìn bằng được những giá trị văn
hóa mà ông cha ta đã bền bỉ xây dựng, sáng tạo, hun đúc từ thời đại Hùng Vương
dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh. Những tinh hoa văn hóa đó là hệ thống giá
trị di sản vật thể, phi vật thể văn hóa và tất cả những gì góp phần làm nên đặc
trưng tính cách Việt, tâm hồn Việt, nhân cách Việt từ thời mở nước đến nay.
Có
câu danh ngôn, “Văn hóa là những gì còn lại khi tất cả những cái khác mất đi”.
Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, trong đó lịch sử đấu tranh giữ nước
chiếm phần lớn thời gian trong tiến trình dân tộc đã cho chúng ta một chân lý:
Nước có thể mất, nhà có thể tan, nhưng nhất định không thể để mất tổ tiên, gia
phả, dòng họ, không thể mất phong tục, tập quán của ông cha để lại. Lịch sử Việt
đã đúc kết rằng, sức sống bền bỉ, trường tồn, mãnh liệt của dân tộc Việt chủ yếu
bắt nguồn từ “sức mạnh mềm”, tức là từ văn hóa, bản lĩnh, khí phách của con người
Việt Nam.
Muốn
giữ được quê cha đất tổ lâu dài, muốn cho tổ tiên không bị mất gốc thì không
bao giờ được phép lãng quên và làm “đứt gãy” mạch nguồn văn hóa được người Việt
vun trồng, bồi đắp, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bài học về sự
kiên trì, ý chí kiên quyết bảo vệ các giá trị văn hóa đã làm nên căn tính, cốt
cách dân tộc cách nay cả ngàn năm chưa bao giờ mất đi ý nghĩa của nó, mà vẫn
còn sức sống mãnh liệt đến hôm nay và mai sau.
Chủ
tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Cái gốc của văn hóa mới là dân tộc”. Gốc có
vững, cây mới bền. Giữ được cái gốc dân tộc của văn hóa, đó không chỉ là cơ sở
vững vàng để bảo vệ thống nhất, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia,
mà còn là thành trì chắc chắn để bảo vệ nền văn hóa dân tộc trong thời đại toàn
cầu hóa hiện nay./.
LQT-H8
0 nhận xét:
Đăng nhận xét